'Kiềng ba chân' của điện ảnh Việt
Để cho nền công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững, đủ nội lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có sự điều chỉnh hài hòa, hợp lý các dòng phim hiện nay.
Soi chiếu các giá trị Dân tộc - Khoa học - Đại chúng
Tham luận tại tọa đàm "Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam" mới đây, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, PGS. TS Đỗ Lệnh Hùng Tú khẳng định điện ảnh vốn là nghệ thuật tổng hợp ở nhiều cấp độ khác nhau, có sức lan tỏa lớn, gây ấn tượng sâu đậm xong rất tốn kém. Chẳng những điện ảnh có tác dụng giao lưu văn hóa, mà còn trực tiếp kinh doanh, mở đường kinh doanh hiệu quả.
Để phát triển điện ảnh nước nhà và để điện ảnh Việt Nam có thể trở thành điểm sáng của nền văn hóa dân tộc, Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.1.2023 là minh chứng rõ nét về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Một mặt tiếp tục đòi hỏi hoạt động điện ảnh ngày nâng cao tính khoa học từ các điều khoản của Luật. Mặt khác, điều đó cho thấy điện ảnh phải luôn sáng tạo, đổi mới, thích ứng với những đòi hỏi không ngừng của thực tiễn, nhằm đáp ứng hợp lý tính đại chúng - vốn là đặc thù của ngành nghệ thuật thứ bảy.
Nhìn từ thực tiễn hoạt động điện ảnh Việt Nam hiện nay, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cho rằng, diện mạo nền điện ảnh Việt Nam đã và đang hiện hữu ba dòng phim: Phim điện ảnh truyền thống; Phim thương mại, giải trí; Phim tác giả của những nhà làm phim độc lập. Sau 80 năm, hệ giá trị Dân tộc - Khoa học - Đại chúng nêu trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943), thực chất đã được phóng chiếu vào các dòng phim này.
Ba dòng phim điện ảnh
Dòng phim điện ảnh truyền thống là những tác phẩm được cấp kinh phí làm theo đề tài, nội dung làm phim do Nhà nước đặt hàng. Đề tài thường là những câu chuyện về lịch sử, chiến tranh cách mạng, số phận con người thời hậu chiến, những giá trị di sản đặc sắc của văn hóa truyền thống và phản ánh sâu sắc hiện thực đổi mới, bồi đắp nền tảng tinh thần của xã hội...
Trong khi đó, dòng phim thương mại, giải trí lại hướng tới hiệu quả doanh thu. Nhiều ý kiến cho rằng, khi điện ảnh thỏa mãn tính đại chúng sẽ đồng nghĩa với phim đông khách, có doanh thu cao. Hiện tượng hai bộ phim Bố già và Nhà bà Nữ tạo cơn sốt vé tại Việt Nam, mang về doanh thu gần 500 tỷ đồng là thành tích đáng kể.
Phim "Nhà bà Nữ" của đạo diễn Trấn Thành đạt doanh thu
400 tỷ đồng chỉ sau một tháng công chiếu
Còn dòng phim tác giả của những nhà làm phim độc lập được cho là dòng phim non trẻ nhất của điện ảnh Việt, bắt đầu từ những đạo diễn Việt kiều, về sau mới có những nhà làm phim độc lập là các đạo diễn trẻ trong nước. Tác giả phim phần lớn đều tự viết kịch bản kiêm đạo diễn để dễ dàng tự do thể hiện ý tưởng, thông điệp mang đậm nét cá tính riêng.
Họ sản xuất phim với nhiều mảng đề tài khác nhau, nói lên tiếng nói thời cuộc, thể hiện những sáng tạo mang tính tiên phong. Những tác phẩm của dòng phim này thường nhằm tới các liên hoan phim quốc tế, những thứ hạng giải thưởng...
Phát triển hài hòa, hợp lý
Nhìn nhận những điểm khác biệt để thấy bức tranh toàn cảnh cũng như sự vận động, đóng góp của mỗi dòng phim vào dòng chảy chung của điện ảnh Việt.
"Với dòng phim điện ảnh truyền thống, dù biết chắc chắn sản phẩm được làm ra sẽ kén khách, doanh thu không cao, thậm chí lỗ vốn, nhưng tại nhiều quốc gia nó vẫn cần có, vẫn cần tồn tại để góp phần định hướng giáo dục những thế hệ tiếp nối.
Dù vẫn hiểu phim đông khách chưa hẳn là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao có thể dẫn hướng cho sự phát triển của một nền điện ảnh, nhưng sự cố gắng tìm tòi, thay đổi mình nhằm đáp ứng thị hiếu đại đa số đối tượng khán giả chính là điểm sáng đáng ghi nhận cho dòng phim thương mại", Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đánh giá.
Còn phim của những nhà làm phim độc lập đa phần đều kén khách với doanh thu không cao, song với lực lượng ngày càng đông đảo, với nhiều tác phẩm ghi dấu ấn tại các liên hoan phim lớn trên thế giới, có thể kỳ vọng dòng phim này sẽ tạo thành một làn sóng mới, góp phần trở thành lực lượng sáng tác quan trọng của điện ảnh nước nhà.
Để cho nền công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững, đủ nội lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có sự điều chỉnh hài hòa, hợp lý các dòng phim hiện nay. Trong đó, vẫn cần có vai trò nổi bật của Nhà nước trong việc duy trì đầu tư xứng đáng cho dòng phim về đề tài truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng, xây dựng hệ giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc, hiện đại, nhân văn.
"Cần có nhiều giải pháp hữu hiệu tạo thuận lợi cho sự phát triển của dòng phim giải trí lành mạnh về nội dung, đáp ứng thị hiếu của đông đảo người xem. Đồng thời, luôn cần có sự phát hiện, dẫn dắt, nuôi dưỡng, động viên và tôn trọng tự do sáng tạo để khuyến khích, nâng đỡ những tìm tòi mới mẻ và lành mạnh cho dòng phim của những nghệ sĩ trẻ độc lập" - PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú nhấn mạnh.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/kieng-ba-chan-cua-dien-anh-viet-i320809/