Kim Bon nỗ lực giảm nghèo

Trở lại xã Kim Bon, một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên. Trong cái giá lạnh mùa đông, chúng tôi càng cảm thêm về những khắc nghiệt của thời tiết nơi đây. Vượt qua cách trở về giao thông, điều kiện thời tiết, khí hậu, đất đai, phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương ở đây đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo, bước đầu đã có những hiệu quả đáng khích lệ.

Người dân bản Suối Bương, xã Kim Bon (Phù Yên) chuyển đổi nương ngô sang trồng cây tếch.

Người dân bản Suối Bương, xã Kim Bon (Phù Yên) chuyển đổi nương ngô sang trồng cây tếch.

Kim Bon có trên 5.700 ha đất tự nhiên, 1.088 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông và Dao sinh sống. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 1.900 ha, nhưng có độ dốc lớn, qua nhiều năm canh tác, các loại cây lương thực ngắn ngày như ngô, lúa nương theo phương thức cũ, nên đa phần đất đã bạc màu, năng suất thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến hộ nghèo của xã còn cao. Trăn trở tìm hướng thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn bạc trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để tăng thu nhập cho người dân.

Đồng chí Bàn Văn Châu, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Từ điều kiện thực tế, xã đã nghiên cứu khảo nghiệm trồng cây gai xanh ở một số bản; tận dụng lợi thế về các phiêng bãi để đầu tư chăn nuôi đại gia súc, hướng tới phát triển chăn nuôi trang trại tập trung; mở rộng trồng các loại cây lâm nghiệp; kết nối với các doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động địa phương. Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, các tổ chức đoàn thể trong xã đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân trên 7,5 tỷ đồng cho 279 hộ vay vốn phát triển sản xuất.

Trong năm 2021, người dân Kim Bon đã chuyển đổi trên 268 ha trồng ngô sang trồng sắn cao sản, nâng tổng diện tích trồng sắn lên gần 560 ha. Duy trì chăm sóc trên 55 ha các loại cây ăn quả hiện có như chuối, chanh leo. Ngoài ra, bà con tận dụng diện tích đất đồi trồng khoảng 40 ha cây tếch lai và cây keo. Với lợi thế có nhiều phiêng bãi tự nhiên, phù hợp phát triển chăn nuôi đại gia súc, xã Kim Bon hướng dẫn nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Hiện đàn đại gia súc của xã đạt trên 7.000 con, cao nhất toàn huyện, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Đến thăm mô hình chăn nuôi đại gia súc của gia đình ông Giàng A Ken, bản Kim Bon, một trong những hộ chăn nuôi tiêu biểu của xã, ông Ken chia sẻ: Gia đình tôi được vay 50 triệu đồng tiền vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi đã mua 3 con trâu chăn nuôi theo hình thức nuôi vỗ béo. Gia đình xuất bán 2 con trâu, mỗi con lãi khoảng 15 triệu đồng. Số tiền này, tôi mua 1 con trâu giống nhằm từng bước nhân đàn. 3 năm sau, gia đình tôi đã trả hết nợ. Đến nay, gia đình có 17 con trâu, bò, riêng tiền bán trâu, bò hàng năm được hơn 100 triệu đồng.

Những năm gần đây, xã Kim Bon còn phối hợp với các đơn vị, công ty để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Kim Bon hiện có hơn 700 người đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trò chuyện với chúng tôi, anh Bàn Văn Kèo, bản Suối Bương, chia sẻ: Tôi làm công nhân ở khu công nghiệp An Dương, thành phố Hải Phòng với mức lương từ 7-8 triệu đồng/tháng, trừ các khoản sinh hoạt phí, tiền thuê nhà, dành dụm được hơn 3 triệu đồng.

Kim Bon đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 40%. Cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây, Kim Bon mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành để giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/kim-bon-no-luc-giam-ngheo-46768