Kiên trì tạo thuận lợi, thông quan hàng nhanh nhất tại biên giới phía Bắc

Câu chuyện ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu ở biên giới phía Bắc vẫn đang 'nóng' hơn bao giờ hết. Nguyên nhân chủ yếu được Tổng cục Hải quan chỉ ra là do chính sách kiểm soát và phòng, chống dịch của Trung Quốc. Để ứng phó, trên các địa bàn, lực lượng hải quan vẫn đang kiên trì triển khai các giải pháp thông quan nhanh chóng nhất có thể cho doanh nghiệp.

Nhiều cửa khẩu đang dừng hoạt động

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay, ở biên giới phía Bắc, lượng xe ùn tắc nhiều nhất nằm ở 2 tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh. Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Bắc Hải cho biết: Lạng Sơn có hơn 1.500 xe (nhiều nhất là hoa quả tươi); Quảng Ninh có hơn 1.300 xe (thủy hải sản đông lạnh và hoa quả tươi). Trong khi đó, Cao Bằng có 258 xe và Lào Cai có 100 xe.

Lượng phương tiện ùn tắc trên địa bàn Lạng Sơn đang ở mức đỏ (trên 5.000 xe).

Qua phản ánh của các cục hải quan địa phương có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc khó khăn trong thông quan hàng hóa ở khu vực biên giới phía Bắc là do chính sách kiểm soát và phòng, chống dịch của Trung Quốc. Khi phát hiện trên địa bàn có ca nhiễm (người Trung Quốc hoặc lái xe từ Việt Nam sang), phía Trung Quốc lập tức tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu để thực hiện các biên pháp phòng, chống dịch. Kể cả khi hoạt động trở lại, lượng xe được thông quan cũng rất ít.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Hữu Vượng, hiện trên địa bàn, hoạt động xuất nhập chủ yếu được thực hiện tại cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma và ga Đồng Đăng. Tuy nhiên, lượng hàng hóa thông quan khá ít so với trước đây, nhất là ở Tân Thanh và Chi Ma.

Tại Quảng Ninh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Ninh Trần Quang Trung cho biết, hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu chỉ diễn ra ở cửa khẩu Móng Cái. Các cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Hoành Mô tạm dừng từ 24/2.

Ở địa bàn Lào Cai, từ 17/2 đến nay, phía Hà Khẩu (Trung Quốc) tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu ở cặp cửa khẩu Kim Thành - Hà Khẩu trong khi đây là địa bàn xuất nhập khẩu quan trọng nhất trên địa bàn.

Hiện nay, khi làm thủ tục xuất khẩu 1 xe nông sản, đơn vị chỉ mất khoảng 15 đến 20 phút nhưng phía Trung Quốc phải mất khoảng 4 đến 5 giờ nên lượng xe được thông quan hàng ngày tại Chi cục chỉ nhỏ giọt vài chục xe dù Chi cục đã bố trí cán bộ làm thủ tục cho doanh nghiệp đến đêm.

Bà Đào Thu Lan - Chi cục trưởng
Chi cục Hải quan Tân Thanh
(Cục Hải quan Lạng Sơn)

Tại Cao Bằng, hiện 100% cửa khẩu cũng tạm dừng hoạt động. Từ ngày 1/2 khi TP. Bách Sắc (Trung Quốc) phát hiện có ca nhiễm Covid-19, chính quyền TP Bách Sắc đã tạm dừng hoạt động ở các cặp cửa khẩu Trà Lĩnh, Sóc Giang, Pò Peo. Đến ngày 25/2, phía Trung Quốc tiếp tục tạm dừng hoạt động ở cặp cửa khẩu lớn nhất trên địa bàn là Tà Lùng (Việt Nam) - Thủy Khẩu (Trung Quốc).

Chủ động đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch

Từ tình hình thực tế, cơ quan hải quan các cấp đã nghiên cứu và nhận thấy, mỗi địa phương phía Trung Quốc có quy trình tiêu chuẩn phòng, chống dịch khác nhau. Vì vậy, để đảm bảo việc xây dựng quy trình, tiêu chuẩn phòng, chống dịch hài hòa với từng địa phương phía Trung Quốc, Tổng cục Hải quan đã có công văn giao các cục hải quan ở biên giới phía Bắc phối hợp với cơ quan có liên quan tại địa bàn quản lý nghiên cứu, xây dựng “vùng an toàn dịch bệnh” (vùng xanh) ở khu vực cửa khẩu biên giới, với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan sẽ phối hợp với Bộ Công thương và các bộ có liên quan để thực hiện rà soát, chấn chỉnh hình thức trao đổi cư dân biên giới, đưa hình thức trao đổi cư dân biên giới về đúng bản chất để tăng tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch nhằm tận dụng các phương thức vận tải khác như đường biển, đường sắt.

Đối với phía Trung Quốc, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam đã có Công hàm gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Trong đó đề nghị hai phía tạo thuận lợi và xây dựng các biện pháp hợp tác cụ thể như: trao đổi thông tin về các quy định thủ tục hải quan của mỗi bên, tiếp cận sớm về những đổi mới trong chính sách, chủ trương về hải quan; trao đổi thông tin trước khi hàng đến, kéo dài thời gian thông quan tại các cửa khẩu quốc gia, song phương; cho phép hàng hóa xuất nhập khẩu và thông quan tại các cửa khẩu song phương phục vụ cho biên mậu Việt - Trung; thiết lập và duy trì các đường đây liên lạc giữa các đơn vị hải quan tại các cặp cửa khẩu.

Vừa qua, phía bạn cũng đã có công hàm trả lời, nhất trí với đề nghị của Hải quan Việt Nam và sẵn sàng tăng cường hợp tác xây dựng “Hải quan thông minh, biên giới thông minh, thông quan thông minh” (3 thông minh; đồng thời sớm hoàn thành đàm phán hiệp định hợp tác, hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan, kịp thời thông báo các thay đổi về chính sách quản lý, thủ tục hải quan, tăng cường trao đổi thông tin tình báo, trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn về công tác phòng chống buôn lậu, cùng nhau thúc đẩy xây dựng môi trường thương mại an toàn và tạo thuận lợi hóa thông quan của hai nước.

Ngoài ra, trước tình hình thông quan ở khu vực biên giới phía Bắc gặp nhiều khó khăn, từ cuối năm 2021, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có nhiều văn bản trao đổi với các bộ, ngành, địa phương liên quan để xử lý vấn đề ùn tắc hàng hóa ở cửa khẩu.

Chưa phát hiện tiêu cực trong việc xếp “lốt” thông quan hàng hóa
sang Trung Quốc

Thời gian qua, song song với việc tạo thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thông quan hàng hóa ở địa bàn biên giới phía Bắc, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo, triển khai các biện pháp rà soát, đánh giá việc thực hiện quy trình thủ tục tại các chi cục hải quan cửa khẩu, thực hiện các biện pháp kiểm soát nội ngành, bảo vệ chính trị nội bộ.

Cụ thể Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong khi thi hành công vụ của công chức hải quan; nâng cao công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đảm bảo công chức hải quan không thực hiện, tiếp tay, bảo kê cho hành vi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu, vi phạm pháp luật; tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng, quan tâm các giải pháp tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, đảm bảo công tác quản lý hải quan.

Trong công tác quản lý hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu thì việc thực hiện quản lý phương tiện vận tải hàng hóa xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có sự tham gia trực tiếp của nhiều lực lượng: ban quản lý cửa khẩu, biên phòng, hải quan…

Việc sắp xếp thứ tự các phương tiện vận tải chuyên chở hàng nông sản xuất khẩu trong khu vực cửa khẩu là do lực lượng Biên phòng và Ban quản lý của cửa khẩu thực hiện. Cơ quan hải quan chỉ thực hiện công tác đăng ký tờ khai, thực hiện giám sát hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp chỉ nộp duy nhất 01 khoản tiền lệ phí hải quan theo quy định của pháp luật do kho bạc nhà nước thu (20.0000 đồng/tờ khai).

Theo phân luồng làm thủ tục hải quan, trên cơ sở các biện pháp quản lý rủi ro trong nghiệp vụ của hải quan thì hầu hết các lô hàng nông sản xuất khẩu đều thuộc luồng xanh, không phải kiểm tra thực tế hàng hóa. Mặt khác, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công chức hải quan phải thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong khu vực cửa khẩu nên công chức hải quan không tiếp xúc, làm việc trực tiếp với lái xe mà thực hiện thủ tục hải quan với người khai hải quan.

Qua rà soát, đến thời điểm hiện tại, các chi cục hải quan tại các cửa khẩu đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, không có việc chỉ đạo, tiếp tay của lãnh đạo, công chức hải quan cho các hoạt động cho các hoạt động “luật ngầm”, chưa phát hiện có dấu hiệu bảo kê, tiêu cực trong việc xếp “lốt”, chi cho “nhà luật” để được xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kien-tri-tao-thuan-loi-thong-quan-hang-nhanh-nhat-tai-bien-gioi-phia-bac-101206.html