Lan tỏa văn hóa an toàn thực phẩm từ bậc mầm non đến đại học

Kiến thức về an toàn thực phẩm đã được lồng ghép vào những câu chuyện thú vị, những bài hát, bài thơ, trò chơi tương tác và các hoạt động trải nghiệm thú vị.

Học sinh tại trường Mầm Non Liên Châu rửa tay trước khi ăn trưa.

Học sinh tại trường Mầm Non Liên Châu rửa tay trước khi ăn trưa.

Tại Trường Mầm non Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội, trước mỗi giờ ăn trưa, các em học sinh xếp hàng trước cửa nhà vệ sinh để rửa tay và chuẩn bị khăn lau bàn ăn.

Bữa trưa đã sẵn sàng trong mỗi lớp học lúc 11h30, nhưng các em không vội vàng dùng bữa ngay. Theo yêu cầu của giáo viên, Tú Anh, một thành viên trong lớp, nhắc lại năm bước cần làm trước mỗi bữa ăn.

“Bước 1: Chuẩn bị khăn lau sạch. Bước 2: Dọn dẹp tất cả những thứ không cần thiết. Bước 3: Rửa tay thật sạch. Bước 4: Lau bàn ăn. Bước 5: Rửa lại tay lần nữa."

Giáo dục an toàn thực phẩm từ bậc mầm non

Tại huyện Thanh Oai, hơn 20.000 trẻ từ 32 trường mầm non đã được làm quen với các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm qua dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) do Chính phủ Canada tài trợ.

Kiến thức về an toàn thực phẩm đã được lồng ghép vào những câu chuyện thú vị, những bài hát, bài thơ, trò chơi tương tác và các hoạt động trải nghiệm thú vị.

An toàn thực phẩm đã trở thành một phần trong thói quen hàng ngày của trẻ mầm non nhờ phương pháp "Học qua chơi," qua đó khuyến khích các em áp dụng những hành vi an toàn thực phẩm tích cực và đảm bảo vệ sinh tốt hơn tại trường học và tại nhà.

Em Đào Hải Trang chia sẻ: "Trước khi ăn, chúng em phải rửa tay, rửa mặt và lau bàn. Các cô cũng dạy chúng em rửa trái cây và tách biệt thực phẩm sống và chín trước khi cất vào tủ lạnh."

Các cô giáo tham gia khóa đào tạo về an toàn thực phẩm của SAFEGRO đã truyền đạt lại kiến thức này cho các học sinh, giúp thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành, đồng thời chia sẻ phương pháp với các đồng nghiệp khác.

Bà Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Mầm Non Cao Dương, cho biết: "Văn hóa an toàn thực phẩm phải được hình thành từ các em nhỏ đến người lớn. Các giáo viên phải làm gương giúp trẻ hình thành thói quen này mỗi ngày."

“Các giáo viên áp dụng kiến thức từ khóa đào tạo của SAFEGRO để giúp trẻ nhận diện thực phẩm an toàn và thực phẩm hư hỏng. Không chỉ dừng lại ở đó, các em học sinh còn mang kiến thức về nhà, dạy cả gia đình nữa!"

Ông Đoàn Việt Dũng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Oai, cho biết an toàn vệ sinh thực phẩm cần phải trở thành thói quen của tất cả học sinh, giáo viên và nhân viên.

"Các em luôn phải nghĩ đến vệ sinh cá nhân trước khi ăn hoặc uống để xây dựng thói quen suốt đời," ông cho biết.

Nhờ khóa đào tạo của SAFEGRO, nhận thức về an toàn thực phẩm đã vượt ra ngoài lớp học, đến cả giáo viên và phụ huynh, góp phần thúc đẩy văn hóa an toàn thực phẩm trong cộng đồng.

Chị Tạ Thị Ngọc có con ba tuổi theo học tại Trường Mầm Non Cao Viên ngạc nhiên khi con trai biết nhắc chị rửa tay trước khi ăn tối.

"Con tôi còn tự rửa táo và nhắc tôi không để trái cây hư trong tủ lạnh," chị cho biết.

"Sau khi học trên lớp, con còn nhắc tôi thay quần áo để tránh mang vi khuẩn vào nhà. Con cũng nhắc chúng tôi phải rửa trái cây và ngâm chúng trong nước muối trước khi ăn. Con chia sẻ rất nhiều kiến thức về an toàn thực phẩm học được ở lớp."

Văn hóa an toàn thực phẩm lan tỏa đến bậc đại học

Giáo dục an toàn thực phẩm không dừng lại ở bậc mầm non mà còn được đưa vào chương trình giảng dạy của các trường đại học dành cho sinh viên chuyên ngành khoa học thực phẩm, công nghệ và quản lý chất lượng - nhiều người trong số họ sẽ trở thành những lãnh đạo tương lai trong ngành thực phẩm.

 Nhân viên tại bếp ăn trường Mầm Non Liên Châu phân loại thực phẩm vào buổi sáng sau khi giao nhận.

Nhân viên tại bếp ăn trường Mầm Non Liên Châu phân loại thực phẩm vào buổi sáng sau khi giao nhận.

SAFEGRO đã hỗ trợ xây dựng các tài liệu giảng dạy thực tế, cập nhật và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế cho các khóa học đại học và các chương trình đào tạo ngắn hạn về an toàn thực phẩm cho doanh nghiệp, khu công nghiệp và các cơ quan làm về an toàn thực phẩm.

Theo Phó Giáo sư-Tiến Sỹ Trần Thị Định, Khoa Công nghệ Thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, một trong những giảng viên phát triển khóa học, đây là những tài liệu giảng dạy đầu tiên đạt chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm ở Việt Nam, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Sau khi hoàn thiện, SAFEGRO sẽ phân phối tài liệu giảng dạy này cho các trường đại học trên toàn quốc, giúp họ chia sẻ tài nguyên đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong khi vẫn phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Những tài liệu này sẽ được cung cấp miễn phí cho tất cả các trường đại học tại Việt Nam dưới dạng nội dung mã nguồn mở qua website của SAFEGRO bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Mục tiêu tiếp theo là chuyển các bài giảng này thành các định dạng e-learning không chỉ dành cho sinh viên Việt Nam mà còn cho học viên ở trong và ngoài khu vực Đông Nam Á, Phó Giáo sư Trần Thị Định cho biết.

Văn hóa an toàn thực phẩm bền vững

Nỗ lực của SAFEGRO trong việc xây dựng nhận thức về an toàn thực phẩm từ mầm non đến đại học đã được đánh giá cao bởi các chuyên gia.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Chất lượng và Nông sản Hữu cơ, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đánh giá cao những tác động bền vững của SAFEGRO.

"Tên dự án là An toàn thực phẩm vì sự phát triển phản ánh mục tiêu của nó là hướng về tương lai," ông cho biết.

"Việt Nam hiện có hơn 10 trường đại học đào tạo các chương trình về khoa học và công nghệ thực phẩm. Mỗi năm, hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp trong các ngành này. Tài liệu đào tạo của SAFEGRO sẽ cung cấp cho họ kiến thức và kinh nghiệm thực tế mà họ có thể áp dụng ngay lập tức tại các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu hoặc doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng những sinh viên tốt nghiệp này sẽ tiếp tục lan tỏa kiến thức của mình, đào tạo các thế hệ tiếp theo."

"Đó chính là giá trị và tiềm năng lâu dài của dự án này," ông nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lan-toa-van-hoa-an-toan-thuc-pham-tu-bac-mam-non-den-dai-hoc-post1024585.vnp