Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Chiều 16-10, 1.052 đại biểu đã có mặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội để tham dự phiên làm việc thứ nhất của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển", Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 được tổ chức từ ngày 16 đến 18-10.
Đại hội có nhiệm vụ đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, đề ra phương hướng, mục tiêu và các chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
Trong ngày làm việc đầu tiên, đại hội tiến hành hiệp thương cử đoàn chủ tịch gồm 55 vị, đoàn thư ký gồm 5 vị; thông qua chương trình và quy chế làm việc của đại hội.
Báo cáo tại đại hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, tổng số đại biểu chính thức tham dự đại hội là 1.052 đại biểu. Trong đó, đại biểu đương nhiên là 337 đại biểu, là các vị Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX; đại biểu do đại hội cấp tỉnh và các tổ chức thành viên chọn cử là 583 đại biểu, gồm: 91 đại biểu do các tổ chức thành viên ở Trung ương cử; 492 đại biểu của các địa phương do đại hội MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành hiệp thương cử.
Đại biểu chỉ định gồm 132 đại biểu là các vị dự kiến tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X; 2 vị là người đứng đầu tổ chức thành viên nhưng dự kiến cấp phó tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa X; đại diện chức sắc, chức việc của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đăng ký hoạt động nhưng chưa có đại biểu tham dự đại hội.
Tham dự đại hội, đại biểu trẻ tuổi nhất là Bà Thị Hà, 20 tuổi, sinh năm 2004, cá nhân tiêu biểu dân tộc S’Tiêng, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Đại biểu cao tuổi nhất là Thiếu tướng Võ Sở, 95 tuổi, sinh năm 1929, Chủ tịch Hội truyền thống Trường sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.
Trong chiều 16-10, đại hội cũng thảo luận xem xét nhiều nội dung quan trọng như: Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024; Tờ trình sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam khóa IX; thông qua sửa đổi bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam…
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX, đã kế thừa, phát huy những kinh nghiệm trong hoạt động của các nhiệm kỳ trước, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức triển khai, cơ bản hoàn thành chất lượng và hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 và những vấn đề đặt ra trong tình hình mới; luôn chú trọng nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước...
Đoàn Chủ tịch đã ban hành nhiều kết luận, nghị quyết và những hoạt động quan trọng, trong đó tiêu biểu phải kể đến việc Lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19”; tổ chức lễ phát động Chương trình “triệu tấm lòng yêu thương - nghìn mái nhà hạnh phúc”; triển khai Đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; ra lời kêu gọi hưởng ứng Phong trào thi đua cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”; kịp thời tổ chức lễ phát động và ra lời kêu gọi về vận động ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nêu rõ 6 bài học kinh nghiệm.
Một là, việc xác định nội dung hoạt động phải bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào chương trình hành động và kế hoạch hàng năm đối với những việc phát sinh để thích ứng tình hình mới và yêu cầu đặt ra đối với vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Đối với những nội dung mới, khó, cần quyết liệt, kịp thời đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm.
Hai là, nhiệm vụ xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải được quán triệt sâu sắc, triển khai quyết liệt; tổ chức thực hiện sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, giai tầng xã hội, địa phương, vùng miền; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các âm mưu chia rẽ nhân dân với Đảng và Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ba là, xây dựng tập thể Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTQT Việt Nam đoàn kết, đồng thuận, thực sự tâm huyết, trách nhiệm, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động mặt trận.
Bốn là, đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động của mặt trận, hướng mạnh về cơ sở, cán bộ mặt trận phải thực sự gần dân, sát dân, trọng dân.
Năm là, việc lắng nghe phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân là nhân tố quan trọng, kịp thời có những kiến nghị kịp thời với Đảng, Nhà nước.
Sáu là, chủ động nghiên cứu, dự báo đúng tình hình, có giải pháp phù hợp, thích ứng linh hoạt với những biến động quốc tế và quá trình hội nhập của đất nước trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc.