Kiên trì khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu

Trong ngày thảo luận trực tiếp đầu tiên về kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch Covid-19, các đại biểu Quốc hội một lần nữa nêu rõ, đại dịch đã gây ra những ảnh hưởng, thử thách chưa từng có, làm đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, sức khỏe và tính mạng của Nhân dân. Do vậy, trong các giải pháp đề ra cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, một trong những vấn đề đặt ra, đó là Chính phủ cần kiên trì chính sách khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu.

Dịch bệnh tạo ra những thử thách chưa từng có

Đến từ một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) bày tỏ: “Cơn bão” Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã tạo ra những sóng gió, thử thách chưa từng có trên đất nước ta, gây ra những hệ lụy, làm đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch bệnh xâm nhập sâu và diễn biến phức tạp tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn, nhất là TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác như Đồng Nai, Bình Dương, Long An…

Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba (Bình Định) phát biểu tại hội trường

Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba (Bình Định) phát biểu tại hội trường

Ảnh: Quang Khánh

Nhìn vào "bức tranh" kinh tế của các tỉnh, thành phố nêu trên, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng nhận định, các tỉnh, thành phố vừa trải qua "cơn bạo bệnh", căng mình trong "cơn sốt cao" kéo dài nhiều tháng. Hiện mọi nguồn lực của các địa phương này cũng dồn sức tiếp tục kiểm soát dịch bệnh vẫn đang diễn biến khó lường. Để phục hồi kinh tế trong “một cơ thể đã lao lực”, đại biểu cho rằng, cần được "bồi bổ", "dưỡng thương", cần được hỗ trợ ưu tiên nguồn lực để vực dậy và dần phục hồi. Cụ thể, Quốc hội, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Liên quan đến chính sách thu ngân sách, trong Báo cáo của Chính phủ có đề ra giải pháp hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong các chính sách thuế. Điều đó đồng nghĩa với việc trong 3 năm tới đây sẽ hạn chế tối đa việc miễn, giảm thuế. Theo ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), cần hết sức cân nhắc giải pháp trên với hai lý do. Một, việc bảo đảm tính trung lập của thuế là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì điều đó là khó khả thi, kể cả khi chúng ta khống chế được dịch bệnh thì những hệ quả cũng còn kéo dài trong những năm tiếp theo. Hai, căn cứ vào tình hình thực tế 3 năm qua (2019 - 2021), trong chính sách tài khóa, việc miễn, giảm thuế đã được áp dụng liên tục như một giải pháp hữu hiệu và trong năm 2022 rất nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục áp dụng.

Nếu như tới đây Quốc hội ban hành gói kích thích phục hồi kinh tế thì dự kiến cũng có thể sẽ có những chính sách miễn, giảm thuế. Chính vì vậy, "tại thời điểm hiện nay nên theo đuổi một chính sách khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh. Điều đó sẽ là cần thiết và hợp lý hơn một chính sách tận thu", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị.

Để kinh tế trong nước không bị lỡ nhịp với đà phục hồi của nền kinh tế thế giới, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bố lại chuỗi cung ứng. Muốn vậy, các doanh nghiệp và nền kinh tế phải được tăng cường thêm các nguồn lực đầu tư theo 2 hướng chính. Đó là cần có chính sách cấp bù lãi suất để các doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát. Vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó để bù đắp được các chi phí lãi suất vay cao như thị trường; trong khi các tổ chức tín dụng đang phải duy trì mức lãi suất để bảo đảm kinh doanh. Đồng thời, phải tăng cường trích lập các quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn gia tăng.

Nếu ngân sách dành ra khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng để cấp bù thì sẽ có được khoảng 1 triệu tỷ tiền vốn lãi suất thấp để giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Kèm theo đó, phải có cơ chế kiểm soát để tất cả doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh đều được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ. "Không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh trở thành tiền gửi để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất và không để tiền vốn giá rẻ sẽ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản như bất động sản hoặc chứng khoán", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ.

Cùng với đó, bên cạnh giải pháp kích cầu truyền thống là đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cần có các giải pháp mới mang tính khác biệt, đó là đặt hàng để các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển các sản phẩm ưu tiên tạo nên những đột phá trong phát triển. Cụ thể, có ba lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng, đó là đường sắt, kinh tế biển; và hạ tầng công nghệ số để đi trước trong chuyển đổi số và chủ động kiểm soát, bảo đảm an toàn cho tài sản số quốc gia.

Để hỗ trợ lãi suất và đặt hàng cho các dự án đầu tư mang tính đột phá, thì câu hỏi đặt ra là nguồn lực ở đâu? "Nước ta đang có dư địa rất lớn để tăng nguồn lực đầu tư khi mà những năm qua nỗ lực để đưa tỷ lệ nợ công xuống thấp, còn 43,7% so với mức trần là 60%". Khẳng định điều này, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, "nên điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách tăng thêm từ 2 - 3% so với kế hoạch đặt ra trong vòng 2 - 3 năm thì sẽ có nguồn lực để thực hiện các kế hoạch phục hồi và đầu tư bứt phá".

Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, "việc tăng nợ công để trợ cấp toàn dân như một số nước trên thế giới vẫn làm là điều không phù hợp đối với điều kiện kinh tế - xã hội nước ta. Song, việc vay nợ công không phải để cho tiêu dùng mà để tăng đầu tư, tạo ra những đột phá trong phát triển là điều mà nhiều nhà tư bản lớn vẫn thường lựa chọn. Phát hành trái phiếu Chính phủ để vay nợ công là giải pháp nên được lựa chọn không chỉ nhằm khai thác các nguồn lực đầu tư trong nước mà còn có tác dụng thu hút các dòng tiền nhàn rỗi, góp phần kiểm soát lạm phát".

Với những giải pháp đặt hàng, đại biểu Hoàng Văn Cường kỳ vọng, "không chỉ giúp nền kinh tế nước ta vượt qua khó khăn, theo kịp đà phát triển, phục hồi kinh tế thế giới mà còn tạo ra các tập đoàn kinh tế mạnh để làm trụ cột, đưa nước ta trở thành quốc gia hùng cường, đáp ứng mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra".

Cải cách thủ tục hành chính - một động lực của tăng trưởng

Để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, bên cạnh các chính sách tài khóa, tiền tệ về an sinh xã hội thì phải áp dụng giải pháp phi tài chính hay nói cách khác có các cơ chế về các thủ tục đặc thù như, rút gọn các thủ tục quản trị rủi ro, từ tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh tra, kiểm tra thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại hội trường

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại hội trường

Ảnh: Quang Khánh

Với quan điểm như vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để phát huy được sức mạnh của toàn dân đến nền kinh tế nước ta, để không lỡ nhịp với các nước. Bởi, chính niềm tin vào những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam, chứ không phải là "gói hỗ trợ về tiền bạc".

Nhìn nhận cải cách thủ tục hành chính như một giải pháp quan trọng, động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) đề nghị, Chính phủ cần bổ sung và nhấn mạnh giải pháp này. Và một trong những lý do cần bổ sung và nhấn mạnh bởi, cải cách thủ tục hành chính tuy là một nội dung của cải cách hành chính, nhưng là nội dung phản ánh rõ nhất mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Đây cũng là nội dung có nhiều bức xúc nhất của người dân, doanh nghiệp cũng như có nhiều yêu cầu đổi mới trong quá trình hội nhập kinh tế và tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Hơn nữa, trong điều kiện nguồn lực đất nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ chưa thể cùng một lúc thực hiện được nhiều nội dung cải cách, như cải cách tài chính công, cải cách tiền lương, cải cách tổ chức bộ máy, thì việc lựa chọn cải cách thủ tục hành chính sẽ mang lại hiệu quả thiết thực nhất, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nêu rõ.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được ĐBQH Đồng Ngọc Ba (Bình Định) chỉ ra, đó là chất lượng thực thi chính sách, pháp luật vẫn là điểm nghẽn, chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật vẫn là vấn đề nghiêm trọng, tạo gánh nặng không nhỏ cho doanh nghiệp. Do vậy, thời gian tới, cùng với việc thực hiện tổng thể các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị, Chính phủ cần quan tâm yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhận thức đúng, đầy đủ trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác, cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Và, “xác định việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật là yêu cầu quan trọng nhất ngay từ khâu soạn thảo và nhất là trong tổ chức thi hành pháp luật”.

Khá nhiều giải pháp thiết thực đã được các đại biểu Quốc hội đề xuất trên nền tảng điều kiện cụ thể của Việt Nam. Và một trong những giải pháp được đại biểu chia sẻ, đó là nên kiên trì khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu. Đây có thể coi là một trong những giải pháp cần thiết, hợp lý hơn cả để người dân, doanh nghiệp có thời gian vực dậy khi những ảnh hưởng nặng nề mà đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội cũng như sức khỏe và tính mạng của người dân.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kien-tri-khoan-thu-suc-dan-nuoi-duong-nguon-thu-qyxsrsrfio-65909