Kiên trì bám trụ làm giàu ở biên giới

Đưa dân ra lập nghiệp trên vùng biên giới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Ở vùng biên giới Nam Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông) sau khi ổn định quy hoạch, với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản, người dân kiên trì thử nghiệm trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, dần ổn định cuộc sống, hình thành nên những khu dân cư trù phú, tạo lập phòng tuyến biên phòng toàn dân vững chắc nơi địa đầu tổ quốc…

Bài 1: Sống lại vùng “sa mạc chết”

“Ở Tây Nguyên nơi nào không có nương rẫy của người dân tộc thiểu số thì chắc chắn nơi đó điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng cực kỳ khắc nghiệt. Ngày xưa, cả vùng đất mênh mông dọc biên giới của tỉnh Đắk Lắk tuyệt nhiên không có bất kỳ nương rẫy nào của bà con. Hai xã biên giới Ia Rvê và Ia Lốp (huyện Ea Súp) mới thành lập, ví như cuộc “cách mạng” làm hồi sinh vùng sa mạc chết”- Lời giới thiệu của anh bạn đồng nghiệp ở Tây Nguyên đã thôi thúc tôi tìm về "vùng đất khát" Ia Lốp.

Ông Trần Văn Mật. Ảnh: Hải Luận

Ông Trần Văn Mật. Ảnh: Hải Luận

Vợ con bỏ về quê, chồng quyết xây dựng cơ đồ

Cái nắng nóng “chạm ngưỡng” 400C cuối mùa khô Tây Nguyên khiến cả vùng rộng lớn của xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk càng trở nên khô khốc. Từ Đồn Biên phòng Ea Hleo, xe chúng tôi chạy khoảng 20km thì bất chợt gặp vườn xoài xanh tốt, cây trĩu quả. Thấy lạ, ghé vào hỏi chuyện thì được ông chủ Trần Văn Mật mở đầu câu chuyện khá gay cấn: “Thời gian trước, cứ 40 hộ gia đình từ tỉnh Bến Tre lên đây định cư theo diện kinh tế mới thì có 30 hộ chịu không thấu phải hồi hương. Chính quyền lại đưa những hộ dân lên để “điền vào chỗ trống”. Cứ như thế, hết lần này đến lượt khác, mãi mới hình thành được xã biên giới Ia Lốp. Giờ đây đã có công trình thủy lợi dẫn nước từ hồ chứa Ia Mơr (Gia Lai) về phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là việc khởi công xây dựng các dự án điện năng lượng mặt trời khiến cho giá đất ở đây tăng lên vùn vụt”.

Đưa chúng tôi đi tham quan vườn xoài trên 800 gốc, chuẩn bị thu hoạch vụ đầu tiên. “Mấy hôm nay, thương lái lượn tới lượn lui đòi mua đứt vườn xoài trái còn non này với giá 18.000 đồng/kg mà tui chưa đồng ý. Tui ước tính tổng sản lượng khoảng 5 tấn, doanh thu ít nhất phải được hơn 100 triệu đồng. Cũng có người thấy mê quá muốn mua đứt cả vườn cây này với giá 700 triệu đồng, nhưng tui đâu có dại bán đi. Từ năm sau, mỗi gốc xoài thế này sẽ cho thu nhập 1 triệu đồng, thu về bạc tỉ ngon ơ. Nói cho anh hay cuối năm nay, hệ thống thủy lợi cấp 1 hoàn thành, nước chảy về ầm ầm, lúc đó xoài, lúa, bắp sẽ phủ xanh toàn bộ vùng “sa mạc” này” - Ông Mật phân khích nói.

Cán bộ Đồn Biên phòng Ea Hleo thường xuyên động viên, giúp đỡ ông Trần Văn Mật. Ảnh: Hải Luận

Cán bộ Đồn Biên phòng Ea Hleo thường xuyên động viên, giúp đỡ ông Trần Văn Mật. Ảnh: Hải Luận

Ông Mật quê ở huyện Thành Phú, tỉnh Bến Tre, lên định cư ở đây từ năm 2003. Lúc mới lên ông ở chung với người bà con thuộc hộ đi trước, làm thuê kiếm cơm qua ngày. Ông Tâm tâm sự: “Vùng đất này, mùa khô nóng như thiêu như đốt, không có nước tưới, nước uống phải đi lấy rất xa. Chẳng có ai sản xuất được cái gì nên làm thuê cũng thất nghiệp. Để bám trụ, tui phải qua tỉnh Gia Lai hái cà phê, đào đất thuê để kiếm sống. Năm 2009, tui tách hộ và được chính quyền cấp cho một ít đất để làm nhà và sản xuất nông nghiệp. Trồng thứ gì cũng không khá lên được, nên vợ chồng tui quay trở về quê. Được thời gian ngắn, tui quay lên cắn răng bán căn nhà nhỏ với giá 14 triệu đồng. Số tiền ít ỏi này tui chắt chiu khoan giếng, mua cây giống, phân thuốc để làm 2ha xoài. Vợ con chịu không nỗi lại bỏ về quê, còn mình tui bám trụ ở lại. Hôm rồi, hai đứa con lên đây thấy vườn xoài ra trái đã quá, tụi nó chụp ảnh gửi cho má nó xem, nhưng vẫn chưa thuyết phục được bả. Mặc kệ, tui bán được xoài sẽ mua thêm đất mở rộng diện tích, coi như của để giành cho mấy đứa con sau này”.

“Cha đẻ” vùng xoài Ia Lốp

Từ giới thiệu của ông Mật, chúng tôi quyết tìm gặp cho bằng được ông Nguyễn Tấn Đạt, người được xem như “cha đẻ” của vùng xoài biên giới Ia Lốp. Ngày ông Tư Chiến được chính quyền tỉnh Bến Tre đưa lên định cư ở xã Ia Lốp theo diện kinh tế mới có mang theo có 2 cây xoài giống Cát Hòa Lộc. Mục đích chính của ông trồng trước sân nhà để có chút gọi là “đặc sản” miền Tây cho đỡ nhớ quê hương. Một ngày nọ, ông Đạt từ tỉnh Đồng Nai lên thăm nhà người yêu (con gái ông Tư Chiến), ăn thử xoài, vị ngọt kỳ lạ của trái xoài đã “hạ gục” tay làm vườn điêu luyện như Đạt (Đạt ở tỉnh Vĩnh Long lên Đồng Nai khởi nghiệp trồng xoài).

Qua khảo sát thực địa và tìm hiểu nhiều nguồn thông tin, ông Đạt quyết định mua đất trồng xoài ở Ia Lốp, sau khi đã chính thức về làm rể nhà ông Tư Chiến. “Mới đầu, có nhiều người nói tui bị khùng nặng. Đất đã khô cằn lại ở tít tận vùng biên giới xa xôi như thế này thì bán cho ai? Tui giải thích cho người nhà hiểu, mình trồng nhiều là nhắm bán cho thương lái chở đi tiêu thụ khắp nơi chứ không phải gói gọn trong một địa bàn nhỏ. Ông già vợ nghe có lý, cùng tui bắt tay trồng 2 giống xoài chủ lực là Cát Hòa Lộc và xoài Úc. Sau vụ thu hoạch đầu tiên kiếm được chút đỉnh, đến năm 2019, gia đình tui thu được trên 100 triệu đồng. Năm ngoái, con số này tăng lên gấp 3 lần. Còn năm nay, mặc dù chưa thu hoạch xong nhưng gia đình tui đã bán được hơn 400 triệu đồng tiền xoài”- Ông Đạt xởi lởi.

Hiện tại, ông Đạt đã trồng được 3.000 gốc xoài, diện tích khoảng 5ha. Sang năm 2022, toàn bộ diện tích của “vua xoài” Ia Lốp sẽ bước vào thời kỳ kinh doanh. Tính bình quân mỗi cây cho thu về 1 triệu đồng thì ông Đạt nắm chắc tiền tỉ trong tay. “Đất ở vùng biên giới Ia Lốp rất giàu chất Kali và nhiều vi lượng khác. Cùng với đó, nắng nhiều đã tạo nên màu trái xoài vàng ươm, rất bắt. Vị ngọt của nó còn hơn cả xoài cùng loại trồng ở miền Tây và miền Đông Nam bộ, người dân khắp nơi, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh mê xoài ở đây dữ lắm. Do mới trồng nên thương hiệu vẫn chưa được nhiều người biết đến. Hy vọng vài năm nữa, xoài Ea Súp nói chung, ở Ia Lốp nói riêng sẽ “ăn đứt” các vùng khác. Nhờ những yếu tố tự nhiên, cùng với chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với các địa phương khác, đây cũng là lợi thế cạnh tranh của cây xoài Ia Lốp trên thị trường” - Ông Đạt khẳng định.

Theo ông Hoàng Ngọc Ân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp, toàn xã đã trồng được 500ha cây ăn quả, chủ yếu là xoài, nhãn và mít. Với những lợi thế của vùng đất và khả năng canh tác chuyên nghiệp của bà con, có thể nói diện tích trồng cây ăn trái của Ia Lốp đang tăng từng ngày.

Bài 2: Khát vọng xây dựng biên cương giàu mạnh

Hải Luận - Thái Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kien-tri-bam-tru-lam-giau-o-bien-gioi-post442473.html