'Kim cương máu' - bước cản ngành công nghiệp đá quý Nga vì xung đột ở Ukraine
Trong khi bị cáo buộc sử dụng tiền thu về từ khai thác kim cương tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine, Nga khẳng định phương Tây chỉ cố chính trị hóa vấn đề.
Cuộc xung đột Ukraine phần nào cho thấy sự phụ thuộc vào toàn cầu vào dầu khí Nga, nhưng Moskva còn nắm trong tay một vũ khí lợi hại khác là kim cương.
Nga là nhà cung cấp kim cương nhỏ lớn nhất thế giới. Trong nhiều năm, những viên kim cương trong nhẫn đính hôn, hoa tai và mặt dây chuyền được bán ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới được khai thác từ sâu trong lớp băng vĩnh cửu ở đông bắc nước Nga.
Hiện tại, Mỹ và nhiều quốc gia khác đang tìm cách dán nhãn kim cương Nga là "kim cương xung đột", cáo buộc loại đá quý này tài trợ cho chiến dịch của Moskva tại quốc gia láng giềng.
"Tiền thu được từ hoạt động sản xuất đó đang mang lại lợi ích cho quốc gia đang phát động một cuộc chiến tranh", George Cajati - quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ viết trong lá thư gửi cho chủ tịch của Quy trình Kimberley - tổ chức quốc tế được thành lập bởi được thành lập bởi nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm ngăn chặn dòng chảy của các viên "kim cương xung đột".
Kim cương xung đột
EU, Canada và các quốc gia phương Tây khác cùng Ukraine và một số tổ chức hoạt động gần đây kêu gọi tổ chức một cuộc thảo luận Quy trình Kimberley về tác động của của cuộc xung đột Ukraine, bao gồm cả việc có nên coi ngành công nghiệp đá quý của Nga là 'kim cương xung đột' không.
Kim cương xung đột, hay còn gọi là 'kim cương máu' là loại đá quý được bán để tài trợ cho chiến tranh.
Quy trình Kimberley được thành lập sau khi kim cương xung đột được sử dụng để cung cấp kinh phí cho cuộc chiến ở Sierra Leone và những nơi khác.
Về phần mình, giới chức Nga kịch liệt phản đối việc gọi kim cương của nước này là "kim cương xung đột". Một tuyên bố được gửi qua email từ cơ quan báo chí của Bộ Tài chính Nga khẳng định phương Tây chỉ đang chính trị hóa tình hình.
Vấn đề này tiếp tục gây tranh cãi khi Nga hạn chế xuất khẩu khí đốt cho châu Âu và các nước phương Tây đang tìm kiếm các giải pháp thay thế lâu dài để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Nguồn thu từ các mặt hàng xuất khẩu khác của Nga, chẳng hạn như kim cương dường như đang làm ảnh hưởng tới nỗ lực trừng phạt của phương Tây với quốc gia này, theo New York Times.
Theo số liệu của chính phủ Mỹ, đá quý là một trong những mặt hàng xuất khẩu phi năng lượng hàng đầu của Nga, chiếm hơn 4,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm ngoái. Trong nhiều năm, kim cương Nga rất được các nhà kim hoàn Mỹ ưa chuộng.
Thực tế trong nhiều năm qua, các thương lái vẫn tìm cách trấn an bên mua rằng các viên đá quý của họ đáng tin cậy thông qua chứng nhận Quy trình Kimberley.
"Chúng tôi sử dụng Quy trình Kimberley như một cỗ máy tẩy xanh tốt nhất mà thế giới từng thấy", Martin Rapaport - nhà môi giới kim cương hàng đầu cho hay.
Tẩy xanh - được hiểu là một hình thức quảng cáo xanh - là quá trình truyền đạt một ấn tượng sai lệch hoặc cung cấp thông tin sai lệch để đánh bóng thương hiệu.
Các quan chức Nga khẳng định kim cương của nước này phù hợp với các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội từ lâu trước khi chúng trở nên nổi tiếng và được ưa chuộng. Họ khẳng định các mỏ khai thác của Nga đóng góp vào nền kinh tế của Yakutia, một khu vực hoang vắng ở vùng Viễn Đông.
Trong một email, Bộ tài chính Nga cho biết số tiền thu được từ kim cương được dùng để mở đường, xây dựng trường học, bệnh viện và các nhà đầu tư tư nhân hoặc tới từ các tổ chức là bên chi trả các khoản thanh toán.
“Sinh kế của một triệu người dân Yakutia hoàn toàn phụ thuộc vào sự ổn định của hoạt động khai thác kim cương trong khu vực", Bộ này cho hay.
Lỗ hổng trừng phạt
Nhưng giới chức Ukraine lại khẳng định kim cương có liên quan tới chiến dịch quân sự của Moskva.
“Kim cương Nga tham gia vào việc tài trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Điều này khiến chúng không chỉ là kim cương xung đột mà còn là những viên kim cương đẫm máu", Vladimir Tatarintsev - Phó Giám đốc Trung tâm Đá quý Ukraine, một thành viên của Quy trình Kimberley cho hay.
Các quan chức phương Tây đưa ra các tuyên bố tương tự.
Vào ngày Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ bổ sung vào danh sách trừng phạt tên của Serge S. Ivanov, giám đốc điều hành của Alrosa - nhà sản xuất kim cương lớn nhất của Nga và là công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới. Ivanov là con trai một trong những đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Vladimir Putin.
Sau đó, Washington cấm nhập khẩu kim cương của Nga cùng với rượu vodka, trứng cá muối và các mặt hàng khác.
Nhưng lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ áp dụng cho kim cương thô của Nga, loại đá quý được đào từ lòng đất nhưng vẫn chưa được cắt và làm sáng bóng. Trên thực tế, rất ít kim cương thô từ Nga đến được thị trường Mỹ.
Sau khi được đưa ra khỏi mặt đất, hầu hết kim cương được chuyển ra nước ngoài để chế biến, bất kể chúng được khai thác ở đâu. Điểm đến cuối cùng của chúng thường là các trung tâm đánh bóng ở Ấn Độ, nơi không có lệnh cấm với kim cương Nga.
Một khi những viên kim cương được chế biến và sẵn sàng vận chuyển, nguồn gốc của chúng sẽ thay đổi. Kim cương được khai thác ở Nga không còn là kim cương có nguồn gốc từ Nga, chúng được dán nhãn xuất xứ từ Ấn Độ.
Đầu tháng 4, Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với Alrosa - công ty khai thác kim cương khổng lồ từ Nga, cấm công dân Mỹ kinh doanh với công ty này. Canada, Anh, New Zealand và Bahamas sau đó cũng có hành động tương tự.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lệnh cấm này không thể khép lại lỗ hổng và để ngỏ cửa để các công ty con của Alrosa có thể tìm cách đưa những viên kim cương được cắt và đánh bóng ở nước ngoài vào Mỹ. Alrosa vẫn có thể bán kim cương tự do tại các thị trường lớn khác như Trung Quốc, quốc gia không có hành động chống lại đá quý của Nga.
Bản thân Alrosa khẳng định công ty này tập trung vào các vấn đề môi trường, xã hội và tuân thủ các tiêu chuẩn cao nhất về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Nhiều năm qua, Nga nằm trong số các quốc gia thúc đẩy Quy trình Kimberley mở rộng định nghĩa về kim cương xung đột. Nhưng nỗ lực này bị đình trệ bởi bất cứ quyết định nào của tổ chức này đều cần phải có sự đồng thuận của 80 quốc gia thành viên.
Cuộc xung đột ở Ukraine cũng đang gây chia rẽ giữa các nước thành viên của Quy trình Kimberley.
Tại cuộc họp hồi tháng 6 ở Botswana, các cuộc thảo luận về cuộc xung đột Ukraine và tác động của nó đối với Quy trình Kimberley đã kết thúc sau khi Nga, Trung Quốc và Belarus bỏ phiếu phủ quyết.
Một số người tham gia cho biết các nhà báo được yêu cầu rời các phiên họp mà họ thường được phép tham dự và các cuộc thảo luận trở nên rối ren với những tranh cãi về việc Nga có nên tham gia hay không. Các đại diện của Mỹ và Anh đã tẩy chay các phiên họp do đại diện Nga làm chủ trì.
Vài tháng trước, căng thẳng tương tự được ghi nhận tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo ngành kim cương ở New York, nơi các nhà kinh doanh và thợ kim hoàn lâu năm làm việc với các đối tác Nga tới với tâm thế không thoải mái khi phải xa rời những viên đá quý của Moskva.
Dù vậy, gần như tất cả mọi người tham dự đều đồng ý rằng bằng cách này hay cách khác, ngành công nghiệp này cần phải cải cách.