Kiến tạo chuỗi giá trị bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số

Những HTX do chính đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sáng lập và điều hành đã và đang chứng minh được sức mạnh nội tại, không chỉ tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo tồn những giá trị bản địa, xây dựng chuỗi giá trị nông sản bền vững tại huyện vùng cao Bảo Yên (Lào Cai).

Theo thống kê, huyện Bảo Yên hiện có khoảng 40 tổ, nhóm, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có không ít HTX được thành lập và dẫn dắt bởi chính những người con ưu tú của các dân tộc thiểu số. Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy sự chủ động, sáng tạo và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đồng bào DTTS.

Thu hút đồng bào dân tộc tham gia HTX

Một minh chứng điển hình cho sự thành công này là HTX Nông nghiệp và Dịch vụ xã Vĩnh Yên. Được thành lập vào năm 2020 với 11 thành viên, HTX đã nhanh chóng khẳng định được vị thế của mình trong lĩnh vực sản xuất tinh dầu quế và sả. Sản phẩm tinh dầu của HTX đã đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP, một chứng nhận uy tín về chất lượng và nguồn gốc, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường các tỉnh thành miền núi phía Bắc. Với doanh thu ổn định khoảng 500 triệu đồng mỗi năm, HTX không chỉ mang lại lợi nhuận cho các thành viên mà còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động là những người phụ nữ Tày, Mông tại địa phương, với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng.

Câu chuyện thành công của HTX Vĩnh Yên gắn liền với tầm nhìn và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chị Lò Thị Liên, người sáng lập và Giám đốc HTX. Chị Liên là người dân tộc Thái và đã nhận thấy tiềm năng to lớn từ cây quế, một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

Nhiều đồng bào DTTS ở Bảo Yên đã thành lập và lãnh đạo các HTX.

Nhiều đồng bào DTTS ở Bảo Yên đã thành lập và lãnh đạo các HTX.

"Thấy lợi thế từ cây quế, giá cả bán ra thị trường khá ổn định. Dựa trên thế mạnh đó, chúng tôi cũng thành lập HTX", chị Liên chia sẻ. Sự nhạy bén trong việc nắm bắt thị trường và quyết tâm xây dựng một tập thể vững mạnh đã giúp HTX Vĩnh Yên vượt qua những khó khăn ban đầu và đạt được những thành quả đáng tự hào.

Không chỉ có cây quế, nhiều nông sản khác của Bảo Yên cũng đang được khai thác và phát triển thông qua mô hình HTX. Anh Lý Văn Cầu, một người dân tộc Dao ở thôn Bỗng 2, xã Cam Cọn, đã trăn trở về bài toán đầu ra bấp bênh cho sản phẩm quế của gia đình và bà con trong vùng. Từ đó, HTX Nông nghiệp Cầu Mây ra đời với mục tiêu ban đầu là sơ chế sản phẩm quế cho các thành viên, sau đó mở rộng sang thu mua sản phẩm trong vùng và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu. HTX Cầu Mây không chỉ góp phần ổn định thị trường quế địa phương mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động và hàng trăm nhân công thời vụ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.

Đồng bào DTTT số ở Bảo Yên được hỗ trợ trồng và tiêu thụ chuối theo chuỗi giá trị.

Đồng bào DTTT số ở Bảo Yên được hỗ trợ trồng và tiêu thụ chuối theo chuỗi giá trị.

Chị Nguyễn Thị Thoa, một thành viên của HTX Cầu Mây, chia sẻ: "Ở nhà bây giờ ruộng đất không có nhiều, từ khi có HTX thì cuộc sống của chị em chúng tôi cũng ổn định hơn. Công việc cũng đều, tiền công thỏa đáng cho chị em". Câu chuyện của chị Thoa là minh chứng rõ ràng cho vai trò quan trọng của HTX trong việc giải quyết vấn đề việc làm, đặc biệt là đối với phụ nữ vùng DTTS và những người có ít đất sản xuất tại vùng nông thôn.

Tại xã Xuân Hòa, mô hình liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chuối theo tiêu chuẩn VietGAP tại bản Mo đang được nhiều hộ dân tham gia. Hiện nay, trên địa bàn xã Xuân Hòa có gần 60 ha chuối, trong đó có 29 ha chuối tiêu hồng được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Để hỗ trợ người dân là đồng bào DTTS phát triển kinh tế, HTX Nông nghiệp Thượng Nông đã đứng ra liên kết với các hộ theo hướng cung cấp ứng trước phân bón cho các thành viên; đồng thời tập huấn kỹ thuật trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh gây hại, thu hoạch, giám sát. HTX cũng cam kết thu mua sản phẩm cho bà con, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm để không phụ thuộc vào một đối tác.

Theo ngành nông nghiệp huyện Bảo Yên, các HTX đang hoạt động trên địa bàn huyện hằng năm tạo việc làm cho khoảng hơn 2.000 thành viên, công nhân, lao động thời vụ, với mức thu nhập dao động từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Đây là một đóng góp không nhỏ vào công tác giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS.

HTX phát triển chuỗi giá trị

Sự thành công của các HTX do đồng bào DTTS sáng lập ở Bảo Yên không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm và việc làm. Điều quan trọng hơn là họ đang từng bước xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản một cách bền vững.

Thay vì sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, việc tham gia HTX giúp các hộ nông dân vùng DTTS liên kết lại với nhau, chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Ví dụ, HTX Vĩnh Yên đã đầu tư vào hệ thống chưng cất tinh dầu hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều và đạt tiêu chuẩn OCOP. HTX Cầu Mây cũng chú trọng vào quy trình sơ chế quế, giúp tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm thô.

Một trong những khó khăn lớn nhất của người nông dân, đặc biệt là đồng bào DTTS ở vùng sâu vùng xa, là vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Thông qua HTX, họ có thể tiếp cận các kênh phân phối lớn hơn, ký kết các hợp đồng ổn định, giảm thiểu rủi ro bị ép giá. Chứng nhận OCOP mà HTX Vĩnh Yên đạt được là một ví dụ điển hình, giúp sản phẩm của họ có được sự tin tưởng của người tiêu dùng và dễ dàng tiếp cận các thị trường tiềm năng. HTX Cầu Mây với định hướng xuất khẩu cũng đang mở ra những cơ hội mới cho sản phẩm quế của địa phương.

Bên cạnh đó, nhiều HTX do đồng bào DTTS sáng lập không chỉ tập trung vào phát triển kinh tế mà còn chú trọng đến việc bảo tồn những giống cây trồng bản địa, những phương thức canh tác truyền thống, gắn liền với văn hóa của dân tộc mình. Việc phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương thông qua HTX không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần quảng bá văn hóa, du lịch của vùng đất Bảo Yên.

Không dừng lại ở đó, mô hình HTX dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi. Việc tham gia HTX giúp người dân vùng DTTS cảm thấy mình là một phần của tập thể, có tiếng nói và quyền quyết định trong các hoạt động kinh tế của cộng đồng. Sự thành công của các HTX do đồng bào DTTS lãnh đạo đã truyền cảm hứng và tạo động lực cho những người khác, góp phần nâng cao vị thế của họ trong xã hội.

Vượt thách thức

Theo các chuyên gia, nếu nhìn xa hơn từ các HTX ở những địa phương khác hoạt động hiệu quả trong việc phát triển chuỗi giá trị cho đồng bào DTTS sẽ giúp các mô hình HTX của đồng bào DTTS ở Bảo Yên có hướng đi hiệu quả và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.

Chẳng hạn như HTX rau an toàn Mường La (Sơn La) được thành lập bởi những người dân tộc Thái, HTX này đã xây dựng thành công chuỗi giá trị rau an toàn từ khâu sản xuất, sơ chế, đóng gói đến tiêu thụ. HTX đã ứng dụng các tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu và liên kết với các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên. Điểm đặc biệt của HTX này là việc bảo tồn và phát triển các giống rau bản địa, có giá trị dinh dưỡng cao và phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.

Hay HTX du lịch cộng đồng Nậm Dăm (Hà Giang) với sự tham gia chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao, HTX này đã khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng của địa phương, xây dựng các homestay truyền thống, tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn hóa, ẩm thực độc đáo. HTX đã tạo ra việc làm cho nhiều người dân địa phương, đồng thời góp phần bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Từ những HTX này cho thấy, chìa khóa thành công của các HTX nằm ở việc xác định được lợi thế cạnh tranh của địa phương (sản phẩm đặc trưng, tiềm năng du lịch), xây dựng quy trình sản xuất và quản lý chuyên nghiệp, chú trọng đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đồng thời xây dựng mối liên kết chặt chẽ với thị trường.

Đối với các HTX của đồng bào DTTS ở Bảo Yên dù đã đạt được những hiệu quả nhất định nhưng để phát triển chuỗi giá trị một cách bền vững, các chuyên gia cho rằng, cơ quan quản ý cần tiếp tục hỗ trợ các HTX này đầu tư vào công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản chủ lực như quế, sả và các nông sản tiềm năng khác của địa phương. Việc đạt được các chứng nhận tiêu chuẩn như VietGAP, OCOP sẽ là một lợi thế lớn giúp các HTX trong việc tiếp cận thị trường.

Các HTX của đồng bào DTTS ở Bảo Yên cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng thông qua chất lượng và câu chuyện sản phẩm gắn liền với văn hóa bản địa. Việc ứng dụng các kênh marketing hiện đại, tham gia các hội chợ, triển lãm cũng sẽ giúp quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, một số HTX ở Bảo Yên đã được tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Một số HTX cũng được hỗ trợ đào tạo về xây dựng và hoàn thiện chứng nhận OCOP. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ xã Vĩnh Yên đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao cho sản phẩm tinh dầu quế và sả không chỉ từ sự quan tâm đến chất lượng của các thành viên mà còn có sự hỗ trợ trong hoàn thiện chứng nhận và quảng bá sản phẩm của cơ quan quản lý.

Đặc biệt, tỉnh Lào Cai cũng có đề án hỗ trợ các HTX thí điểm theo mô hình kiểu mới, trong đó có các nội dung về đào tạo, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Năm 2023, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tiến Đạt (huyện Bảo Yên) nằm trong số 5 HTX được lựa chọn tham gia đề án này và nhận được các hỗ trợ để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh hỗ trợ của các cơ quan quản lý, với tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa độc đáo, Bảo Yên có thể phát triển mô hình du lịch nông nghiệp gắn với các HTX, giúp tăng thu nhập cho người dân và quảng bá hình ảnh của địa phương.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/kien-tao-chuoi-gia-tri-ben-vung-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-1106802.html