Kim Động đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Thời gian qua, huyện Kim Động đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Toàn huyện có hơn 7.500ha diện tích đất nông nghiệp. Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa khoảng 1.800ha, đất bãi trên 600ha… trong đó, cây ăn quả khoảng 1.500ha, cây hàng năm trên 200ha, diện tích trồng lúa kết hợp nuôi thả thủy sản trên 10ha. Giá trị thu nhập bình quân 1ha canh tác đạt trên 210 triệu đồng/năm. Hiện nay, nhiều diện tích cấy lúa, trồng ngô, đỗ thu nhập thấp đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả như nhãn, vải, cam, bưởi... cho thu nhập cao hơn nhiều so với trước. Năm 2022, diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt trên 1.800ha; cây dược liệu, rau màu ngày càng được nông dân ở các địa phương mở rộng diện tích, cho thu nhập khá. Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản tiếp tục phát triển mạnh về số lượng, chất lượng. Hiện nay, đàn trâu, bò của huyện có trên 4.670 con, đàn lợn có trên 27.000 con, đàn gia cầm trên 860.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 4.000 tấn, sản lượng trứng đạt trên 35.000 quả. Bên cạnh đó, diện tích nuôi thả thủy sản là 309ha, sản lượng đạt trên 1.000 tấn.
Sự phát triển, hình thành các vùng chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được thể hiện rõ nét trong trang trại của nông dân. Đến nay, toàn huyện có trên 1.000 gia trại, trang trại; 35 hợp tác xã (HTX) và 54 tổ hợp tác lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, có gần 200 trang trại đạt tiêu chí, sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Huyện chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân… Qua đó, nhiều mô hình trang trại, gia trại, HTX mang lại hiệu quả kinh tế cao, được địa phương duy trì và nhân rộng như: Sản xuất rau màu an toàn, chăn nuôi an toàn sinh học... Từ đó, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản xuất.
Từ những chủ trương, định hướng phù hợp trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, một số địa phương trong huyện hình thành vùng chuyên canh cho hiệu quả cao, những mô hình trang trại, gia trại phát triển cung cấp sản phẩm nông nghiệp dồi dào cho thị trường. Tiêu biểu như các mô hình vùng chuyên canh cây ăn quả trên địa bàn các xã Đồng Thanh, Song Mai, Hùng An…; trồng rau màu tại các xã Vĩnh Xá, Vũ Xá, Phú Thịnh…; trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản tại các xã Song Mai, Ngọc Thanh… Trong chăn nuôi cũng hình thành những điểm chăn nuôi tập trung xa khu dân cư như khu chăn nuôi tại các xã Chính Nghĩa, Phạm Ngũ Lão, Đức Hợp, Nhân La…
Dựa vào thế mạnh của địa phương, anh Phạm Duy Hùng ở xã Đồng Thanh lựa chọn mô hình sản xuất tổng hợp để phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, anh Hùng đã chuyển đổi gần 1 mẫu đất cấy lúa sang làm trang trại trồng bưởi và thả cá. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ những hộ dân trong xã, cùng với tinh thần chịu khó, đầu tư đúng hướng nên mô hình sản xuất của anh mang lại hiệu quả kinh tế cao, trung bình mỗi năm, anh thu lãi trên 100 triệu đồng. Anh Hùng chia sẻ: Trong thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục mở rộng diện tích đất trang trại, đồng thời, thường xuyên chiết cành bán cho các hộ có nhu cầu, để nhân rộng giống cây trồng có chất lượng cao, phát triển kinh tế.
Anh Trịnh Ngọc Tiệp, Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ thương mại nhãn thương hiệu và hoa công nghệ cao Trịnh Tiệp tại xã Ngọc Thanh cho biết: Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng diện tích trồng nhãn và hoa, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất bảo đảm an toàn đầu ra sản phẩm; tăng cường giới thiệu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời, tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giúp các thành viên HTX yên tâm sản xuất, tạo ra những sản phẩm có chất lượng ngày một tốt hơn phục vụ người tiêu dùng.
Việc người nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn góp phần mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, huyện tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, gắn phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng. Ngoài ra, huyện khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, nhân rộng các mô hình có tiềm năng phát triển các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.