Kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ do chủ đầu tư
Hàng loạt dự án bị đội vốn, chậm tiến độ là vấn đề 'nóng' được các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ ba diễn ra ngày 9/12. Nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện sau phiên chất vấn.
Từ năm 2016 đến nay, sau bốn Hội nghị “Hà Nội-Hợp tác đầu tư và phát triển”, thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 206 dự án với tổng số vốn hơn 548.800 tỷ đồng. Mặc dù nhiều dự án đã được trao quyết định chủ trương đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhưng triển khai còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Đến nay, trong số 206 dự án được trao quyết định chủ trương đầu tư, mới có 51 dự án hoàn thành. Tỷ lệ biên bản ghi nhớ ký kết trong các hội nghị được hiện thực hóa thành dự án đầu tư còn ít, hiện nay mới có 50 biên bản được thực hiện.
Nhiều dự án cấp bách vẫn là bãi đất trống
Những số liệu, hình ảnh được Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội công bố tại phiên họp khiến không ít cử tri xót xa khi nhiều dự án quan trọng nhưng đang chậm tiến độ, thậm chí sau nhiều năm vẫn là bãi đất trống.
Dự án Nhà máy điện rác Seraphin tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây do Công ty cổ phần Công nghệ môi trường xanh Seraphin làm chủ đầu tư. Dự án này có công suất xử lý rác từ 700 lên 1.500 tấn/ngày, sử dụng công nghệ đốt phát điện, diện tích sử dụng đất 2,5 ha, tổng mức đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng. Sau một năm rưỡi được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận triển khai, dự án vẫn đang là bãi đất trống.
Tương tự, Dự án đầu tư nhà máy xử lý rác Châu Can, huyện Phú Xuyên do Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Thăng Long làm chủ đầu tư, công suất xử lý 500 tấn rác/ngày, công nghệ đốt tiêu hủy, diện tích xây dựng 4,8 ha, sau sáu năm triển khai đến giờ vẫn chỉ là cánh đồng mênh mông… Khả quan hơn hai dự án nêu trên, dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 4.000 tấn/ngày, tổng mức đầu tư 8 nghìn tỷ đồng do Công ty cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành vào đầu năm 2021, nhưng đến nay mới lắp đặt được 85% thiết bị. Trong khi các khu xử lý chất thải của Thủ đô đang bị quá tải, các dự án điện rác vẫn đang nằm im khiến cử tri bức xúc.
Một số dự án quan trọng khác của thành phố cũng đang trong tình trạng “vườn không nhà trống”. Điển hình là dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội quy mô 500 giường bệnh được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định đầu tư năm 2015. Sau hai lần đổi chủ đầu tư, đến nay dự án có tổng mức đầu tư hơn 784 tỷ đồng, dù đã hoàn thành giải phóng mặt bằng diện tích gần 72.000 m2 trên địa bàn phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, nhưng chưa hề triển khai thi công. Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, nằm trong danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020, nhưng sau 11 năm triển khai vẫn dở dang, để cây dại mọc.
Kiên quyết thu hồi dự án nếu chủ đầu tư không đủ năng lực
Bức xúc trước hàng loạt dự án bị chậm tiến độ hoặc dừng triển khai khiến hàng trăm héc-ta đất bị bỏ hoang, tại phiên chất vấn, các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã yêu cầu lãnh đạo từ thành phố tới quận, huyện, thị xã làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo.
Đại biểu Vũ Mạnh Hải (tổ Thường Tín) cho rằng, trong các dự án chậm triển khai, có khá nhiều dự án đầu tư công, thuộc danh mục công trình trọng điểm của thành phố. Những dự án này được ưu tiên bố trí vốn, nhưng triển khai thực tế không đạt yêu cầu.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Trong quá trình tổ chức thực hiện, việc tổ chức khảo sát, tư vấn thiết kế chưa sát thực tế, cho nên phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư, dẫn đến kéo dài dự án. Những dự án sử dụng vốn ODA (các dự án tuyến đường sắt đô thị) có vốn lớn, thời gian thực hiện kéo dài, chưa có tiền lệ, cho nên phải điều chỉnh nhiều hạng mục. Còn với những dự án PPP thì triển khai khá phức tạp.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường lý giải, nguyên nhân tình trạng các dự án chậm triển khai còn do ý thức chấp hành Luật Đất đai của các chủ đầu tư hạn chế; nhiều chủ đầu tư không phối hợp địa phương, cố tình chây ỳ thực hiện nghĩa vụ tài chính; sắp hết hạn dự án thì đề nghị điều chỉnh gia hạn...
Ngay tại phiên chất vấn, nhiều dự án chậm triển khai đã “chốt” được thời gian, tiến độ triển khai. Đối với dự án dẫn nước từ sông Đà vào hệ thống sông Tích sau 11 năm chậm tiến độ, trước mắt thành phố sẽ triển khai giai đoạn 1 và sẽ hoàn thành trong năm 2022. Đối với công trình trọng điểm dự án Bệnh viện Nhi Hà Nội, chủ đầu tư cam kết sẽ triển khai ngay trong quý I năm 2022.
Liên quan hàng loạt nhà máy rác thải bị chậm tiến độ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, thành phố đã giao Sở Xây dựng chủ trì, rà soát lại quy hoạch các khu chứa rác thải trên địa bàn và quý I năm 2022 có thể phê duyệt điều chỉnh. Đối với dự án nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thôn Lễ Thượng, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, thành phố yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra năng lực nhà đầu tư, nếu Công ty Môi trường Thăng Long không bảo đảm yêu cầu thì thu hồi lại dự án. Ông Đông cũng khẳng định quan điểm “những dự án mà nguyên nhân chậm trễ do chủ đầu tư, thành phố sẽ kiên quyết thu hồi”.
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, thời gian tới, Ủy ban nhân dân thành phố cần tập trung rà soát kết quả thực hiện các dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư tại các hội nghị “Hà Nội-Hợp tác đầu tư và phát triển” từ năm 2016 đến nay, kể cả cam kết của nhà đầu tư; tháo gỡ điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, sớm triển khai các dự án, bảo đảm đúng quy định và hiệu quả. Với những dự án không còn khả năng thực hiện và dự án đã được gia hạn mà chậm hoàn thành thì thành phố cần kiên quyết thu hồi, có phương án sớm đưa đất vào sử dụng và phát huy hiệu quả đầu tư.