Kiên trì mua gom cổ phiếu Vinamilk, F&N tìm kiếm điều gì?

Như một thói quen, mỗi lần công bố kết quả giao dịch mua cổ phiếu VNM, F&N lại ngay lập tức 'kèm' thông báo sẽ tiếp tục mua gom cổ phiếu này. Lý do được hé lộ một phần trong báo cáo thường niên năm 2017 mà tập đoàn này mới công bố.

Kiên trì gom thêm gần 3% cổ phần VNM trong năm 2017

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa công bố thông tin trên Sở Giao dịch chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HSX) về kết quả giao dịch của Công ty F&N Dairy Investments Pte.Ltd (F&N Dairy), khép lại một năm miệt mài mua gom cổ phiếu VNM của tập đoàn này.

Cụ thể, số lượng cổ phiếu VNM mà F&N Dairy nắm giữ trước khi thực hiện giao dịch là 237,48 triệu cổ phiếu (chiếm 16,36% vốn điều lệ). Trong khoảng thời gian từ 08/12/2017 đến ngày 05/01/2018, F&N Dairy chỉ mua được 1,97 triệu cổ phiếu, đạt 9% so với lượng cổ phần đăng ký. Như vậy, sau khi thực hiện giao dịch đã đăng ký, F&N Dairy đang nắm giữ 239,46 triệu cổ phiếu VNM (chiếm 16,5% vốn điều lệ).

Đây là một trong nhiều lần không thực hiện mua hết số cổ phần đăng ký mà F&N Dairy đã thực hiện trong năm 2017. Để giải thích cho điều này, F&N Dairy đưa ra nguyên nhân là do “điều kiện thị trường không phù hợp”.

Các lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn F&N (Nguồn: BCTN 2017 - F&N)

F&N Dairy được sở hữu 100% bởi tập đoàn Fraser & Neave Limited (F&N) do ông Lee Meng Tat là Giám đốc (phụ trách lĩnh vực đồ uống không cồn của tập đoàn) và ông Michael Chye Hin Fah cũng giữ vai trò là Giám đốc của tập đoàn F&N.

Khởi đầu năm 2017, F&N đã nắm giữ tổng cộng 16,35% vốn tại VNM, thông qua hai công ty con của tập đoàn này là: F&N Dairy Investments Pte. Ltd: 13,65% và F&N BEV Manufacturing Pte.Ltd (F&N Bev): 2,7%. Sau một năm miệt mài đăng ký mua thêm, tổng số cổ phần F&N nắm giữ tại VNM đã được nâng lên mức 19,2%, qua đó giữ vững vị trí số 2 chỉ sau SCIC tại doanh nghiệp này.

Cùng ngày, VNM cũng thông báo về giao dịch F&N đăng ký mua thêm 14,5 triệu cổ phiếu VNM nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 17,5%, với mục đích đầu tư. Giao dịch dự kiến sẽ được thực hiện từ ngày 10/01/2018 đến ngày 08/02/2018.

Cần phải lưu ý rằng tập đoàn F&N là một trong những tập đoàn trong “hệ sinh thái” của tỷ phú Thái Lan ông Charoen Sirivadhanabhakdi bên cạnh Thai Beverage (tập đoàn vừa bỏ ra 5 tỷ USD để thâu tóm cổ phần tại CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco).

Báo cáo thường niên 2017 với tựa đề: “Advancing Strategically Growing Sustainably” (tạm dịch là: Nâng cao chiến lược phát triển bền vững) của tập đoàn này sẽ tiết lộ phần nào lý do liên tục mua gom cổ phần VNM suốt năm qua và có thể cả năm 2018.

Vai trò của Vinamilk đối với F&N

Không quá khi cho rằng chính khoản đầu tư vào Vinamilk đã giúp tập đoàn F&N tránh khỏi một năm kinh doanh ảm đạm. Trong năm tài chính 2017 (kết thúc vào 30/09/2017), doanh thu của F&N đã giảm xuống mức 1,6 tỷ USD so với mức 1,67 tỷ USD của năm 2016. Điều này xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng yếu và môi trường ngày càng cạnh tranh trong lĩnh vực F&B (thực phẩm và đồ uống) tại các thị trường cốt lõi của tập đoàn. Xét về cơ cấu doanh thu từ lĩnh vực kinh doanh, các sản phẩm từ sữa là nguồn thu chính cho tập đoàn này (chiếm 58%), tiếp sau đó là lĩnh vực đồ uống (chiếm 26%). Lợi nhuận trước chi phí lãi vay và thuế (PBIT) cũng ghi nhận sự áp đảo của lĩnh vực sữa khi ghi nhận tỷ lệ cơ cấu lên đến 120%, thể hiện tốc độ tăng trưởng vượt bậc của lĩnh vực này so với các lĩnh vực khác mà tập đoàn F&N đang kinh doanh.

Một số chỉ tiêu tài chính cơ bàn của tập đoàn F&N (Nguồn: BCTN 2017 - F&N)

Vai trò của Vinamilk thực sự nổi bật khi phân tích cơ cấu doanh thu và lợi nhuận theo vùng địa lý khi tập đoàn này phân chia thành các thị trường cốt lõi và các thị trường mới (trong đó có Việt Nam).

Cụ thể, trong các thị trường cốt lõi của tập đoàn F&N, thị trường sữa tại Malaysia ghi nhận biên sản lượng tiêu thụ giảm, kết hợp với đồng Ringgit tại quốc gia này suy yếu so với đồng SGD (đôla Singapore) khiến cho doanh thu tại đây giảm 7%. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với thị trường Singapore khi ghi nhận mức doanh thu giảm 6%. Chỉ có thị trường Thái Lan là ghi nhận kết quả khả quan khi doanh thu tại đây tăng 4%.

Ở các thị trường mới, Việt Nam dù không ghi nhận doanh thu cho tập đoàn này nhưng lại đóng góp tới 47% lợi nhuận trước lãi vay và thuế (PBIT) của F&N. Nhờ có nguồn thu nhập từ cổ tức và thu nhập từ các sản phẩm từ sữa cao hơn năm trước (phát sinh từ công ty liên kết là Vinamilk), F&N đã ghi nhận khoản Lợi nhuận trước chi phí lãi vay và thuế (PBIT) tăng trưởng 7%, lên tới 204 triệu USD.

Nguyên nhân là do trong năm tài chính 2017, tập đoàn F&N đã tiến hành đánh giá lại khoản đầu tư tại Vinamilk từ “Đầu tư tài chính” sang “Đầu tư vào công ty liên kết”, đem về khoản lợi nhuận khác gần 1,2 tỷ SGD. Hoạt động đánh giá lại phù hợp với chuẩn mực kế toán số 28 của Singapore do F&N sở hữu 18,74% cổ phần Vinamilk và góp mặt 2 thành viên trong HĐQT nên được coi là có tầm ảnh hưởng quan trọng (significant influence) tại đây.

Vị tỷ phú Thái Lan chia sẻ về vai trò của Vinamilk đối với tập đoàn F&N (Nguồn: BCTN 2017-F&N)

Nhưng việc ghi nhận lợi nhuận bất thường từ đánh giá lại các khoản đầu tư chỉ là một hoạt động kế toán điều chỉnh trong kỳ và đem lại lợi ích cho tập đoàn này trong ngắn hạn, chứ không phải là mục tiêu mà ông chủ thực sự người Thái hướng tới.

Có lẽ chính vì sự quan trọng của thị trường “mới” của F&N là Việt Nam, vị tỷ phú Thái Lan, ông Charoen (hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT) đã nhấn mạnh ngay trong phần mở đầu rằng: "Đầu tư chiến lược vào Vinamilk cho phép chúng tôi giảm sự phụ thuộc vào các thị trường trọng điểm là Singapore, Malaysia và Thái Lan và tham gia vào sự tăng trưởng năng động của nền kinh tế Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục có được mối quan hệ tuyệt vời với Ban lãnh đạo của Vinamilk vì lợi ích của tất cả cổ đông.”

Với tầm nhìn của người đã bỏ ra tới 5 tỷ USD để thâu tóm một trong những doanh nghiệp đứng đầu ngành bia tại Việt Nam là Sabeco, chúng ta rất có thể sẽ thấy tỷ phú Charoen hành động tương tự với Vinamilk khi có cơ hội.

Phạm Duy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/kien-tri-mua-gom-co-phieu-vinamilk-fn-tim-kiem-dieu-gi-post67634.html