Kim Sơn: 'Cú hích' sáp nhập tạo đà phát triển kinh tế và gắn kết lòng dân

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ năm 2020 đến nay, huyện Kim Sơn đã hoàn thành 2 lần sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Quá trình này không chỉ hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước mà còn mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển của địa phương.

Cán bộ tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân. Ảnh: Đức Lam

Cán bộ tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân. Ảnh: Đức Lam

Năm 2020, khi các địa phương khác trong tỉnh vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, Kim Sơn đã chủ động thực hiện sắp xếp lại một số đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Huyện đã tiến hành sáp nhập xã Xuân Thiện và xã Chính Tâm thành xã Xuân Chính; sáp nhập 3 xóm (xóm 1, 2, 3) của xã Yên Mật vào xã Kim Chính; sáp nhập 2 xóm (xóm 4, 5) của xã Yên Mật vào xã Như Hòa. Tiếp nối thành công đó, đầu năm 2025, huyện tiếp tục tiến hành sáp nhập xã Lưu Phương vào thị trấn Phát Diệm; sáp nhập xã Kim Hải vào thị trấn Bình Minh.

Qua hai đợt sắp xếp, từ năm 2020 đến nay, huyện Kim Sơn đã giảm từ 27 xuống còn 23 đơn vị hành chính cấp xã. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của huyện, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự quyết tâm cao của lãnh đạo địa phương.

Đồng chí Trần Viễn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kim Sơn nhấn mạnh: Chúng tôi xác định sắp xếp không chỉ là phép cộng cơ học về mặt hành chính mà là chìa khóa để giải phóng tiềm năng, nâng cao chất lượng quản lý và phục vụ Nhân dân. Thực tế cho thấy, việc sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ giúp các xã, thị trấn của huyện Kim Sơn mở rộng diện tích tự nhiên và tăng quy mô dân số, đáp ứng các quy định hiện hành, mà còn tạo thêm dư địa phát triển, tạo động lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện và nâng cao đời sống người dân. Quý I/2025, tổng vốn đầu tư trên địa bàn huyện ước đạt 105.960 triệu đồng, tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 13,6 triệu USD, và thu ngân sách nhà nước ước đạt 107.838 triệu đồng, tương đương 25,83% dự toán tỉnh giao.

Bên cạnh đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn và an ninh tôn giáo trên địa bàn huyện được giữ vững. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ sau sắp xếp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc trong bối cảnh mới. Đến nay, huyện Kim Sơn không ghi nhận ý kiến khiếu kiện, khiếu nại nào liên quan đến quá trình sắp xếp đơn vị hành chính. Cán bộ và Nhân dân trên địa bàn thể hiện sự đoàn kết, đồng lòng, cùng nhau nỗ lực trong lao động và sản xuất, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững và toàn diện của huyện.

Đồng chí Trần Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phát Diệm chia sẻ: Sau khi sáp nhập xã Lưu Phương vào thị trấn Phát Diệm từ ngày 1/1/2025, bám sát chỉ đạo của cấp trên, Đảng ủy, chính quyền thị trấn Phát Diệm mới đã nhanh chóng ổn định tổ chức, phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực của từng cán bộ, tạo điều kiện để đội ngũ yên tâm công tác. Đồng thời, quan tâm tạo môi trường thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đảm bảo an ninh trật tự và nâng cao đời sống văn hóa. Nhờ đó, đa số Nhân dân trên địa bàn đều đồng thuận và ủng hộ chủ trương, tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền thị trấn, cùng nhau thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt kết quả tích cực ngay trong quý I/2025, như tuyển quân vượt kế hoạch, cải cách hành chính, thu ngân sách luôn đứng đầu huyện và kết nạp đảng viên đạt 70% kế hoạch năm 2025.

Tại xã Kim Chính, địa phương được mở rộng địa giới hành chính khi sáp nhập 3 xóm của xã Yên Mật cũ cũng chứng kiến những thay đổi tích cực, tạo ra sức sống mới cho vùng quê. Một trong những dấu ấn nổi bật là tuyến đường kết nối trung tâm xã với các xóm mới được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 7 tỷ đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và giao thương.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, chính quyền xã Kim Chính luôn quan tâm đến đời sống của cả người dân cũ và người dân mới sáp nhập, xóa bỏ mọi rào cản tâm lý; mọi ý kiến thắc mắc của người dân đều được giải thích cặn kẽ, thấu tình đạt lý… qua đó, đã tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Đồng chí Hoàng Văn Phong, Bí thư Đảng ủy xã Kim Chính khẳng định: Việc mở rộng địa giới hành chính đã mang lại động lực và sức mạnh mới cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bằng việc khai thác tối đa nguồn lực nội tại và nhận được sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, Kim Chính đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Ông Nguyễn Văn Hoàn (xóm 11, xã Kim Chính, nguyên là người dân xã Yên Mật) bày tỏ sự phấn khởi trước những đổi thay tích cực sau sáp nhập: Từ khi sáp nhập, chúng tôi cảm nhận rõ sự sát sao của chính quyền địa phương. Các vấn đề dân sinh như giao thông được cải thiện, kiến nghị được giải quyết nhanh chóng. Người dân chúng tôi được tạo điều kiện để phát triển kinh tế, không còn cảm giác xa lạ hay bị cô lập. Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cũng được đảm bảo tốt, giúp chúng tôi yên tâm sinh sống.

Cùng chung niềm vui, chị Nguyễn Thị Hà (xóm 5, xã Kim Chính) phấn khởi cho biết: Từ ngày sáp nhập, đường sá được khang trang hơn, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho con cháu đến trường mà còn giúp việc buôn bán của gia đình phát đạt hơn. Những lời chia sẻ mộc mạc này cho thấy việc sắp xếp đơn vị hành chính đã mang lại những lợi ích thiết thực, đi vào cuộc sống của người dân, củng cố thêm sự đồng thuận và ủng hộ từ cộng đồng. Có được thành công trên, trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện Kim Sơn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả.

Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động được quan tâm hàng đầu. Huyện đã triển khai đồng bộ nhiều hình thức tuyên truyền, từ họp dân đến thông tin trên các phương tiện truyền thông, giải thích cặn kẽ về mục tiêu, ý nghĩa và lợi ích lâu dài của việc sắp xếp. Lắng nghe và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, đảm bảo công khai, minh bạch trong mọi quyết định.

Việc sắp xếp, bố trí cán bộ cũng được Kim Sơn thực hiện một cách bài bản, khoa học. Huyện tiến hành rà soát năng lực, trình độ của từng cán bộ, công chức để có phương án bố trí phù hợp với vị trí việc làm mới, đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với cán bộ dôi dư hoặc phải điều chuyển công tác, đảm bảo sự ổn định về tư tưởng và đời sống. Cùng với đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí cán bộ thường trực, tăng cường giải quyết thủ tục hành chính tại chỗ, ứng dụng công nghệ thông tin để tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động hành chính thông suốt.

Huyện cũng đặc biệt chú trọng đến việc tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế thông qua việc hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân.

Đồng thời, các chính sách an sinh xã hội được rà soát và thực hiện đầy đủ, đảm bảo đời sống của các đối tượng yếu thế không bị ảnh hưởng. Huyện cũng tăng cường các hoạt động văn hóa, thể thao để gắn kết cộng đồng và giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn…

Đồng chí Trần Viễn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kim Sơn, cho biết thêm: Kinh nghiệm cho thấy, để việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đạt hiệu quả thực chất, sự đoàn kết và thống nhất trong chỉ đạo, điều hành của đội ngũ lãnh đạo trong toàn hệ thống chính trị là vô cùng quan trọng. Đồng thời, phải xác định công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 18-NQ/TW, các kế hoạch của Trung ương, Tỉnh ủy và Huyện ủy về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy là then chốt để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm cao trong toàn hệ thống chính trị.

Đặc biệt, việc quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, rà soát trình độ, năng lực để bố trí công việc phù hợp, cùng với việc vận động cán bộ nghỉ hưu trước tuổi một cách hợp lý là rất quan trọng.

Quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy phải luôn đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, được nghiên cứu kỹ lưỡng, bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy định; lắng nghe và phân tích thấu đáo mọi ý kiến, bởi việc này có tác động không nhỏ đến tâm tư của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và Nhân dân. Khi đã có kế hoạch của cấp ủy, các cơ quan, đơn vị phải chủ động tham mưu xây dựng đề án sắp xếp một cách khoa học, cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình rõ ràng, xác định rõ mục tiêu, hiệu quả, nguồn lực và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, gắn với vai trò của người đứng đầu.

Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng, đặc biệt là những người thuộc diện tinh giản biên chế, là yếu tố không thể thiếu. Cuối cùng, việc thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và động viên, nhắc nhở các đơn vị trong quá trình thực hiện Nghị quyết cũng đóng vai trò quyết định vào sự thành công chung.

Thời gian tới, huyện Kim Sơn sẽ tiếp tục thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo lộ trình, đồng thời sẵn sàng, chủ động chuẩn bị cho mô hình chính quyền 2 cấp. Với những kinh nghiệm quý báu đã tích lũy, Kim Sơn đang vững bước trên con đường xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân.

Kiều Ân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/kim-son-cu-hich-sap-nhap-tao-da-phat-trien-kinh-te-va-gan-173790.htm