Kiệt tác 'Chân dung mẹ tôi' được đấu giá hơn 5 tỉ đồng
Trong phiên đấu giá Arts D'asie, Tableaux Modernes tác phẩm 'Chân dung mẹ tôi' của danh họa Nguyễn Nam Sơn có giá gõ búa 200.000 euro.
Trong phiên đấu giá Arts D’asie, Tableaux Modernes diễn ra tối 30/3 (sáng 31/3 giờ Việt Nam), tác phẩm “Chân dung mẹ tôi” của danh họa Nguyễn Nam Sơn có giá gõ búa 200.000 euro (hơn 5 tỉ đồng Việt Nam).
Trao đổi với Báo GD&TĐ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho biết: “Trong sự ngỡ ngàng, tiếng búa gõ xuống xác định mức giá 200.000 euro cho bức tranh “Chân dung mẹ tôi” của Nguyễn Nam Sơn. Tất cả diễn ra trong một thoáng chốc, bắt đầu bằng giá 150.000 euro. Theo bước giá mười ngàn, nhảy lên 200.000 euro chỉ chưa đến 30 giây”.
Theo ông Khôi, trước khi đấu giá, kênh trực tuyến nhảy đi nhảy lại, rất nhiều người đấu online không vào được. Họ than phiền khi vào được thì đã đấu xong. Một số thông báo rằng, họ bị cọc cao và rất nhiều nhà sưu tập không được vào do bị nợ tiền nhà đấu giá. Đấu giá một bức tranh là một cái “duyên” không nói trước được.
Như Báo GD&TĐ từng thông tin về tác phẩm “Chân dung mẹ tôi” - một trong những tác phẩm sơn dầu nổi tiếng nhất của danh họa Nam Sơn sẽ lên sàn đấu giá Art Research Paris (Pháp), gây nhiều bàn luận trong giới mỹ thuật và sưu tập quốc tế.
“Chân dung mẹ tôi” từng tham gia triển lãm thuộc địa Paris vào năm 1931, sau đó tham dự triển lãm tại Salon Hội Nghệ sĩ Pháp năm 1932, trưng bày tại sảnh XXV tại Đại Cung Điện, được phân loại theo mục “Hội họa”, dưới số hiệu 1804 trong lưu trữ của Hội Nghệ sĩ Pháp. Dưới sự chủ tọa của họa sĩ Denis Etcheverry, Hội đồng giám khảo Salon 1932 đã họp và “Chân dung mẹ tôi” được xướng danh Huy chương Bạc 1.
Sau đó, tác phẩm thuộc bộ sưu tập cũ của ông Sambuc - Chủ tịch Socíeté des Français d’Indochine (Hội người Pháp tại Đông Dương). Gia đình ông mua lại tác phẩm này vào ngày 21/2/1933.
“Chân dung mẹ tôi” được giới mỹ thuật trong và ngoài nước đánh giá là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của danh họa Nam Sơn. Bức tranh có kích thước 170 x 103,5cm, vẽ cụ Nguyễn Thị Lân - mẹ họa sĩ Nam Sơn, ngồi một cách uy nghi trên ghế.
Bà đội mũ khăn và khoác áo theo Phật giáo truyền thống. Quanh cổ là chuỗi tràng hạt, ngực đeo Kim Khánh “Tiết hạnh khả phong” do vua Bảo Đại ban năm 1927, trên gối tay cầm quyển kinh.
Áo của bà được vẽ với nhiều sắc xanh khác nhau, trên cùng một gam màu, hiện rõ nét sơn dầu, phương pháp Tây phương, ảnh hưởng của hai người thầy của mình là Victor Tardieu và Jean-Pierre Laurens, nhưng bố cục của tranh hoàn toàn có nét Đông phương, theo phong cách tranh thờ.
Là người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương nổi tiếng trong lịch sử mỹ thuật, nhưng tác phẩm của họa sư Nam Sơn rất hiếm hoi, thuộc về các sáng tác được truy tìm gay gắt trong giới thưởng ngoạn cũng như các nhà sưu tập. Bởi vậy, giới hội họa cho rằng, để có một bộ sưu tập tranh Đông Dương hoàn hảo, bắt buộc ít nhất phải có một tác phẩm của Nam Sơn.