ĐBQH: 'Bắt nguyên Cục trưởng Cục ATTP là...bắt trễ!'
Sau hàng loạt vụ việc liên quan đến chất lượng hàng hóa, thực phẩm chức năng, dược phẩm gây bức xúc dư luận, nhiều Đại biểu Quốc hội chỉ ra bất cập trong công tác hậu kiểm và nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành.
Sáng 17/5, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường, cho ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nhiều đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề hậu kiểm chất lượng hàng hóa, ứng dụng công nghệ trong kiểm nghiệm, cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Đồng Tháp) nêu rõ, chính sách của Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà sản xuất và kinh doanh để đảm bảo chất lượng hàng hóa – một trong những điều người dân đặc biệt kỳ vọng.
“Nhà nước phải tạo cơ chế chính sách đặc thù, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số. Việc kiểm tra chất lượng hàng hóa theo phương pháp thủ công hiện nay đã lạc hậu. Doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ để công bố tiêu chuẩn quốc tế, khẳng định chất lượng sản phẩm. Nhà nước cần hỗ trợ và khuyến khích cụ thể”, ông Phạm Văn Hòa phát biểu.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, không phải tất cả hàng hóa đều cần kiểm nghiệm nghiêm ngặt theo cùng một cách. “Cần có sự phân loại cụ thể. Hàng hóa nhóm hai, nhóm ba đã có độ an toàn cao thì không cần kiểm nghiệm quá phức tạp. Nhưng những hàng hóa mà người tiêu dùng khó nhận biết chất lượng – như bánh trái, nước giải khát, hóa chất – thì phải có kiểm nghiệm, công bố minh bạch”, ông nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng trách nhiệm giải trình và công bố thông tin sản phẩm phải là nghĩa vụ bắt buộc với doanh nghiệp. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc hậu kiểm hàng hóa còn nhiều bất cập, ông nêu thực trạng: “Tiền kiểm không làm, hậu kiểm lại lơ là, thiếu tinh thần trách nhiệm. Nhiều sản phẩm khiến người tiêu dùng nhầm tưởng là có chất lượng, nhưng thực chất là hàng kém chất lượng”.
Một trong những vấn đề gây bức xúc lớn thời gian qua được đại biểu Phạm Văn Hòa thẳng thắn đề cập là vụ việc liên quan đến hai công ty MediPhar, MediUSA và việc bắt giữ ông Nguyễn Thanh Phong – nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
“Cả nước rất quan tâm và đồng tình, nhưng nhiều người nói thẳng: bắt quá trễ! Chính vì vậy, cần xử lý nghiêm minh các vi phạm trong công tác hậu kiểm, để lấy lại niềm tin đã bị bào mòn nơi người tiêu dùng”, ông Hòa nhấn mạnh.
Đại biểu cũng đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong kiểm soát chất lượng hàng hóa. Theo ông, không chỉ Bộ Khoa học và Công nghệ, mà Bộ Y tế, Bộ Công Thương đều phải chịu trách nhiệm cụ thể – không thể chỉ “quản lý trên giấy” mà bỏ ngỏ khâu hậu kiểm vốn đang rất lỏng lẻo.
Đại biểu cũng đề xuất cần khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường. “Sản phẩm nào được người tiêu dùng ưa chuộng thì càng phải kiểm tra kỹ. Kết quả phải công khai minh bạch. Doanh nghiệp cần cảnh báo rõ ràng nếu có yếu tố rủi ro cho sức khỏe, và phải ghi cụ thể trên nhãn mác – tránh để người dân mua dùng trong sự hiểu lầm tai hại”, đại biểu kiến nghị. Bên cạnh đó, đại biểu yêu cầu cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm bồi thường khi người dân bị thiệt hại do sử dụng sản phẩm không đảm bảo. “Cần minh bạch, công khai. Làm sai thì phải bồi thường. Người tiêu dùng bỏ tiền ra thì sản phẩm phải xứng đáng và an toàn cho sức khỏe”.
Ngoài ra, thông tin về nguy cơ mất an toàn sản phẩm cần được cập nhật kịp thời. “Ví dụ nhãn hàng hóa hết date thì phải ghi rõ là hết date. Không thể để người dân hiểu sai, nghĩ rằng sản phẩm hoàn toàn tốt dù đã quá hạn”, đại biểu phát biểu thẳng thắn.
Đặc biệt, ông nhấn mạnh trách nhiệm của người bán hàng và quảng cáo sản phẩm. “Người bán phải hiểu rõ quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, để khi người tiêu dùng thắc mắc thì có thể giải thích, cung cấp thông tin chính xác”.
Với những góp ý này, đại biểu Phạm Văn Hòa kỳ vọng dự thảo luật sau khi hoàn thiện sẽ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, mà còn thực sự bảo vệ người tiêu dùng trong thực tiễn.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dbqh-bat-nguyen-cuc-truong-cuc-attp-labat-tre-331256.htm