Kiến tạo tương lai, thu hút đầu tư, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn
Ngày 20-21/10, Khu công nghiệp DEEP C phối hợp cùng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức hội thảo đầu tư 'Kiến tạo tương lai' nhân dịp kỷ niệm 25 thành lập DEEP C.
Hội thảo "Kiến tạo tương lai - Building the future" do DEEP C phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức, có sự tham dự của hơn 400 khách mời từ các cơ quan chính quyền, các hiệp hội thương mại, hiệp hội doanh nghiệp như Eurocham, Beluxcham..., cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng nhấn mạnh chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các dự án có công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Ông Lê Trung Kiên khẳng định, Hải Phòng đang chú trọng tới phát triển hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics; trong đó, hạ tầng cảng biển được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế. Các bến cảng nước sâu hiện đại đi vào vận hành khai thác sẽ góp phần hoàn thiện mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa của khu vực miền Bắc.
Tại sự kiện, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sản xuất màng bọc trong tấm pin quang điện có tổng vốn đầu tư 98 triệu USD do Công ty TNHH First Global Business làm chủ đầu tư.
Về phía nhà đầu tư nước ngoài, ông Paul Tonkes, Phó Giám đốc Bất động sản công nghiệp của Công ty TNHH Kajima Development - chủ đầu tư Core5 Việt Nam, nền tảng phát triển và vận hành bất động sản công nghiệp, cho biết: “Câu chuyện thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn còn rất mạnh mẽ. Kể từ khi bùng phát Covid-19, thị trường bất động sản công nghiệp của Việt Nam chủ yếu dựa vào các nhà sản xuất hiện có tại Việt Nam vì các công ty không thể tự do đi lại để đánh giá địa điểm đầu tư. Giờ đây, khi hầu hết các nước đã mở cửa biên giới và gỡ bỏ các biện pháp hạn chế, những nhu cầu bị dồn nén này đang được giải phóng.”
Ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành của Khu công nghiệp DEEP C cũng chia sẻ: “Hiện DEEP C có khoảng 1840 ha đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê, nhưng nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư đã nhanh chóng tăng lên tới 2000 ha. Do vậy, chúng tôi phải mở rộng nhanh chóng để có thể đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.”
Như vậy, nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm và lựa chọn các đối tác có cùng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và an toàn lao động. Điều này giúp tạo lợi thế cạnh tranh cho các khu công nghiệp đang định hướng trở thành khu công nghiệp sinh thái như DEEP C trong hoạt động thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
DEEP C đang từng bước thực hiện các tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG), lấy đây làm tiêu chí cốt lõi cho chiến lược phát triển bền vững. Đồng thời, DEEP C đã và đang áp dụng các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. DEEP C là một trong 5 KCN đầu tiên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) chọn thí điểm chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.
Với mô hình kết hợp khu công nghiệp chất lượng cao với hạ tầng cảng nội khu và các tiện ích xanh và bền vững, DEEP C được coi là một dự án đầu tư thành công điển hình của châu Âu và Việt Nam.
Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C bao gồm 5 khu công nghiệp với diện tích 3400 ha tại Hải Phòng và Quảng Ninh, hai trung tâm công nghiệp và cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc.
DEEP C có lợi thế về vị trí địa lý chiến lược, nằm gần cảng nước sâu Lạch Huyện, cảng hàng không quốc tế Cát Bi, và kết nối trực tiếp với hệ thống đường cao tốc đã làm nên xương sống cho hạ tầng miền Bắc.
Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, DEEP C đã thu hút được gần 140 dự án với tổng vốn đầu tư 5 tỷ USD.