Kiếp cỏ

Tranh do Bing tạo nên

Tranh do Bing tạo nên

Thấm thoát đã mấy năm, hôm nay mới có dịp trở lại Thái Bình - vùng quê gắn với bao kỉ niệm thời trai trẻ; tôi thong thả dạo trên triền đê sông Hồng khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống...

Dưới chân tôi, cỏ mọc miên man, xanh ngút mắt như một tấm thảm ngọc bích trải dài khắp triền đê hút hồn người lữ khách, thảng hoặc gặp những chú cỏ gà căng tròn, to gần bằng ngón tay cái với chiếc thân mập mạp; chợt thảng thốt nhớ về tuổi ấu thơ...

Ngày xưa, bọn trẻ chúng tôi, sau khi đã tìm chỗ cho trâu bò ăn no bụng là yên tâm bày trò chơi chọi củ gà; những củ gà hình thành từ thân cỏ, trong ruột là một con sâu nhỏ tí ngoe nguẩy tìm chỗ trốn...Chúng tôi cứ chọn tìm những củ thật rắn chắc rồi quật hai cái cổ củ gà vào nhau, kẻ thắng thì hể hả vì mình đã khôn khéo trong việc lựa chọn những chú củ gà mạnh mẽ, dẻo dai. Đứa thua thì hậm hực tìm bằng được cỏ gà thật dai thật khỏe để tiếp tục cuộc đấu không bao giờ có hồi kết. Có đứa láu cá, chọn cỏ gà rồi ngắt từ hôm trước, giấu biến đi... Cỏ gà bị phơi nắng nửa ngày thành ra dai hơn thường lệ, vì thế cậu ta luôn luôn là người chiến thắng. Phát hiện ra mánh khóe đó, bọn tôi cũng làm theo; kết quả là đứa nào cũng được hể hả vì chiến thắng...

Tạo Hóa sinh ra loài cỏ, nhân loại song hành cùng cỏ, tuy thế họ luôn tìm mọi cách trừ diệt nó ra khỏi ruộng lúa, đồng khoai... Nhưng, cỏ có mặt trên các sân tập, sân đấu rộng của các cầu thủ làng túc cầu theo tiêu chuẩn FIFA , giúp cho thân hình và cả đôi chân họ bớt đi thương tổn khi có những va chạm. Và dọc những triền đê, cỏ ngút ngàn nâng bước chân ta, cỏ giúp cho thân đê vững chắc, ngả mình trên thảm cỏ xanh vào những đêm hè mà ngắm sao trời mới thấy lòng mình thanh thản đến lạ kì, mới thấu hết cái thú được sống nơi thôn dã quen thân.

Cỏ cứ nhẹ nhàng đi vào hồn ta từ lúc nào chẳng rõ, nó mang cái bình dị và cả tủi nhục vì loài người hắt hủi. Nhưng nó cũng được các ẩn sĩ lánh đời thoát tục tìm đến sẻ chia; họ coi chốn lều cỏ (thảo lư) là chốn nương thân, tránh xa chốn bụi trần đen bạc hiểm ác, những phiền lụy lo toan...Cỏ nhỏ mọn mềm mại, chẳng khi nào vượt qua bước chân người; nó âm thầm nuôi dưỡng hồn quê, tình quê; nó thành thức ăn không thể thiếu được của lũ gia súc gia cầm mà chẳng hề mất công chăm bón. Cỏ còn được người đời nay thể hiện thân phận nhỏ bé của mình một cách đầy thấm thía trong bài thơ “Thường dân” của tác giả Nguyễn Long mà khi đọc lên thật nao lòng: “Cỏ ngàn năm vẫn xanh rì cỏ thôi/ Ăn của đất uống của trời/ Dốc lòng cởi dạ cho người mình tin/ Biết nhiều mà vẫn lặng im/ Mặc ai mua bán nổi chìm thiệt hơn/ Chỉ mong ấm áo no cơm/ Chắt chiu dành dụm thảo thơm ngọt lành/ Hòa cùng trời đất màu xanh/ Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”. Vậy mà có ông quan tể tướng Lưu Dung trong phim “Tể tướng Lưu gù” của Trung Hoa từng tự xưng với đương kim Hoàng đế nhà Thanh: “Thảo dân xin tiếp chỉ, tự nhiên thấy nao nao buồn. Người ta khi làm quan đầy quyền lực, đến khi mũ áo không còn, lại cứ khăng khăng lấy từ “thảo dân” mà tự xưng một cách nhún nhường, thảo dân nghĩa là dân nhỏ mọn - cách nói quen thuộc của người Trung Hoa xưa khi xưng với các bậc bề trên mà mình không có chức sắc. Thật buồn cho cỏ biết bao!

Tôi nằm xuống vệt cỏ mềm bắt đầu thấm sương đêm, ngắm sao trời lóng lánh,bứt một cọng cỏ ngậm vào miệng, nghe tiềm thức vọng về; bỗng nhiên bật nhớ những câu thơ đầy da diết nồng nàn mà cũng thật chát đắng:

“Không ai cả à ơi ru kiếp cỏ

Để cỏ xanh cứ nhọn sắc lên trời

Cỏ nhân hậu mỏi mềm ru bước dại

Gót người, người vô tâm lắm

...mà thôi...”

Đêm nay, trời sắp mưa rồi; tôi như thấy cỏ đang cựa mình lớn dần theo bước chân người lữ khách....

Vĩnh Nguyên Nguyễn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/kiep-co-a21241.html