Kiến tạo môi trường học đường an toàn, lành mạnh
Môi trường học đường trên địa bàn tỉnh đang được các trường tích cực xây dựng trở thành một 'ngôi nhà chung' an toàn, với các quy định rõ ràng nhằm bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. Các quy định này đã nhận được sự đồng thuận cao từ cả giáo viên, phụ huynh và học sinh, góp phần tạo ra một môi trường học đường văn minh, an toàn, lành mạnh.
Những quy định hiệu quả
Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành ngày 15/9/2020, học sinh không được phép sử dụng điện thoại di động hoặc các thiết bị khác không phục vụ cho việc học trong giờ học. Thực hiện nghiêm túc quy định này, nhiều trường trên địa bàn tỉnh đã có những giải pháp hiệu quả.
Tại Trường Phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương, TP Việt Trì, nhà trường đã có quy định rõ ràng việc sử dụng điện thoại của học sinh và phối hợp với gia đình giám sát việc thực hiện. Việc cất điện thoại vào trong tủ chung của cả lớp vào đầu các giờ học đã là thói quen của học sinh trong trường. Trước giờ vào học, học sinh sẽ chủ động để điện thoại ở chế độ yên lặng, cất vào trong hộp để đồ chung, tránh ảnh hưởng đến chất lượng giờ học, sau khi kết thúc buổi học sẽ được nhận lại.
Còn tại Trường THPT Việt Trì, TP Việt Trì, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thống nhất với phụ huynh học sinh cấm tuyệt đối việc học sinh mang điện thoại đến trường, cho phụ huynh ký cam kết và chỉ một số em làm cán bộ lớp được phép mang để làm đầu mối liên hệ với giáo viên, phụ huynh.
Thầy Lê Nam Phong, Hiệu phó Trường THPT Việt Trì cho biết: “Nhà trường có một em học sinh lên lớp 12 vẫn không thể nhớ tên các bạn trong lớp vì trong giờ ra chơi, em chỉ ngồi bịt khẩu trang và bấm điện thoại. Từ sau khi nhà trường siết chặt quy định cấm sử dụng điện thoại, cô giáo chủ nhiệm cho các bạn trong lớp giao lưu, trò chuyện, em học sinh ấy mới có thể nhớ tên và hòa đồng cùng với các bạn trong lớp. Đây là một minh chứng cụ thể cho thấy được hiệu quả tích cực từ quy định này”.
Bên cạnh quy định về việc không cho học sinh sử dụng điện thoại khi đến trường, các cơ sở giáo dục cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề ATGT đối với lứa tuổi học sinh. Cụ thể, lực lượng CSGT tỉnh đã phối hợp với ngành Giáo dục, chính quyền địa phương và các trường triển khai kế hoạch “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông”, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT cho học sinh và phụ huynh.
Trường THCS Supe- huyện Lâm Thao là một trong những trường phối hợp với phụ huynh học sinh, thực hiện tốt việc không giao xe cho học sinh chưa đủ tuổi, thông qua mô hình “Cổng trường ATGT” và các giờ tuyên truyền, hoạt động ngoại khóa. Thầy Ngô Văn Luật, Hiệu trưởng Trường THCS Supe cho biết: “Ngay từ đầu năm học, nhà trường phối hợp với phụ huynh và học sinh ký cam kết không giao xe cho học sinh chưa đủ tuổi, đồng thời yêu cầu các hộ dân quanh trường không trông giữ xe trên 50 phân khối của học sinh. Để đảm bảo hiệu quả, nhà trường không chỉ tuyên truyền mà còn đưa việc thực hiện các quy định vào đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh. Việc thực hiện các quy định về ATGT còn được đưa vào xét học bạ cuối năm. Nhờ đó, trong nhiều năm qua, không có học sinh nào tại trường gặp tai nạn giao thông hoặc bị xử lý vi phạm”.
Em Trần Hoàng Hà Chi, học sinh Trường THCS Supe cho biết: “Đặt ra quy định không được phép đi xe trên 50 phân khối khi chưa đủ tuổi giúp em nhận thức được rằng, ngoài việc học tập, việc giữ gìn an toàn giao thông cũng rất quan trọng. Em sẽ không lái xe nếu chưa đủ tuổi, em cũng sẽ khuyên bạn bè làm theo quy định này để đảm bảo mọi người cùng an toàn”.
Siết chặt kỷ cương giáo dục
Năm 2024 (từ 15/12/2023 đến 14/12/2024), lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản xử lý 6.797 trường hợp vi phạm, phạt tiền 2.513.413.000 đồng. Trong 2 tháng cuối năm 2024, (từ 15/10 đến 14/12/2024) lực lượng CSGT toàn tỉnh phát hiện, lập biên bản xử lý 1.474 trường hợp, phạt tiền 641.415.000 đồng. Trong đó, cảnh cáo 413 trường hợp, tạm giữ 680 phương tiện, với các lỗi chủ yếu như: Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển 271 trường hợp, chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy 360 trường hợp, không mũ bảo hiểm 759 trường hợp...
Trong năm 2024, Ban ATGT tỉnh liên tục phối hợp các cơ quan thành viên và Ban ATGT các huyện, thành, thị thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT với các hoạt động trọng tâm. Sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, phụ huynh và các cơ quan thực thi pháp luật là điều kiện giúp giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông cho học sinh và cộng đồng.
Nhà giáo ưu tú Phùng Quốc Lập- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Sở GD&ĐT đã chỉ đạo, nâng cao Phong trào thi đua “Trường học an toàn - thân thiện - bình đẳng” tại 890 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh với 25 tiêu chí, 8 trong số đó liên quan đến phòng chống tệ nạn xã hội. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đa dạng các giải pháp, hình thức tuyên truyền, tổ chức các hoạt động giáo dục phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật... 100% cơ sở giáo dục ký cam kết không mắc tệ nạn xã hội, vi phạm luật ATGT”.
Trong năm học 2024-2025, giáo viên chủ nhiệm sẽ gửi tin nhắn hàng tuần, hàng tháng cho phụ huynh, thông báo về kết quả học tập, ý thức rèn luyện, việc nghiêm túc chấp hành quy định nhà trường, luật lệ ATGT... và sẽ gắn với việc đánh giá, rèn luyện thi đua vào cuối tháng, cuối học kỳ, cuối năm học của từng em. Nhờ đó, số học sinh và vụ việc vi phạm trong 10 tháng cùng kỳ năm 2024 đã giảm rõ rệt so với năm 2023”.
Để hoàn thiện một môi trường học đường an toàn và lành mạnh, ngoài việc cấm sử dụng điện thoại và điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi, các trường còn tăng cường giáo dục học sinh về các hành vi ứng xử văn hóa, tuân thủ pháp luật như: Phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử và các tệ nạn xã hội; tăng cường nhận thức pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; trang bị cho học sinh kỹ năng phòng cháy và sử dụng điện thoại an toàn; nâng cao ý thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước...
Cùng với các quy định trên, mỗi nhà trường còn có các giải pháp để tạo ra những sân chơi thú vị, bổ ích cho học sinh. Các hoạt động ngoại khóa, thể dục thể thao, các câu lạc bộ học thuật và văn hóa cần được đẩy mạnh để học sinh có thêm sân chơi bổ ích, phát triển toàn diện, rèn sự bền bỉ, tăng cường đoàn kết.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 của Bộ GD-ĐT, phương châm mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm - chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng”. Phương châm này đặt ra một yêu cầu rõ ràng: Các cơ quan chức năng, nhà trường và phụ huynh phải cùng phối hợp chặt chẽ để tạo dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh.
Như vậy, với những quy định và biện pháp đồng bộ, các trường học không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn xây dựng một cộng đồng học đường đoàn kết, văn minh. Đây chính là nền tảng vững chắc để hình thành thế hệ công dân tương lai có trách nhiệm, sống có ích cho xã hội và ý thức thượng tôn pháp luật. Khi học sinh hiểu, tự giác tuân thủ các quy định, môi trường học đường sẽ trở thành không gian an toàn, lành mạnh, nơi các em không chỉ tiếp thu tri thức mà còn phát triển toàn diện.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kien-tao-moi-truong-hoc-duong-an-toan-lanh-manh-226482.htm