Kiên quyết ngăn chặn xuyên tạc chủ trương lớn
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV không chỉ có khối lượng công việc lớn, mà còn là dấu mốc chính trị quan trọng của thời kỳ bản lề để đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới, nhất là việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân quyết tâm thực hiện chủ trương lớn để phát triển đất nước; kiên quyết đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc.

Thị trấn Long Bình (huyện An Phú) ra quân lấy ý kiến người dân về việc sắp xếp đơn vị hành chính
Kỳ họp thứ 9 đang diễn ra với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) - hội nghị bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới. Kỳ họp sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, cấp bách liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 và các luật phục vụ cho việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức, bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương; các vấn đề về kinh tế - xã hội; tháo gỡ triệt để rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế, tạo hành lang pháp lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với tên gọi bộ máy, kiến tạo không gian phát triển mới…
Kỳ họp tập trung xem xét, quyết định 54 nội dung thuộc công tác lập hiến, lập pháp; trong đó có 3 nghị quyết liên quan đến công tác lập hiến, 34 dự án luật và 11 nghị quyết thuộc công tác lập pháp, bao quát nhiều lĩnh vực then chốt về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là nội dung hệ trọng, lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ, Hiến pháp năm 2013 được đề xuất sửa đổi.
Mục tiêu sửa đổi là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương lớn của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Việc sửa đổi được thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ quy trình, trình tự pháp lý, bảo đảm hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Đồng hành với khối lượng nội dung lập hiến, lập pháp, Quốc hội cũng sẽ xem xét 14 nhóm nội dung quan trọng khác về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và vấn đề lớn của đất nước.
Đối với việc sửa đổi Hiến pháp lần này đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận rất kỹ, để phục vụ cho việc tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Đảng. Từ ngày 6/5 đã tổ chức công bố lấy ý kiến Nhân dân về toàn văn dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và các tài liệu kèm theo trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương, Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 6/5 đến 5/6/2025.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, động viên sự tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, đảng viên, chuyên gia, nhà khoa học và toàn hệ thống chính trị, tạo thành những đợt sinh hoạt chính trị, phong trào thi đua yêu nước, có trách nhiệm với đất nước, dân tộc trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013; cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 thông qua ứng dụng điện tử VneID…
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long yêu cầu Bộ Tư pháp xây dựng văn bản hướng dẫn việc tổng hợp kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, gửi các bộ, ngành, địa phương. UBND tỉnh, thành phố công bố tài liệu lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố; ban hành văn bản chỉ đạo, phổ biến, quán triệt việc tổ chức lấy ý kiến tại địa phương; phổ biến, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý và Nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo bằng nhiều hình thức.
Theo PGS.TS Tô Văn Hòa (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội), trên cơ sở Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ rõ "nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với phạm vi là các vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị", có thể thấy hướng nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp năm 2013 cần tập trung vào quy định về chính quyền địa phương nhằm hiến định việc không tổ chức chính quyền trung gian (cấp huyện) và các quy định cơ bản nhất về hệ thống chính trị. Việc tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương theo hướng không tổ chức cấp huyện là bước đi quan trọng, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương hoạt động chủ động và hiệu quả, phục vụ tốt nhất lợi ích của Nhân dân…
Việt Nam tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy với sự đồng lòng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân với niềm tin vào những mục tiêu, định hướng phát triển đúng đắn. Tuy nhiên, các đối tượng thù địch thường xuyên, liên tục, tìm mọi cách chống phá, xuyên tạc đường lối, chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước ta, nhằm gây mất đoàn kết trong Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Chúng đưa ra những luận điệu xuyên tạc, chống phá, kích động. Một số diễn đàn xã hội và trang thông tin phản động ở nước ngoài đăng nhiều tin, bài với luận điệu suy diễn, xuyên tạc cuộc cách mạng tinh gọn, cho rằng việc triển khai là “nóng vội”, là “cuộc chiến chính trị”, sửa Hiến pháp với nhiều luận điểm xuyên tạc vô căn cứ, kích động, gây chia rẽ. Các thế lực thù địch tiếp tục tung ra chiều bài đòi “xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp để mọi người dân có quyền tham gia tự do ứng cử và bầu cử”… Chúng cố tình lờ đi những bước đi, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta khi nêu vấn đề cần sửa Hiến pháp để thực hiện cách mạng tinh gọn bộ máy… hòng gây hoang mang dư luận, chia rẽ khối đại đoàn kết, mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào chủ trương của Đảng.
Đảng ta sửa đổi Hiến pháp là bước đi đúng đắn, thể hiện tư duy đổi mới, thực tiễn, và cầu thị, để thích ứng tình hình mới, nâng cao hiệu lực quản lý, chống chồng chéo, giảm thiểu bộ máy cồng kềnh. Tuy nhiên, các thế lực chống phá đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tung tin sai lệch, thổi phồng luận điệu xuyên tạc để tạo ra tâm lý hoài nghi, mất phương hướng trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân ta. Do đó, việc nâng cao cảnh giác, củng cố niềm tin, tuyên truyền đúng đắn về chủ trương lớn là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và của mỗi cán bộ, đảng viên.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/kien-quyet-ngan-chan-xuyen-tac-chu-truong-lon-a420839.html