'Kiềng 3 chân' trong giáo dục quyền con người
Phối hợp gia đình, nhà trường, chính quyền, các tổ chức xã hội là điều kiện tiên quyết xây dựng một thế hệ trẻ có ý thức về quyền con người.

Giờ học tại Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội).
PGS.TS.Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội đưa giải pháp tăng cường sự phối hợp giữa các bên liên quan trong việc xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, giúp học sinh không chỉ nhận thức rõ mà còn có khả năng thực hành, bảo vệ quyền con người trong đời sống hàng ngày.
Phối hợp gia đình, nhà trường là yếu tố then chốt
PGS.TS.Trần Thành Nam nhấn mạnh: Để phát huy hiệu quả của giáo dục quyền con người, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường là yếu tố then chốt. Gia đình có thể hỗ trợ nhà trường thông qua các hình thức sau:
Thứ nhất, tham gia trực tiếp vào giáo dục quyền con người cho học sinh. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho học sinh những bài học thực tiễn về quyền con người. Cha mẹ có thể dạy con cái về các quyền cơ bản như quyền được bảo vệ, quyền tự do ngôn luận, quyền được tôn trọng và quyền tiếp cận giáo dục.
Cùng với đó là thực hiện nêu gương trong ứng xử hàng ngày. Học sinh học hỏi và hình thành nhân cách thông qua quan sát hành vi của cha mẹ, ông bà và các thành viên khác trong gia đình. Một gia đình đề cao sự tôn trọng, bình đẳng và công bằng sẽ giúp trẻ phát triển thái độ tôn trọng quyền của người khác.
Bên cạnh việc hiểu về quyền của bản thân, học sinh cần được giáo dục về nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền con người của người khác. Điều này có thể được thực hiện thông qua các hoạt động gia đình như cùng nhau thảo luận về những tình huống liên quan đến quyền con người trong thực tế.
Ngoài ra, một môi trường gia đình không có bạo lực, không áp đặt, tôn trọng ý kiến của con cái sẽ giúp trẻ em cảm nhận được giá trị của quyền con người và tự tin hơn khi bày tỏ quan điểm cá nhân.
Thứ hai, hỗ trợ nhà trường trong giáo dục quyền con người. Cụ thể, gia đình tham gia vào các hoạt động giáo dục của nhà trường. Phụ huynh có thể phối hợp với giáo viên trong việc tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về quyền con người, hoặc tham gia vào các hoạt động ngoại khóa giúp học sinh trải nghiệm thực tế về quyền con người.
Gia đình theo dõi và hỗ trợ quá trình học tập của học sinh: Cha mẹ cần quan tâm đến chương trình giáo dục quyền con người trong trường học, khuyến khích và tạo điều kiện để con em mình áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn.
Tạo lập kênh liên lạc giữa gia đình và nhà trường: Một hệ thống liên lạc chặt chẽ giữa phụ huynh và giáo viên giúp đảm bảo rằng các vấn đề liên quan đến quyền con người của học sinh (như bạo lực học đường, bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử) được phát hiện và giải quyết kịp thời.
Gia đình hỗ trợ giáo viên trong việc phát triển kỹ năng thực hành quyền con người cho học sinh: Cha mẹ có thể đóng vai trò là những người hướng dẫn tại nhà, giúp con cái thực hành các kỹ năng như tranh luận dân chủ, giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình và tôn trọng sự đa dạng.
“Có thể nói, sự tham gia của gia đình vào giáo dục quyền con người sẽ không chỉ giúp học sinh có nhận thức sâu sắc hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nhà trường xây dựng môi trường giáo dục toàn diện.
Gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo học sinh không chỉ tiếp thu lý thuyết mà còn có cơ hội thực hành, từ đó góp phần xây dựng một thế hệ công dân có trách nhiệm và tôn trọng quyền con người”, PGS.TS.Trần Thành Nam lưu ý.
Cộng đồng kiến tạo môi trường, thúc đẩy giáo dục quyền con người
Cùng với vai trò của nhà trường, gia đình, PGS.TS.Trần Thành Nam cũng nhấn mạnh vai trò cộng đồng.
Theo đó, cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo môi trường giáo dục, thúc đẩy giáo dục quyền con người cho học sinh, góp phần hình thành nhận thức và thái độ tôn trọng quyền con người cho những người trẻ. Có thể tham khảo một số cách thức cộng đồng có thể đóng góp trong giáo dục quyền con người cho học sinh như sau:
Thứ nhất, xây dựng môi trường giáo dục tích cực trong cộng đồng thực bằng việc:
Thiết lập các không gian học tập an toàn và thân thiện: Xây dựng thư viện cộng đồng, câu lạc bộ học thuật, trung tâm hỗ trợ trẻ em để cung cấp kiến thức về quyền con người.
Tổ chức hoạt động ngoại khóa: Các chương trình như hội thảo, diễn đàn trẻ em, trò chơi nhập vai giúp học sinh hiểu rõ hơn về quyền con người thông qua thực hành.
Phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng: Thực hiện các cuộc họp định kỳ giữa phụ huynh, giáo viên và chính quyền địa phương để thống nhất cách tiếp cận giáo dục quyền con người.
Thứ hai, đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng trên môi trường mạng. Sự phát triển của công nghệ số đặt ra những thách thức lớn đối với quyền con người, đặc biệt là quyền riêng tư và bảo vệ thông tin cá nhân. Cộng đồng có thể góp phần bảo vệ học sinh bằng cách:
Tăng cường các chương trình giáo dục an toàn mạng, nâng cao năng lực số và năng lực AI: Hướng dẫn học sinh cách bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhận diện thông tin sai lệch và đối phó với bạo lực, bắt nạt, lừa đảo và quấy rối trên mạng.
Giám sát và hỗ trợ từ phía phụ huynh: Khuyến khích cha mẹ tham gia vào hoạt động trực tuyến của con cái, đồng thời giáo dục trẻ về quyền riêng tư và trách nhiệm khi sử dụng internet.
Phối hợp với các cơ quan chức năng, các ông lớn công nghệ sở hữu các nền tảng mạng xã hội: Ngăn chặn và xử lý các nội dung độc hại trên mạng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến học sinh.
Thứ ba, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể cộng đồng trong giáo dục quyền con người. Cụ thể, các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền Phong có thể tổ chức các phong trào, chiến dịch tuyên truyền về quyền con người: Phát động các chương trình như “Thanh niên với quyền con người”, “Ngày hội nhân quyền”, “Giáo dục quyền trẻ em trong gia đình và trường học”.
Hỗ trợ học sinh tiếp cận các nguồn tài liệu chính thống: Cung cấp sách, tờ rơi, tài liệu điện tử về quyền con người để nâng cao nhận thức cho học sinh về quyền con người.
Thực hiện các chương trình hỗ trợ học sinh yếu thế: Đảm bảo quyền học tập, quyền vui chơi và quyền phát triển toàn diện của mọi trẻ em trong cộng đồng.
“Như vậy, cộng đồng đóng vai trò thiết yếu trong việc giáo dục quyền con người cho học sinh phổ thông. Thông qua tạo lập môi trường giáo dục tích cực, đảm bảo an toàn trên không gian mạng và đấu tranh với các luận điệu sai lệch, cộng đồng giúp học sinh hình thành ý thức tôn trọng quyền con người và phát triển tư duy công dân có trách nhiệm”, PGS.TS.Trần Thành Nam nhấn mạnh thêm.
Trong giáo dục quyền con người, vai trò của nhà trường và các chương trình giáo dục đóng vai trò trọng yếu. Tuy nhiên, gia đình và cộng đồng cũng có những ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hình thành nhận thức và thực hành quyền con người của học sinh. Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, chính quyền và các tổ chức xã hội là điều kiện tiên quyết, nhằm xây dựng một thế hệ trẻ có ý thức về quyền con người và sẵn sàng thực hành các giá trị đó trong đời sống.
PGS.TS Trần Thành Nam
Giáo viên môn Giáo dục công dân, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật của Bắc Giang sinh hoạt chuyên môn, tìm hiểu về quyền con người. Ảnh: Sở GD&ĐT Bắc Giang.
Giáo dục mầm non là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đề án “Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”. Ảnh: NTCC.
Giờ học tại Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội). Ảnh: NTCC.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kieng-3-chan-trong-giao-duc-quyen-con-nguoi-post728556.html