Kiệt tác của danh họa Nhật bản Katsushika Hokusai đến với người yêu nghệ thuật Việt Nam

Với 7 thập kỷ đắm mình trong hội họa, Katsushika Hokusai trở thành một trong những họa sĩ hàng đầu của Nhật Bản thời Mạc phủ Tokugawa. Ông cũng là một trong những họa sĩ được săn đón nhiều nhất trong thời đại của mình và cho đến ngày nay. Ngày 12-8 tới một triển lãm nghệ thuật đa giác quan đặc biệt về các kiệt tác của danh họa Hokusai sẽ diễn ra tại TPHCM.

Họa sĩ, nghệ nhân tranh khắc gỗ Katsushika Hokusai

Họa sĩ, nghệ nhân tranh khắc gỗ Katsushika Hokusai

Katsushika Hokusai (1760 - 1849) sinh ra ở Edo, ngày nay là Tokyo, Nhật Bản. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Hokusai theo một người chú làm nghề đánh bóng gương. Dù có năng khiếu hội họa từ bé nhưng tuổi thơ của Hokusai quẩn quanh học việc trong một xưởng in, học cách khắc gỗ (mộc bản), kỹ thuật in và trở thành nhà thiết kế in ấn. Năm 30 tuổi, Hokusai rẽ hướng trở thành họa sĩ. Và phải mất thêm ít nhất 30 năm nữa, tức là những năm 60 hoặc đầu 70 tuổi, Hokusai mới quyết định trở thành họa sĩ độc lập và tạo nên các tác phẩm quan trọng.

 “Gió Nam - Bình minh trong lành” trong bộ tranh “Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ”

“Gió Nam - Bình minh trong lành” trong bộ tranh “Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ”

Nhắc đến Hokusai là nhắc đến bức tranh khắc gỗ tuyệt phẩm Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa cũng như bộ tranh Ba mươi sáu cảnh núi Phú Sĩ. Những tác phẩm này đã đưa tên tuổi của Hokusai trở nên nổi tiếng không chỉ tại Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới. Những tác phẩm này, cũng đưa nghệ thuật tranh Phù thế (ukiyo-e – hay còn gọi là tranh khắc gỗ Nhật Bản) lên một tầm cao mới.

 "Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa" - bản in nổi tiếng nhất của Hokusai. Ảnh: WIKI MEDIA COMMONS

"Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa" - bản in nổi tiếng nhất của Hokusai. Ảnh: WIKI MEDIA COMMONS

Những tác phẩm mộc bản của Hokusai thường có màu sắc độc đáo, đặc biệt là việc sử dụng màu xanh Prussian (xanh Phổ), một loại màu đắt đỏ có nguồn gốc từ phương Tây. Không chỉ nghiên cứu màu sắc, Hokusai còn nghiên cứu và đưa những yếu tố đặc trưng của hội họa châu Âu như luật bố cục xa - gần, điểm tụ sáng - tối… vào những tác phẩm hội họa của mình.

Không những thế, Hokusai còn được biết đến là “cha đẻ" của manga, người khởi nguồn nên làn sóng truyện tranh Nhật Bản tác động mạnh mẽ đến văn hóa đại chúng trên toàn thế giới ngày nay. Với việc xuất bản 15 tập chứa 4.000 hình vẽ được khắc và in trong khoảng 800 trang truyện từ năm 1814, Hokusai Manga là một trong những manga đầu tiên của nhân loại.

 Bức tranh Kamakura no Gengoro bắt giữ Torinoumi Tasaburo

Bức tranh Kamakura no Gengoro bắt giữ Torinoumi Tasaburo

Ngày nay, các tác phẩm của Hokusai vẫn nằm trong những bộ sưu tập tư nhân và được có mức giá cao ngất ngưỡng. Những triển lãm tác phẩm của ông vẫn thu hút hàng nghìn khán giả tò mò, tới thưởng ngoạn. Những tác phẩm của Hokusai vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật đương đại cũng như văn hóa đại chúng đương thời.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kiet-tac-cua-danh-hoa-nhat-ban-katsushika-hokusai-den-voi-nguoi-yeu-nghe-thuat-viet-nam-post752223.html