Sáp nhập tỉnh: Đất nước không còn thời gian để chần chừ

Đất nước ta không còn thời gian để chần chừ. Năm năm tới mang ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của dân tộc. Công nghệ số, chuyển đổi số đã đi trước cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và thể chế, đó là điều kiện không thể tuyệt hơn để sáp nhập tỉnh.

Việt Nam đã trải qua nhiều lần sắp xếp đơn vị hành chính, chia tách và sáp nhập tỉnh, thành nhằm đáp ứng quá trình phát triển và quản lý điều hành trong từng giai đoạn lịch sử.

Lần này, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các địa phương sẽ thực hiện cuộc sắp xếp đơn vị hành chính với quy mô toàn diện, sâu rộng ở cả cấp tỉnh, huyện, xã. Trong đó, sẽ sáp nhập một số tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã để xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh và cơ sở).

Nhìn lại quá khứ sẽ có nhiều bài học kinh nghiệm cần thiết cho quá trình sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian tới.

VietNamNet thực hiện loạt bài "Sáp nhập tỉnh, nhìn lại quá khứ, vươn tới tương lai” nhằm chia sẻ một số góc nhìn cũng như kinh nghiệm hay, cách làm quý của những người đã có trải nghiệm qua những lần thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trước đây.

Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực, một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành viễn thông và công nghệ thông tin tại Việt Nam, bắt đầu câu chuyện với VietNamNet về chủ trương sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã.

Điều kiện không thể tuyệt vời hơn

Trải qua nhiều cương vị công tác, từ những năm tháng kháng chiến gian khổ đến thời kỳ đổi mới và hiện tại, ông đã chứng kiến biết bao đổi thay của đất nước. Nay khi cả nước đang quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị hành chính, cảm xúc trong ông như thế nào?

Rất nhiều suy nghĩ. Những ngày vừa qua, rất nhiều bạn bè đã gọi cho tôi, chia sẻ tâm tư, trăn trở, lo lắng. Và thật may mắn, suy nghĩ giữa chúng tôi không có nhiều khác biệt.

Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực: Đã gọi là cách mạng thì phải chấp nhận hy sinh và thay đổi, không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực: Đã gọi là cách mạng thì phải chấp nhận hy sinh và thay đổi, không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Ảnh: Lê Anh Dũng

Cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp lần này dù có gian lao cách mấy, chúng ta cũng quyết tâm làm. Đảng, Nhà nước nhất định phải làm, vì sự phát triển, vì tương lai vững bền của dân tộc này.

Nhiều độc giả vẫn còn nhớ, năm 2016 trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo chúng tôi, ông đã gợi mở, đề xuất công cuộc đổi mới lần thứ hai về cải cách bộ máy hành chính. Và nay đã là năm 2025. Ông có suy nghĩ gì lúc này?

Thực lòng trong tôi có tiếc nuối. Để đến giờ mới quyết tâm làm, theo tôi, có phần chậm quá. Chúng ta đã lỡ mất một thời gian nhưng càng vì thế, bây giờ càng phải làm khẩn trương, cấp tập. Nếu không, sẽ tuột mất cơ hội.

Tôi hoàn toàn thấu hiểu cách làm “vừa chạy vừa xếp hàng” của chúng ta hiện nay. Vì sao ư? Vì thời cơ không chờ đợi chúng ta. Vì mọi vấn đề phải làm xong trước Đại hội Đảng để sau Đại hội, chúng ta triển khai ngay bộ máy mới, cách làm mới...

Đất nước ta không còn thời gian để chần chừ. Năm năm tới là thời gian mang ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của dân tộc.

Công nghệ số và chuyển đổi số đã đi trước cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và thể chế khoảng 7-8 năm. Đây là điều kiện không thể tuyệt vời hơn cho cuộc cách mạng về bộ máy lần này.

Sáp nhập tỉnh để tạo ra các tỉnh lớn với điều kiện thuận lợi hơn, tạo ra không gian phát triển kinh tế. Trong ảnh là một góc tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Huế

Sáp nhập tỉnh để tạo ra các tỉnh lớn với điều kiện thuận lợi hơn, tạo ra không gian phát triển kinh tế. Trong ảnh là một góc tỉnh Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Huế

Sáp nhập tỉnh để tạo ra các tỉnh lớn với điều kiện thuận lợi từ thông tin liên lạc, công nghệ số, không gian mạng và đặc biệt là không gian phát triển kinh tế. Ai trong chúng ta cũng có thể xác thực điều đó, từ những điều “mắt thấy tai nghe”. Bà bán rau 50, 60 tuổi ở chợ đã nhận thanh toán bằng mã QR, trụ ATM giờ cũng vắng khách vì người ta ít có nhu cầu sử dụng tiền mặt...

Ngoảnh đầu nhìn lại ký ức cách đây 10-15 năm và ngẫm về hiện tại để thấy được dòng chảy gấp gáp của thời gian, chiêm nghiệm được những cơ hội đã kiến tạo nên đổi thay lớn như thế nào. Đó là bước đi không thể lay chuyển của lịch sử. Cơ hội chỉ thực sự đến với những ai biết nắm bắt và đủ tiềm lực để thực hiện.

Giữ mãi tư duy cũ sẽ không thể tiến về phía trước

Là người từng tham gia công tác quản lý và chứng kiến nhiều cuộc cải cách, theo ông, đâu là điều cốt lõi cần nhìn nhận khi đối diện với những thay đổi lớn lao như thế này?

Đã gọi là cách mạng thì phải chấp nhận hy sinh và thay đổi, không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Cuộc cải cách lần này không chỉ đơn thuần là thay đổi một vài bộ phận, mà ảnh hưởng đến cả trăm triệu con người.

Như tôi, quê quán ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Nếu sáp nhập, có thể cái tên ấy sẽ không còn nữa. Ngành Bưu chính Viễn thông từng đổi tên, giờ sáp nhập với Bộ Khoa học và Công nghệ, tôi cũng có tâm tư. Nhưng nếu cứ mãi giữ tư duy cũ, chúng ta không thể tiến về phía trước. Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực

So với hàng trăm nghìn người có thể nghỉ việc, phải thay đổi chức vụ, nơi làm việc, thì việc thay đổi một cái tên tỉnh, tên bộ có đáng là bao? Nếu so với sự hy sinh của cha ông ta trong chiến tranh, hay những đổi thay lớn lao trong thời kỳ đổi mới thì những thay đổi của chúng ta hôm nay có đáng để so đo?

Tôi nhớ ngày xưa, ông Ba Thân (Đặng Văn Thân - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện - người đã làm cuộc cách mạng chuyển từ Analog sang Digital để tạo sự phát triển đột phá cho ngành Bưu điện) cũng sống một cuộc sống hết sức giản dị. Ông ngủ trên bàn làm việc tại trụ sở 18 Nguyễn Du, trước khi có một căn hộ tập thể ở Nguyễn Công Trứ. Thế hệ trước đã chấp nhận gian khó để gây dựng nền móng cho hôm nay. Nếu họ không ngại hy sinh, tại sao thế hệ chúng ta lại tính toán thiệt hơn?

Từ tổng cục trưởng xuống cục phó, từ một vị trí cao xuống thấp hơn, thậm chí phải rời bỏ công việc. Đó không phải là điều quá lớn lao của mỗi người vì lợi ích chung sao?

Tất nhiên, nếu có chuyện bè cánh, đưa người kém năng lực vào vị trí lãnh đạo, làm mất đi sự công bằng thì đó là điều không thể chấp nhận. Nhưng nếu mọi thứ được thực hiện một cách công khai, minh bạch, thì sự hy sinh hôm nay sẽ là nền tảng cho thế hệ mai sau được hưởng thành quả. Đừng để đất nước chỉ phát triển cầm chừng, để rồi thế hệ sau phải gánh chịu khó khăn.

Chúng ta phải thay đổi tư duy trong tuyển dụng và sử dụng con người, mạnh dạn như các doanh nghiệp tư nhân: Dùng người có thực tài, trao cơ hội cho người xứng đáng, thay vì giữ mãi tư duy cũ.

Cơ hội không được phép bỏ lỡ

Câu chuyện sáp nhập và chia tách tỉnh đã diễn ra nhiều lần qua nhiều giai đoạn lịch sử. Nhìn lại những lần thay đổi ấy, trong bối cảnh đất nước từng thời kỳ, ông đánh giá thế nào về những quyết định đó? Liệu những bài học từ quá khứ có thể giúp ích gì cho cuộc sắp xếp đơn vị hành chính đang diễn ra hôm nay?

Bưu chính luôn là ngành phản ánh rõ nhất sự vận động của đất nước. Ở đâu có trung tâm hành chính, ở đó có trụ sở ngành bưu chính - không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác. Đặc thù của ngành là phục vụ, là kết nối, là huyết mạch thông tin của quốc gia.

Trong chiến tranh, thông tin liên lạc là mạch sống. Tôi từng đạp xe từ Hà Nội lên Yên Bái, Lạng Sơn, cứ mải miết không biết bao giờ mới đến nơi vì đường bị đánh phá, cầu cống hư hại. Nhưng dù bom rơi đạn nổ, chúng tôi vẫn tìm mọi cách để duy trì liên lạc.

Tôi từng đạp xe từ Hà Nội lên Yên Bái, Lạng Sơn, cứ mải miết không biết bao giờ mới đến nơi vì đường bị đánh phá, cầu cống hư hại. Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực

Sau ngày 30/4/1975, chỉ chưa đầy 8 tháng, chúng ta đã sắp xếp lại đơn vị hành chính. Cấp khu bị bãi bỏ, nhiều tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ được sáp nhập. Đến năm 1976, cả nước chỉ còn 38 tỉnh, thành. Khi đó, viễn thông lạc hậu, điện thoại chưa phổ biến, thư từ, công văn đều đi qua đường bưu điện. Bưu tá đi bộ, đạp xe, có những xã miền núi phải mất 4 ngày mới giao được một công văn, bức thư. Giao thư từ, công văn… ở Hà Giang, Lai Châu vất vả lắm.

Thập niên 1990, khi tách tỉnh, về mặt cán bộ, rất nhiều người vui mừng vì được… lên chức. Về cơ sở vật chất thì cũng có điều kiện để đầu tư khang trang, hiện đại hơn.

Khi công nghệ số đã phát triển vượt bậc, chúng ta cần những không gian rộng lớn hơn cho phát triển kinh tế

Khi công nghệ số đã phát triển vượt bậc, chúng ta cần những không gian rộng lớn hơn cho phát triển kinh tế

Ví dụ, Hà Nam, Ninh Bình khi tách từ tỉnh Hà Nam Ninh đã được ngành bưu điện đầu tư xây dựng trụ sở, tạo nền tảng cho hệ thống viễn thông hiện đại.

Bưu điện thời ở Hà Nam Ninh, mạng viễn thông đặt trạm trung tâm tại Nam Định, còn Hà Nam và Ninh Bình chỉ là trạm vệ tinh. Khi tách tỉnh, chúng tôi phải lo từ đầu, đầu tư trụ sở mới để đảm bảo hoạt động thông suốt.

Ở giai đoạn đó, việc tách tỉnh là cần thiết. Hạ tầng giao thông yếu kém, thông tin liên lạc chưa phổ cập, đội ngũ cán bộ phần lớn từ chiến trường ra, dù rất nhiệt huyết nhưng phần nhiều chưa được đào tạo bài bản về quản trị. Việc phân nhỏ đơn vị hành chính giúp chính quyền dễ điều hành hơn trong bối cảnh đất nước vừa thống nhất.

Đến nay, khi công nghệ số đã phát triển vượt bậc, bối cảnh ấy đã hoàn toàn thay đổi. Chúng ta cần những không gian rộng lớn hơn cho phát triển kinh tế. Và với những điều kiện hiện nay, chúng ta làm được và cần làm ngay.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đã đi trước một bước, tạo điều kiện thuận lợi để tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại địa giới hành chính. Việc sáp nhập tỉnh lần này không giống như trước. Đây là thời cơ, và tôi xin nhấn mạnh: Đây là cơ hội mà chúng ta không được phép bỏ lỡ.

Một bài toán khó khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính là vấn đề con người, nhất là làm sao để chọn những người ở lại đủ sức, đủ tầm gánh vác, điều hành một tỉnh lớn hơn, một xã to hơn, thưa ông?

Người đứng đầu phải là người có năng lực, hành động, dám dấn thân, có khát vọng, tài năng và nhân cách. Họ dám đương đầu với thách thức, thấu hiểu những khó khăn, đồng thời phải luôn hành xử công bằng, minh bạch và đặt lợi ích chung lên trên hết.

Tôi từng nhấn mạnh trong cuộc tọa đàm của VietNamNet rằng, một quốc gia may mắn, hạnh phúc và phát triển khi có lãnh đạo mạnh mẽ, trong sạch và có tầm nhìn chiến lược. Thiếu một trong những yếu tố này, sự phát triển sẽ trì trệ, thậm chí gặp phải tai họa.

Trở lại câu chuyện, sở dĩ tinh gọn bộ máy đi trước là để đánh giá quy mô và độ phức tạp, từ đó đưa ra những điều chỉnh chính sách phù hợp. Hệ thống pháp luật và chính sách mới sẽ tạo điều kiện cho cấu trúc mới hoạt động, giúp địa phương chủ động sáng tạo và tạo ra không gian phát triển.

Việc tổ chức và tinh gọn bộ máy giống như việc tạo ra một chiếc xe tốt. Bước tiếp theo sẽ là xây dựng đường sá chất lượng, quy định luật giao thông rõ ràng và lựa chọn người lái xe giỏi.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, yếu tố quan trọng nhất, quyết định thành bại chính là người đứng đầu. Đó là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, là bộ trưởng, người đứng đầu cấp tỉnh, xã, người đứng đầu mỗi cơ quan, tổ chức.

Thành Huế

Lê Anh Dũng

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/sap-nhap-tinh-dat-nuoc-khong-con-thoi-gian-de-chan-chu-2387327.html