Những điều tuyệt đối không nên làm khi mắc cúm
Không tự ý mua kháng sinh dùng, không tự ý mua thuốc kháng virus uống, nên đi khám khi có biểu hiện cúm để được điều trị từ sớm là những khuyến cáo của Thạc sĩ, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Giám Đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
![Thạc sĩ, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Giám Đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (bên trái) thăm khám cho bệnh nhân.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_14_51415782/6ada43e17baf92f1cbbe.jpg)
Thạc sĩ, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Giám Đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (bên trái) thăm khám cho bệnh nhân.
Cúm mùa là bệnh do những chủng virus cúm vẫn đang lưu hành trong cộng đồng (phổ biến gần đây thường là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2, cúm), thường bùng phát thành các đợt dịch nhỏ lẻ thỉnh thoảng có những đợt bùng phát trên quy mô lớn.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm cho biết, cúm mùa có thể nói có "độc lực thấp" nên thường chỉ gây bệnh cảnh cúm nặng ở những người có yếu tố nguy cơ cao (Người già trên 65 tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai 3 tháng cuối, người có bệnh lý nền hô hấp, tim mạch, suy giảm miễn dịch...).
"Mọi người không phải quá hoang mang lo lắng về cúm mùa, nhưng cũng không nên chủ quan, đặc biệt là với nhóm có nguy cơ nhiễm cúm nặng", bác sĩ Khiêm nói.
Vì biểu hiện cúm rất khó phân biệt với các biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các căn nguyên khác, nhưng việc chẩn đoán được sớm, dùng thuốc kháng virus phù hợp có thể ngăn ngừa nguy cơ nhiễm nặng và thậm chí tử vong cho nhiều người.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm khuyến cáo, những người có bệnh lý nền cần hết sức lưu ý, khi có biểu hiện sốt, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi nên được đi khám sàng lọc cúm và đánh giá và cân nhắc cho dùng thuốc kháng virus cúm sớm để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm cúm nặng. Nếu để đến lúc nặng rồi mới đi viện khám, điều trị tốn kém và khó khăn.
Bác sĩ Khiêm lưu ý, mọi người không tự ý mua kháng sinh dùng vì kháng sinh không có tác dụng với cúm mà có nhiều tác hại trong trường hợp này.
Bên cạnh đó, mọi người không tự ý mua thuốc kháng virus uống, điều này có thể gây tốn kém không cần thiết, có thể làm khan hiếm thuốc gây khó khăn cho người có chỉ định cần, hoặc gây gia tăng đề kháng thuốc. Thuốc kháng virus chỉ có lợi những người có nguy cơ nhiễm cúm nặng, những người có biểu hiện nhiễm cúm nặng.
Nên tiêm phòng ngừa cúm hàng năm đặc biệt là người có tuổi, có bệnh nền tim mạch, hô hấp, tiểu đường, xơ gan, suy giảm miễn dịch...
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm cũng khuyến cáo với các đồng nghiệp, xét nghiệm test nhanh cúm thường có độ nhạy tương đối thấp, vì vậy ngay cả khi thấy người bệnh có kết quả test nhanh âm tính với cúm cũng không nên bỏ qua cúm, đặc biệt là với "bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp và có suy hô hấp" hoặc "bệnh nhân có yếu tố nguy cơ nhiễm cúm nặng".
![Các dấu hiệu cảnh báo người mắc cúm cần nhập viện khẩn cấp. (Infographic: Bệnh viện Nhi Trung ương).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_14_51415782/1e0d30360878e126b869.jpg)
Các dấu hiệu cảnh báo người mắc cúm cần nhập viện khẩn cấp. (Infographic: Bệnh viện Nhi Trung ương).
Với tất cả bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp nặng nên cho làm các xét nghiệm chẩn đoán có độ nhạy cao hơn như PCR cúm, Xn MuliPCR... và đặc biệt lưu ý vẫn cần cho thuốc kháng virus cúm càng sớm càng tốt cho bệnh nhân (dù test nhanh âm tính hoặc không có điều kiện làm xét nghiệm chẩn đoán cúm).
Lưu ý, ngay cả với bệnh nhân suy hô hấp và marker viêm tăng cao hướng nhiều đến nguyên nhân do vi khuẩn, nhưng cúm nặng bội nhiễm cũng có thể có biểu hiện vậy.
Với bệnh nhân có yếu tố nguy cơ nhiễm cúm nặng mà không có điều kiện làm xét nghiệm cúm và cũng không chuyển tuyến được, việc kê đơn thuốc kháng virus cúm Oseltamivir (Tamiflu) có thể làm giảm nguy cơ nhiễm nặng và nhập viện cho bệnh nhân.
Các thầy thuốc không nên kê đơn kháng sinh, và đặc biệt là Corticoid vì có nhiều bằng chứng cho thấy dùng Corticoid không những không có lợi mà có thể gây bất lợi.
Tại Việt Nam, cúm mùa gây ra gánh nặng bệnh tật vô cùng lớn, trung bình có trên 600.000-1 triệu người mắc cúm, số ca mắc thường gia tăng mạnh vào các thời điểm giao mùa. Cúm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu, suy đa tạng… và tăng khả năng đau tim, đột quỵ sau khi mắc.
Cúm cũng khiến các bệnh lý mãn tính trở nên tồi tệ hơn. Thí dụ, người mắc bệnh hen suyễn mãn tính dễ bị các cơn hen suyễn kịch phát hành hạ nếu mắc bệnh cúm, bệnh nhân suy tim sung huyết mãn tính có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn dưới sự tác động của cúm.
Cúm còn gây tổn thương đường hô hấp, mở đường cho các loại virus, vi khuẩn khác xâm lấn làm tăng nguy cơ bội nhiễm, thường gặp là phế cầu khuẩn cư trú ở vùng hầu họng. Từ đó, người bệnh gặp tình trạng viêm phổi, viêm màng não, tăng nguy cơ nhập viện và tử vong. Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, 90% ca tử vong ở người lớn tuổi là do viêm phổi và cúm.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, cách hiệu quả nhất để phòng bệnh cúm mùa là tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch, vaccine cúm đã được chứng minh an toàn, hiệu quả và đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-dieu-tuyet-doi-khong-nen-lam-khi-mac-cum-post858955.html