Kiên trì xây dựng 'phòng tuyến' của Đảng ở biên giới (bài 4)

Xã Ia Lốp và Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk được xem là một trong những vùng đất có nhiệt độ nóng nhất Tây Nguyên. Kết cấu địa chất cũng xếp vào hàng 'gân gà' nhất, bên dưới lớp đất pha cát là sự 'thống trị' của dải đá bàn cứng ngắc hoặc lớp đất sét dẻo quẹo. Trong sự khắc nghiệt của tự nhiên, có sự cần cù, chịu thương, chịu khó của con người đã tạo nên vị ngọt, hương thơm đặc biệt của các loài cây trái.

Bài 4: Hương vị đặc biệt ở vùng đất khắc nghiệt

“Vùng này có nhiều khoáng chất, vi lượng quan trọng, đặc biệt hàm lượng kali tương đối nhiều, nó rất tốt cho cây ăn trái, đây chính là cơ sở tạo nên thương hiệu xoài Ia Lốp, dân Sài Gòn thích ăn nhất. Chúng tôi có kinh nghiệm và kỹ thuật cao trong việc cho cây xoài ra trái vào đúng thời điểm thị trường khan hiếm, coi như “một mình một chợ”. Vụ vừa rồi, tôi và gia đình đứa em gái đạt tổng doanh thu gần 2,5 tỷ đồng. Nhiều người cho rằng trồng xoài ở xứ này bán không ai mua, đó là họ đang áp dụng vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Mấy hôm rồi, vợ tôi và đứa em đi mua gom xoài trong xã đưa vào Sài Gòn bán lẻ mà tìm không ra xoài để mua” - ông Nguyễn Hữu Khiêm, thôn Dự, xã Ia Lốp đưa ra những chi tiết khá hấp dẫn.

Trồng xoài ở xã Ia Rvê. Ảnh: Hải Luận

Trồng xoài ở xã Ia Rvê. Ảnh: Hải Luận

“Cha đẻ” xoài thương mại

Ông Nguyễn Hữu Khiêm được xem là “cha đẻ” trồng xoài thương mại ở vùng biên giới Ia Lốp. Ngày ông Tư Chiến (bố ông Khiêm) từ tỉnh Bến Tre lên định cư ở xã Ia Lốp theo diện kinh tế mới, mang theo 2 cây xoài giống Cát Hòa Lộc trồng trước sân nhà, có chút “đặc sản” miền Tây cho đỡ nhớ quê hương. Vị ngọt kỳ lạ của trái xoài đã chinh phục những tay làm vườn thứ thiệt ở vùng sông nước Bến Tre. “Có một gia đình bỏ về quê, để lại mấy cây xoài “cô đơn” không ai chăm sóc, nhưng vẫn đều đặn cho ra trái, vị ngọt hương thơm đặc biệt. Nhìn thấy hình ảnh này, tôi quay về Bến Tre bán ngôi nhà cũ được 45 triệu đồng, cầm tiền lên Ia Lốp mua đất trồng xoài với diện tích mấy héc ta” - ông Khiêm kể về giai đoạn đầu khởi nghiệp.

Thấy ông Khiêm “sống chết” với cây xoài, nhiều người cho rằng, “tay này bị khùng nặng”. Xứ nắng nóng, cây điều, cây tràm đã lần lượt “khai tử”, nơi biên giới xa xôi, tiền bán không bù qua tiền vận chuyển, lấy gì mà có lãi? Ông Khiêm nhớ lại hôm mang một xe cây xoài giống đi trồng: “Ai cũng nhìn mình với vẻ mặt khác lạ, quê quá trời luôn. Thôi mặc kệ, cố gắng chăm sóc cây xoài cho thật tốt. Vụ xoài đầu tiên, trái ra trĩu cả cành, thương lái nườm nượp ra vào hỏi mua, tiếp nước trà mỏi cả tay. Vụ đó tôi thu được trên 100 triệu đồng, năm sau doanh thu tăng vọt lên gấp 3 lần”.

Học tập ông Khiêm, ông Nguyễn Tấn Đạt mua 5ha đất, trồng 3.000 cây, bán xoài có lãi ngon. Nhiều người nhảy vô mua đất giá rẻ, trồng xoài chuyên canh, chăm sóc chuyên nghiệp. Tiếng gần đồn xa, lan rộng sang xã Ia Rvê cũng trồng và phát triển rất nhanh, với hàng trăm ha xoài.

Theo kinh nghiệm của ông Đạt, muốn bán giá xoài tốt, cần phải trồng trái vụ, nghĩa là tránh xa vụ xoài chính vụ ở các tỉnh Nam Trung Bộ, miền Đông Nam Bộ. Để làm được điều này, người trồng xoài phải có kinh nghiệm chăm sóc ở trình độ cao. “Tháng 9 bắt đầu cắt cành, bón chất dinh dưỡng để cây đạt đến độ sung sức nhất, 2 tháng sau cho ra hoa. Cần tập trung cao độ vào thời điểm cây ra hoa, vì lúc này trời hay mưa, kèm theo các loại nấm và ký sinh phát triển mạnh, rất dễ phá hỏng hết bông xoài. Đến khi nào trái to bằng đầu ngón tay, sử dụng bao bọc trái chống côn trùng, coi như thắng lợi 80%. Thời gian còn lại chỉ tưới nước theo định kỳ vừa đủ để cây nuôi trái, đảm bảo vị ngọt, hương thơm. Thời điểm thu hoạch đẹp nhất đúng tháng 3 năm sau” - ông Đạt chứng tỏ mình là bậc thầy trồng xoài.

Kinh nghiệm sử dụng dinh dưỡng vừa phải, kết hợp nắng nhiều sẽ tạo nên màu trái xoài vàng ươm, nhìn rất bắt mắt. Trái xoài Ia Lốp chắc khỏe, trọng lượng vượt trội so với cùng chủng loại. Sau mấy năm, với lợi thế tự nhiên, khẳng định thương hiệu chất lượng xoài Ia Lốp, Ia Rvê vượt trội hơn hẳn và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường.

Cacao Ia Lốp làm khuất phục khách hàng quốc tế

Nếu quan sát từ trên cao dọc quốc lộ 14C chạy song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia, sẽ dễ dàng nhìn thấy có một mảng màu xanh khá lớn của cây cacao kiên cường giữa vùng đất khô hạn Ia Lốp. Kỹ sư Hoàng Nhất Trí, quản lý nông trường 2, Công ty Cổ phần Cacao Intercontinental (viết tắt là CIC) dẫn chúng tôi tham quan hệ thống bơm, lọc nước, hệ thống pha trộn dưỡng chất, bơm tưới nhỏ giọt bằng công nghệ của Israel. Với một quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch như thế đã giúp cho 200ha cây ca cao của Công ty CIC vẫn giữ nguyên màu xanh ngắt giữa mùa khô Tây Nguyên đầy thách thức.

Cây cacao ở xã Ia Lốp. Ảnh: Hải Luận

Cây cacao ở xã Ia Lốp. Ảnh: Hải Luận

“Tỉnh Đắk Lắk xác định vùng đất biên giới xã Ia Lốp có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, việc phát triển được cây nông nghiệp dài ngày là vô cùng khó khăn, thậm chí không được. Nhưng công ty vẫn đầu tư “thử sức” mình, bắt đầu triển khai dự án trồng cây cacao từ năm 2015. Giai đoạn đầu, chúng tôi trồng 1 cây ca cao xen vào 2 cây chuối, với mục đích vừa tạo ra “cái dù” che nắng cho cây cacao, vừa tích lũy lượng mùn tơi xốp cho đất về lâu dài. Phía ngoài cùng và khoảng cách ở giữa diện tích cây cacao có trồng hàng ranh cây muồng chắn gió, nhờ đó, cây cacao mới phát triển tốt” - ông Trí tóm lược quy trình trồng, chăm sóc cây cacao.

Theo ông Trí, do trong đất có chứa nhiều chất vi lượng cần thiết cho cây ca cao, đồng thời vùng đất quá khắc nghiệt, cây cacao tự sản sinh ra nhiều chất để bảo vệ, chống đỡ lại điều kiện tự nhiên của chính nó. Đó là lý do tạo ra hương vị cacao ở xã Ia Lốp rất đặc biệt. “Đưa trái cacao ở xã Ia Lốp vào phòng thí nghiệm dùng máy phân tích, phát hiện có chứa nhiều hoạt chất, đặc biệt axit amin Tryptophan với hàm lượng rất cao, có tác dụng phòng chống ung thư. Một số công ty của Nhật Bản đã đến tận nơi kiểm tra quy trình canh tác, chất lượng sản phẩm, đặt mua với số lượng lớn xuất sang Nhật” - ông Trí thông tin.

Dự kiến, Công ty CIC sẽ mở rộng thêm 500ha cây cacao ngay tại vùng biên giới huyện Ea Súp. Ngoài lợi ích kinh tế trực tiếp, cây cacao còn tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Có thể nói, mô hình trồng cây cacao ở xã Ia Lốp giống như trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm mang tính thực tiễn trên quy mô lớn. Từ đây sẽ đề ra hướng sản xuất nông nghiệp đa dạng, ổn định hơn, góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm đặc sản, chinh phục thị trường trong và ngoài nước.

Bài 5: Hạt thóc giữ vững kinh tế

Hải Luận - Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kien-tri-xay-dung-phong-tuyen-cua-dang-o-bien-gioi-bai-4-post477436.html