Kiện toàn Ban Chỉ đạo TƯ triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước
Theo quyết định vừa ban hành hôm nay, Ban chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Thủ tướng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo làm Phó trưởng ban kiêm Thường trực Ban chỉ đạo.
Thủ tướng vừa ký ban hành quyết định số 808/QĐ-TTg về việc kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký (23/4).
Ban chỉ đạo do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Phó trưởng ban.
Bộ trưởng Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung làm Phó Trưởng ban kiêm Thường trực Ban chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp 3 của Ban chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Ảnh: Đoàn Bắc
Ủy viên Ban chỉ đạo gồm: các bộ trưởng Quốc phòng, Công an, Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; 1 Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và 1 Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo.
Ban chỉ đạo có chức năng giúp Thủ tướng chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành liên quan đến triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; tham mưu, đề xuất các phương án, giải pháp, cách làm cụ thể, hiệu quả để đến hết ngày 31/10 cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chỉ đạo trình Trưởng ban chỉ đạo ký ban hành; sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Ban chỉ đạo giao, bảo đảm không tăng biên chế của Bộ được cơ quan có thẩm quyền giao.
Các cơ quan có thành viên tham gia Ban chỉ đạo sử dụng bộ máy hiện có của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc cho Ban chỉ đạo, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.
Ban chỉ đạo tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.