Kiều hối đổ vào bất động sản
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt đã phần nào thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài và Việt kiều lựa chọn rót vốn vào ngành bất động sản nhất là loại hình căn hộ chung cư.
Báo cáo của CBRE Việt Nam vừa công bố đã chỉ ra những con số đáng chú ý về người mua nhà tại Việt Nam.
Dòng tiền nước ngoài đổ vào địa ốc
Báo cáo dẫn số liệu từ Bộ Xây dựng, có hơn 3.000 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam từ năm 2015 đến quý III/2023. Bên cạnh đó, qua số lượng giao dịch thành công từ CBRE Việt Nam, 90% người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam lựa chọn căn hộ chung cư để đổ tiền vào. Trong số này, 75% lượng khách đến từ các nước châu Á phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đáng chú ý, trong số này, CBRE nhận thấy có tới 60% khách hàng mua chung cư không phải để ở mà đầu tư chờ tăng giá – một tín hiệu cho thấy sức hấp dẫn của bất động sản Việt Nam. Một số ít chủ đầu tư sẽ cho thuê trong khi chờ tăng giá, trong khi nhu cầu để ở không nhiều.
Lý giải nguyên nhân xu hướng này, CBRE cho biết khoảng cách địa lý gần gũi, hay sự hiện diện của các chủ đầu tư bất động sản đến từ chính các nước này đã góp phần khuyến khích người mua nhà. Đặc biệt, tiềm năng tăng giá mạnh ở thị trường nhà ở Việt Nam với nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu cao cũng là một lý do.
Ngoài dòng tiền từ các nước lân cận, lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam thời gian qua cũng đón nhận tín hiệu tích cực từ dòng vốn kiều hối đang có xu hướng gia tăng.
Ông Peter Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, có khoảng 600 - 700 nghìn doanh nhân với trí thức trình độ cao, trong đó nhiều người (đặc biệt là từ 60 tuổi trở lên) có mong muốn trở về quê hương để sinh sống, đầu tư kinh doanh và gắn bó với đất nước. Do đó, nhu cầu sở hữu căn nhà ở quê hương để quay về hoặc ở lại làm việc, kinh doanh của người Việt kiều là vô cùng lớn.
Thống kê của Bộ Xây dựng chỉ ra, có khoảng 4 triệu người (bao gồm cả người nước ngoài và người Việt kiều) đang có ý định mua nhà ở Việt Nam trong tương lai. Không chỉ gửi ngoại tệ về cho gia đình tại Việt Nam như những năm qua, Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới đang ngày càng quan tâm tới đầu tư về Việt Nam, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Con số này được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục tăng lên khi Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm trên toàn cầu nhờ tiềm năng và lợi thế của mình.
Trông cậy vào dòng kiều hối sau Luật mới
Từ năm 2015, Chính phủ đã bắt đầu tháo gỡ các rào cản để người nước ngoài có thể sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Kể từ đó, khách hàng đến từ các khu vực châu Á, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan trở thành những nhóm nhà đầu tư lớn trên thị trường nhà ở Việt Nam.
Với những điều chỉnh mới trong Luật Đất đai sắp có hiệu lực, nguồn vốn Việt kiều cũng có cơ hội được bổ sung thêm cho thị trường sau thời gian dài im ắng.
Theo đó, Luật Đất đai năm 2024 đã quy định người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam, nhằm khuyến khích cũng như góp phần thúc đẩy đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào trong nước. Đồng thời, các quy định mới cũng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Cụ thể, tại Điều 4 của Luật Đất đai 2024 quy định về người sử dụng đất được bổ sung nhóm gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam. Theo đó, nhóm này sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài (người còn quốc tịch Việt Nam).
Liên quan đến vấn đề này, TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế cho biết, trước đây, đối với những người Việt ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam sẽ không được quyền như người có quốc tịch Việt Nam. Song với quy định mới trong Luật Đất đai 2024 đã tạo điều kiện cho nhóm người Việt kiều đầu tư, mua nhà ở. Điều này được xem là hợp lý khi dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI đang chảy mạnh vào thị trường, lượng người nước ngoài đến sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam cũng tăng lên hằng năm.
Tại Điều 28 của Luật Đất đai 2024 cũng quy định, người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà (luật hiện hành không có những quy định này).
Ngoài ra, Điều 41 và Điều 46 của Luật Đất đai 2024 quy định, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhà nước cho thuê đất, được bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sang nhượng thứ cấp, tạo cơ chế linh hoạt hơn cho thị trường bất động sản.
Nhận định về những thay đổi của luật mới, ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng sự thay đổi này sẽ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn cho nhóm người mua bất động sản Việt Kiều.
“Thay đổi này cũng tạo tiềm năng lớn cho thị trường nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều. Trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân hoặc họ hàng, vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Luật mới sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư”, ông Troy Griffiths nói.
Theo Vi Anh/Diendandoanhnghiep.vn
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kieu-hoi-do-vao-bat-dong-san.html