Kiến trúc độc đáo của nhà thờ họ Dương trăm năm tuổi ở Cần Thơ
Với tuổi đời hơn trăm năm và lối thiết kế hòa quyện giữa văn hóa Đông – Tây, nhà cổ Bình Thủy không chỉ gìn giữ nhiều giá trị văn hóa – lịch sử mà còn thu hút đông đảo du khách trong lẫn ngoài nước.

Năm 2024, nơi này được bình chọn là "Điểm đến du lịch hấp dẫn TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long". Ảnh: Nguyên Phong
Tọa lạc tại số 142–144 Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, công trình này được xây dựng hơn trăm năm trước, đến nay vẫn vững chãi và giữ nguyên vẻ đẹp theo thời gian.
Đây từng là bối cảnh quay của nhiều bộ phim nổi tiếng trong và ngoài nước như Những nẻo đường phù sa, Chân trời nơi ấy, Người đẹp Tây Đô, Con nhà nghèo, Người tình (L’amant – bộ phim nổi tiếng của Pháp do đạo diễn J.J. Annaud thực hiện)... Năm 2024, nơi này được bình chọn là "Điểm đến du lịch hấp dẫn TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long".
Theo ông Dương Đăng Khoa, hậu duệ đời thứ bảy, hiện là quản gia của Nhà thờ, căn nhà được ông Dương Chấn Kỷ (1880–1950) xây dựng lần đầu vào cuối thế kỷ XIX và xây mới vào những năm đầu thế kỷ XX. Chủ nhân là một thương gia trí thức, giàu có, đồng thời là điền chủ có óc thẩm mỹ và yêu thích cái mới, cái lạ theo trào lưu Tây phương thịnh hành thời bấy giờ. Việc xây dựng kéo dài đến khoảng năm 1911 mới hoàn tất.

Bức ảnh ông Dương Chấn Kỷ – người xây dựng Nhà thờ họ Dương. Ảnh: Huỳnh Biển
Căn nhà mang kiến trúc giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây theo kiểu “nội ứng ngoại hợp”, bên trong thiết kế theo mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông, bên ngoài hài hòa với kiến trúc phương Tây và cảnh quan thiên nhiên.
Cùng với việc xây nhà mới, ông Kỷ còn cho xây thêm một ngôi nhà tường một trệt một lầu, cách đó khoảng 50 mét, để làm nơi nghỉ ngơi. Ngôi nhà cổ này từng được gọi là “Vườn lan Bình Thủy”, do ông Dương Văn Ngôn – hậu duệ đời thứ năm – có thú chơi hoa kiểng, đặc biệt là hoa lan.
Nhà thờ họ Dương tọa lạc trên một thửa đất rộng khoảng 6.000m², theo hướng Đông – Tây. Phía trước là đường giao thông và hệ thống sông rạch, vừa thuận lợi cho việc di chuyển, vừa đón được khí hậu trong lành. Xung quanh nhà là vườn cây ăn trái và hoa kiểng xanh tốt quanh năm, tạo không khí mát mẻ, vừa thể hiện sự trù phú, bình dị mà vẫn tao nhã.

Du khách tham quan bên ngoài ngôi nhà. Ảnh: Dương Nhựt Long
Bước qua hàng rào cổng kiên cố bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp, bên trong là một cổng phụ nằm thẳng hàng với cổng chính nhưng chếch về bên trái. Cổng phụ mang kiến trúc Á Đông với bốn cột tròn, hệ thống rui, xà ngang bằng gỗ, mái lợp ngói ống và gờ bó mái che men xanh lục. Mặt trước cổng có gắn bảng hiệu “Phước An Hiệu”.
Sân nhà thờ họ Dương khá rộng, lát gạch tàu, trồng nhiều loại hoa kiểng như cau, tùng, phát tài, sứ Thái Lan... Đặc biệt, ở góc sân bên trái có một cây xương rồng Mexico cao khoảng 10 mét, được trồng từ năm 1960. Giữa sân đặt một hòn non bộ cao 4 mét, vừa là điểm nhấn trang trí, vừa đóng vai trò như bức bình phong trước khu nhà chính.

Gian chính của nhà cổ Bình Thủy. Ảnh: Huỳnh Biển
Có bốn cầu thang dẫn lên nhà chính: hai cầu thang lên thẳng hai gian ngoài cùng và hai cầu thang hình cánh cung uốn lượn dẫn vào gian giữa. Cửa gỗ lá sách mang phong cách Art Nouveau – một trào lưu nghệ thuật trang trí châu Âu thịnh hành vào đầu thế kỷ XX – với vòm cửa hình vòng cung, cột gạch vuông được đắp nổi hoa văn dây lá nho và hình con sóc bằng xi măng.
Nền nhà cao hơn sân vườn khoảng một mét. Theo kinh nghiệm dân gian, chủ nhân đã cho đổ một lớp muối dày 10cm trước khi lát gạch bông để chống ẩm. Tường nhà xây bằng gạch kết dính bằng vôi ô dước. Mái nhà lợp ba lớp ngói, hai lớp dưới là ngói hình lòng máng, trong đó lớp đầu được nhúng vôi trắng tạo cảm giác sáng sủa, thoáng đãng khi nhìn lên trần; lớp trên cùng là ngói ống. Nhờ vậy, ngôi nhà luôn giữ được không khí mát dịu – đặc trưng thường thấy trong kiến trúc cổ truyền.
Ngôi nhà có nhiều cửa dẫn vào nội thất, với không gian rộng 352m² (ngang 22 mét, dài 16 mét), được chia thành ba phần: nhà trước – nhà giữa – nhà sau.
Nhà trước gồm năm gian, dùng làm nơi tiếp khách trong các nghi lễ quan trọng, được trang trí theo phong cách Tây Âu. Nền nhà lát gạch bông nhập từ Pháp, trần đóng plafond trang trí hoa văn, treo đèn kiểu Tây. Dẫu thời gian đã trôi qua hơn 100 năm, gạch bông lát nền và trần plafond vẫn còn rất sáng đẹp.
Nơi đây trưng bày bộ bàn ghế gỗ được chế tác theo kiểu Louis XV; đặc biệt có chậu rửa (lavabo) bằng men sứ trắng hoa xanh đặt trên bục gỗ và một máy hát đĩa của Pháp – món đồ cổ rất hiếm. Ở vị trí trang trọng nhất trong nhà trước có treo bức ảnh tráng men chân dung ông Dương Chấn Kỷ – người đã xây dựng ngôi nhà hoàn chỉnh như hiện nay.
Ngăn cách giữa nhà trước và nhà giữa là hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo tác tỉ mỉ bằng gỗ bởi các nghệ nhân Việt tài hoa. Hoa văn trang trí tuân theo các đồ án, quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ, gần gũi với đời sống người Việt Nam ở Nam Bộ như: mai, lan, cúc, trúc, sen, điểu, tùng, lộc, dơi, thỏ, công, tôm, cua, khổ qua, nho...
Các ô hộc được chạm khắc công phu, sắc sảo trong các khung hình chữ nhật, hình vuông, hình lục giác, tạo cảm giác thích thú, không đơn điệu hay nhàm chán. Tiếc rằng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, một tấm bao lam đã bị kẻ trộm lấy mất.

Những cổ vật trong ngôi nhà. Ảnh: Huỳnh Biển
Nhà giữa cũng gồm năm gian, trong đó ba gian giữa được bố trí làm nơi thờ tự. Các bàn hương án, khánh thờ, liễn đối đều làm bằng gỗ và khảm xà cừ, được bày trí theo phong cách thuần Việt. Hai gian biên được ngăn cách với gian thờ bằng hai hàng tủ gỗ, vừa có chức năng trang trí, vừa làm vách ngăn không gian.
Nhà sau dùng để tiếp khách nữ, nằm phía sau một vách gỗ chạy dài từ sàn lên đến trần, gồm nhiều ô hộc, con tiện và tranh gốm sứ. Các chi tiết kiến trúc ở đây tương đồng với nhà trước, tạo nên sự nhất quán trong toàn bộ công trình.
Bộ khung nhà dựa trên 24 cột tròn bằng gỗ căm xe, cà chít, cao từ 4 đến 6 mét, đặt trên các bệ đá tảng cổ bồng. Các cột và kèo được kết nối bởi hệ thống vì kèo truyền thống theo cấu trúc Nam Bộ, đó là kèo xuyên chính, hay còn gọi là kèo cánh én, cánh dơi.
Phòng khách được bài trí theo phong cách Tây Âu, trong khi nơi trang trọng nhất là gian thờ lại mang đậm nét thuần Việt. Điều này cho thấy sự giao thoa văn hóa Đông – Tây một cách hài hòa, chọn lọc, thể hiện thị hiếu thẩm mỹ tinh tế của chủ nhân.

Nhà thờ họ Dương hiện là điểm đến ấn tượng, thu hút đông đảo du khách và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Ảnh: Nguyên Phong
Nhà thờ họ Dương hiện là điểm đến ấn tượng, thu hút đông đảo du khách và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Căn nhà không chỉ sở hữu kiến trúc đặc sắc, trường tồn với thời gian mà còn lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm. Không ít du khách nước ngoài đến từ Pháp, Ý... cũng bày tỏ sự thích thú khi biết đây chính là căn nhà xuất hiện trong bộ phim Người tình nổi tiếng mà họ từng xem.
Công trình này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (theo Quyết định số 314/QĐ-BVHTTDL ngày 22-01-2009).