Kiên quyết xử lý trách nhiệm khi để xảy ra phá rừng

Thời gian qua, Lâm Đồng là điểm nóng nạn phá rừng, chiếm đất. Nhiều diện tích bị phá chiếm là phần đất và rừng đã được giao cho các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư. Để chấn chỉnh, tỉnh đang chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng.

Từ năm 2018 đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng phát hiện và lập hồ sơ xử lý hơn 1.000 vụ phá rừng, với tổng diện tích rừng bị thiệt hại hơn 223ha. Riêng nửa đầu năm 2022, có 80 vụ, diện tích rừng bị thiệt hại tăng gần 30% so cùng kỳ 2021.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Lâm Đồng, phần lớn rừng bị mất trên diện tích đã giao cho các doanh nghiệp nhưng không triển khai thực hiện dự án, hoặc có triển khai nhưng chậm, không bố trí lực lượng quản lý bảo vệ. Tỉnh đã kiên quyết thu hồi 208 dự án của các doanh nghiệp với tổng diện tích hơn 30.000ha. Đồng thời, nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới vào quản lý, nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng của các doanh nghiệp trên địa bàn.

"Diện tích rừng có dự án lên tới mấy trăm ha, mắt thường không thể đo đếm được nên phải kiểm kê, kiểm kê thì mất tiền mà tiền nay ai chịu? Phải bằng kỹ thuật để xác định được năm nay bao nhiêu vụ vi phạm xảy ra, theo dõi như thế nào, mất bao nhiêu rừng thì mới buộc người ta bồi thường, buộc xử lý hành chính được. Chúng tôi đang làm việc với VNPT để xây dựng một phần mềm theo dõi diễn biến rừng của các doanh nghiệp này. Còn rừng ở các Ban quản lý rừng thì trách nhiệm của chủ rừng đã quá rõ rồi", ông Nguyễn Văn Sơn cho biết.

Một vụ phá rừng có quy mô lớn vừa xảy ra tại Đà Lạt – Lâm Đồng khiến hơn 400 cây thông bị cưa đổ và chết đứng

Một vụ phá rừng có quy mô lớn vừa xảy ra tại Đà Lạt – Lâm Đồng khiến hơn 400 cây thông bị cưa đổ và chết đứng

Lâm Đồng hiện có hơn 533.000ha rừng. Ngoài diện tích được giao cho các doanh nghiệp thuê để triển khai dự án đầu tư, rừng của Lâm Đồng còn được giao cho 27 đơn vị chủ rừng Nhà nước. Để xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái phép, 374 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xem xét xử lý trách nhiệm.

Ông Ngô Văn Ninh, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh đang áp dựng đồng bộ nhiều biện pháp mạnh, cứng rắn để quản lý bảo vệ rừng: “Tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp rất phức tạp. Mặc dù tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng vấn đề ngăn chặn, giảm mạnh thì chưa đạt so với yêu cầu. Thời gian tới, tỉnh siết chặt công tác quản lý bảo vệ rừng. Đợt này kiên quyết xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trên địa bàn toàn tỉnh. Song song đó là đẩy mạnh trồng 50 triệu cây lâm nghiệp, riêng năm nay trồng 6,6 triệu cây. Nhìn chung công tác quản lý bảo vệ của tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt”./.

Quang Sáng/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/kien-quyet-xu-ly-trach-nhiem-khi-de-xay-ra-pha-rung-post949206.vov