Kiên quyết điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, lãng phí

Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí'. Công tác PCTN, lãng phí có nhiều chuyển biến rõ nét, qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.

Lực lượng công an đã thi hành quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 3 đối tượng nguyên cán bộ xã Hà Vinh (Hà Trung) về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Năm 2015, Công ty CP May Thịnh Vượng được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt cho xây dựng nhà máy may tại khu vực xen canh xã Hoằng Đạo và xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) với tổng diện tích 45.789m2. Sau khi có quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa, Công ty CP May Thịnh Vượng đã thông qua UBND xã Hoằng Ngọc, tiến hành thỏa thuận bồi thường cho các hộ dân có đất bị thu hồi. Trong đó, có 6 hộ tại thôn 9, xã Hoằng Ngọc, có đất nằm trong quyết định thu hồi của UBND tỉnh Thanh Hóa với diện tích 3.800m2 nhưng do trước năm 1988 và giai đoạn 1989-1992 các hộ này còn nợ các khoản tiền sản, tiền trâu bò... nên bị thôn 9 và xã tạm giữ đất. Theo quy định của pháp luật, 6 hộ dân có đất (mà thôn 9 và xã tạm giữ) là người dân quản lý và sử dụng hợp pháp, khi Nhà nước thu hồi diện tích đất này thì được nhận bồi thường về đất. Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Châu với cương vị là chủ tịch UBND xã; Trương Thanh Thụ là cán bộ địa chính; Nguyễn Thị Hà là trưởng thôn 9, vì mục đích vụ lợi đã thực hiện hành vi trái công vụ; Bùi Ngọc Châu chỉ đạo cho Hà tổ chức họp chi bộ, chỉ đạo Thụ phối hợp với Hà thiết lập hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng, tự chia diện tích cho 5 hộ, lập danh sách đề nghị xác nhận các chủ sử dụng đất nông nghiệp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký văn bản để xác nhận khống cho 5 hộ không có đất nhằm mục đích lấy tiền trên 442 triệu đồng của Công ty CP May Thịnh Vượng bồi thường. Trước những sai phạm trên, đầu tháng 7-2019, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ngày 11-3-2020, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Bùi Ngọc Châu 3 năm tù giam; Trương Thanh Thụ 2 năm 6 tháng tù giam; Nguyễn Thị Hà 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

Gần đây nhất, ngày 13-8-2020, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế và chức vụ Công an tỉnh đã thi hành quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 3 đối tượng gồm: Lê Xuân Thảo, nguyên Chủ tịch UBND xã Hà Vinh; Ngô Văn Lưu, nguyên Trưởng thôn Quý Vinh và Ngô Văn Dũng, nguyên cán bộ địa chính xã Hà Vinh (Hà Trung) về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo tài liệu điều tra ban đầu: Năm 2013, ông Lê Xuân Thảo là Chủ tịch UBND xã Hà Vinh, đã chỉ đạo ông Ngô Xuân Dũng lúc đó là cán bộ địa chính xã Hà Vinh lập hồ sơ khống đề nghị UBND huyện Hà Trung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và đất trồng cây lâu năm cho chính gia đình ông Thảo trên diện tích đất công ích của xã Hà Vinh tại thôn 2 (hiện nay gọi là thôn Quý Vinh). Để tránh dư luận, ông Thảo đã nhờ ông Ngô Văn Lưu là trưởng thôn đứng ra làm giấy tờ, khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông Lưu sẽ sang tên lại cho ông Thảo. Theo chỉ đạo của ông Thảo, ông Ngô Xuân Dũng đã lập khống toàn bộ hồ sơ này và đứng tên ông Ngô Văn Lưu. Ngày 13-9-2013, UBND huyện Hà Trung đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Ngô Văn Lưu với diện tích 3.000m2 bao gồm cả diện tích đất ở và đất trồng cây lâu năm. Ngày 18-4-2014, ông Ngô Văn Lưu đã làm thủ tục sang nhượng tên mảnh đất nói trên cho ông Lê Xuân Thảo như đã thỏa thuận ban đầu. Ngày 13-5-2014, UBND huyện Hà Trung đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Thảo trên mảnh đất công ích đó của xã Hà Vinh. Việc UBND huyện Hà Trung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Ngô Văn Lưu trên cơ sở số hồ sơ khống này và sau này sang tên cho ông Lê Xuân Thảo là hoàn toàn sai với Luật Đất đai và gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Thời gian qua, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN. Tập trung xây dựng, hoàn chỉnh các quy chế, quy định, các thể chế quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm công khai minh bạch, đặc biệt là trong quản lý kinh tế, ngân sách, đầu tư, tài sản công, tổ chức cán bộ... để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng trước pháp luật; rà soát đưa một số vụ án tham nhũng phức tạp vào diện Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng đang trong quá trình giải quyết. Trong 6 năm (2014-2020) đã khởi tố, điều tra trên 140 vụ, gần 300 bị can về tội tham nhũng và kinh tế; truy tố gần 100 vụ, đưa ra xét xử trên 90 vụ. Việc xử lý các vụ việc này chính là một hành động cụ thể, là thông điệp mạnh mẽ và quyết liệt của Thanh Hóa trong công tác PCTN. Tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo tăng cường phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí, kinh tế xảy ra ở địa phương, được Nhân dân và dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí, thực hành tiết kiệm, chỉ rõ những vi phạm, trong thời gian tới, cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục đổi mới, triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Đồng thời, cũng kiên quyết xử lý nghiêm minh “đúng người, đúng việc”, “không có ngoại lệ, không có vùng cấm, vùng trống” đối với các sai phạm, đặc biệt là đối với các vụ, việc gây bức xúc trong dư luận nhằm củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Tăng cường theo dõi, chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng đối với tổ chức đảng cấp dưới, tránh tình trạng nể nang, né tránh, bao che sai phạm, “nhẹ trên, nặng dưới”; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm, tồn tại kéo dài. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế đang trong quá trình giải quyết. Rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội và xử lý sau kết luận thanh tra để chỉ đạo giải quyết dứt điểm, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Từ đó giữ nghiêm kỷ luật Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng.

Bài và ảnh: Lê Quốc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/kien-quyet-dieu-tra-xu-ly-cac-vu-an-tham-nhung-lang-phi/123441.htm