'Kiêng' khám bệnh đầu năm: Hậu quả khó lường

Với tâm lý ngại đi khám bệnh đầu năm, không ít người dù gặp vấn đề về sức khỏe nhưng không tới cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Điều này không những gây khó khăn trong quá trình điều trị mà có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Thăm khám, tư vấn sức khỏe tại Bệnh viện Bạch Mai.

Thăm khám, tư vấn sức khỏe tại Bệnh viện Bạch Mai.

Mâm cỗ Tết với các món ăn truyền thống như bánh chưng, thịt mỡ, giò chả, dưa hành… là những món ăn không thể thiếu nhưng thường chứa nhiều dầu mỡ, tinh bột và đường. Cùng với đó là việc sử dụng rượu bia trong các bữa tiệc, cộng với thói quen ít vận động do kỳ nghỉ kéo dài, tất cả có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe.

Chế độ ăn uống mất cân đối dễ dàng dẫn đến tăng cân, tăng cholesterol xấu (LDL), tăng triglyceride trong máu, thậm chí gây ra các bệnh lý như gan nhiễm mỡ, tiểu đường, hay rối loạn chuyển hóa. Đặc biệt, tiêu thụ rượu bia quá mức có thể làm tăng gánh nặng chuyển hóa và thải độc cho gan, dẫn đến tổn thương tế bào gan như tăng men gan, viêm gan, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến chức năng tim mạch và hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, thói quen thức khuya hoặc ngủ không đủ giấc trong dịp Tết cũng làm rối loạn nhịp sinh học, ảnh hưởng đến hormone trong cơ thể (như cortisol), làm giảm sức đề kháng và khả năng tập trung...

TS.BS Thân Mạnh Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho hay: “Những vấn đề nói trên thường không có biểu hiện rõ ràng ngay lập tức nhưng lại ảnh hưởng âm thầm đến sức khỏe trong thời gian dài. Tuy nhiên, với đại đa số trường hợp, những bất thường trên không phải vấn đề quá lớn nếu tới cơ sở y tế thăm khám kịp thời khi cơ thể xuất hiện những tín hiệu cảnh báo. Thế nhưng, một thực tế vẫn diễn ra trong nhiều năm qua là trong khoảng thời gian đầu năm mới, số ca cấp cứu luôn gia tăng, đặc biệt là các bệnh nhân đến muộn do e ngại hoặc kiêng kỵ việc đi viện. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bệnh trở nặng và khó can thiệp kịp thời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”.

Theo BS Lê Thị Hồng Thắm - Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, đầu năm, người dân thường có tâm lý ngại đi khám bệnh vì sợ mang lại điềm không may, khiến cả năm đau ốm, bệnh tật. Nhiều trường hợp người bệnh có lịch tái khám vào các ngày 3, 5, 7, 14 Tết nhưng nhất định không đi, vì nghĩ đây là những ngày “xấu”, không phù hợp để xuất hành. Thay vào đó, người bệnh điều trị tại nhà bằng cách tự đi mua thuốc, dùng mẹo dân gian hoặc thuốc không rõ nguồn gốc. Việc này dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe. Thực tế tại Khoa Hô hấp của Bệnh viện, sau kỳ nghỉ Tết âm lịch hàng năm ghi nhận khá nhiều trường hợp người bệnh hen suyễn, COPD chuyển nặng do trì hoãn khám bệnh.

Còn PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải - Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) khuyến cáo: Sau kỳ nghỉ Tết, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng để đảm bảo cơ thể luôn trong trạng thái tốt nhất. Đây không chỉ là một cách giúp người dân đánh giá tổng thể tình trạng sức khỏe, mà còn giúp phát hiện sớm những bất thường, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Đơn cử, không ít người dân coi việc ho, sốt… là chuyện vặt, qua loa không cần đi viện. Thế nhưng, sốt thường là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý khác như các bệnh lý nhiễm virus, vi khuẩn, bệnh hệ thống hoặc ung thư. Dấu hiệu nặng của sốt có thể kèm theo như ho, khó thở... có thể là viêm phổi; sốt kèm đau ngực... có thể viêm cơ tim, sốt kèm đi ngoài, tiểu rắt, tiểu buốt, đau đầu... đều là biểu hiện nhiễm trùng của một cơ quan cụ thể... Có những người bị hen, nhưng sốt dễ làm cơn hen nặng hơn, hoặc người bệnh tiểu đường có cơn sốt sẽ làm đường máu rối loạn… Do vậy người dân cần hết sức cảnh giác những biểu hiện ban đầu như sốt, cảm cúm... có thể là dấu hiệu của bệnh khác nặng hơn. Những trường hợp này cần đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời, tránh để mất đi cơ hội điều trị.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kieng-kham-benh-dau-nam-hau-qua-kho-luong-10299446.html