Kiên quyết gỡ 'thẻ vàng' cho ngành thủy sản Việt Nam

Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các ý kiến kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) về nhiệm vụ gỡ cảnh báo 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC); qua 4 đợt thanh tra của EC, đến nay, tình hình chống khai thác IUU đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Tây Yên, BĐBP Kiên Giang giải thích cho chủ tàu đánh cá biết hướng đi, vị trí của tàu đang hoạt động trên biển thông qua hệ thống giám sát hành trình. Ảnh: Lê Khoa

Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Tây Yên, BĐBP Kiên Giang giải thích cho chủ tàu đánh cá biết hướng đi, vị trí của tàu đang hoạt động trên biển thông qua hệ thống giám sát hành trình. Ảnh: Lê Khoa

Theo đó, nhằm triển khai cao điểm chống khai thác IUU trong thời gian còn lại, trước khi Đoàn thanh tra của EC sang Việt Nam thanh tra lần thứ 5, Chính phủ yêu cầu các địa phương tập trung nguồn lực, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng; thực hiện đồng bộ, quyết liệt, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, mở đợt cao điểm tuyên truyền đến người dân, ngư dân về công tác thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tiếp tục quyết liệt trong truy xuất nguồn gốc thủy hải sản ra, vào các cảng cá; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các tàu cá...

Mới đây, ngày 12/6, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2024.

Đại tá Hoàng Minh Dẫn, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang cho biết: "Để các cơ quan thực thi pháp luật điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các vụ việc về vi phạm IUU, trong đó, điển hình là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; đến nay, chúng ta có thể khẳng định, Việt Nam đã có hệ thống khung pháp lý chặt chẽ và những chế tài xử phạt nghiêm khắc để xử lý các hành vi vi phạm IUU. Điều quan trọng lúc này là sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các lực lượng thực thi pháp luật để Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP đi vào cuộc sống và phát huy hết sức mạnh của mình".

Điển hình, ngày 29/1, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang mở phiên xét xử sơ thẩm đối với 4 bị cáo về tội tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép. Đây là vụ án đầu tiên ở Việt Nam được đưa ra xét xử liên quan đến chống khai thác IUU và cũng là vụ án điểm đầu tiên trong toàn quốc mà Công an tỉnh Kiên Giang đã tổ chức thực hiện được, trong đó, đã bắt, xử lý cả chủ phương tiện, thuyền trưởng, ngư phủ và người môi giới. Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang cũng đã xử phạt với mức án 23 năm tù cho 4 bị cáo.

Ngày 8/7, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vừa tiến hành bàn giao hồ sơ, tang vật và đối tượng cho cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục điều tra, xử lý về hành vi “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”. Theo diễn biến vụ việc, được biết, vào ngày 17/5, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiếp nhận tin tố giác của người dân về việc ông N.B là chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 3XXX3 TS, đã có hành vi đưa tàu cá BĐ 3XXX3 TS và 5 thuyền viên sang vùng biển nước ngoài để đánh bắt thủy sản trái phép. Qua điều tra, xác minh và tài liệu, chứng cứ thu thập được, xác định hành vi của ông N.B đã có dấu hiệu phạm tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”, ngày 4/7, Bộ Chỉ huy BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép” quy định tại khoản 2, Điều 348, Bộ luật Hình sự.

Đại tá Đặng Cao Đạt, Chỉ huy trưởng BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "Trong số các hành vi vi phạm khai thác, đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp xảy ra thời gian qua, xuất hiện nhiều thủ đoạn tinh vi, trong đó, có nhiều trường hợp cố tình tháo gửi, tiếp tay vận chuyển thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) để đi khai thác bất hợp pháp; hoặc sử dụng biển số giả, giấy tờ giả của nước ngoài, lợi dụng thời tiết dông gió hoặc đêm tối, vượt ranh giới ra vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, BĐBP và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đã kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều trường hợp vi phạm".

Chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 3XXX3 TS - N.B làm việc với cán bộ điều tra BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Quang Anh

Chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 3XXX3 TS - N.B làm việc với cán bộ điều tra BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Quang Anh

Được biết, hiện nay, đa số tại các trạm kiểm soát Biên phòng dọc tuyến biển và các lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển đều có trang bị màn hình ti vi, hệ thống máy tính kết nối với Trung tâm giáp sát hành trình tàu cá của tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các phần mềm quản lý tàu cá và giám sát hành trình được BĐBP theo dõi giám sát 24/7. Vì vậy, tàu cá nào mất kết nối, di chuyển đến khu vực giáp ranh... thì đều bị phát hiện. Qua đó, cán bộ các đơn vị sẽ phối hợp thông báo cho chủ tàu yêu cầu liên lạc để thuyền trưởng quay về hoạt động đúng vùng biển. Các chủ tàu, thuyền trưởng không chấp hành sẽ có đầy đủ dữ liệu để xử lý theo quy định.

Ngày 17/6 vừa qua, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU đã chủ trì Hội nghị sơ kết Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, triển khai chống khai thác IUU của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đợt thanh tra lần thứ 5 của EC (dự kiến vào tháng 10/2024) là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024, do đó, các ngành, các cấp có liên quan từ Trung ương đến địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thống nhất hành động, với quyết tâm cao nhất để gỡ cảnh báo “thẻ vàng”. Vì vậy, đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32-CT/TW, yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan có liên quan và các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trực tiếp lãnh đạo, tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế hiện nay; trong đó, tập trung cao độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm từ nay đến tháng 9/2024, đảm bảo có số liệu, kết quả chứng minh cụ thể để làm việc với Đoàn thanh tra của EC.

“Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản để mạnh tay, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kien-quyet-go-quotthe-vangquot-cho-nganh-thuy-san-viet-nam-post479625.html