Kim Thạch, vùng quê khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới

Đến với xã Kim Thạch, nơi được cho là phát tích của ký ức 'ăn cơm bữa diếp' trên đất Vĩnh Linh ngót hơn 50 năm trước vào lúc sáng sớm, dạo một vòng quanh chợ Thủy Cần, ngôi chợ quê được hình thành lâu đời, mang đặc trưng tự cung, tự cấp với nhiều sản phẩm do chính bàn tay cần mẫn của người dân địa phương làm ra, chúng tôi cảm nhận được sức sống mãnh liệt của vùng quê khởi sắc từ xây dựng nông thôn mới.

 Đường vào xã Kim Thạch hôm nay - Ảnh: N.X.O

Đường vào xã Kim Thạch hôm nay - Ảnh: N.X.O

Chúng tôi gặp ông Dương Văn Lý (80 tuổi) nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim (nay là xã Kim Thạch) để tìm hiểu thêm về câu chuyện “cơm bữa diếp”. Nhấp ngụm chè xanh, ông Lý kể: Câu chuyện “ăn cơm bữa diếp” từng tồn tại một thời gian dài và xuất phát từ vùng quê nghèo ngày xưa của làng Thủy Cần. “Cơm bữa diếp” là cách nói của người dân địa phương chỉ xuất hiện và lưu truyền duy nhất ở huyện Vĩnh Linh thời quá khứ đói nghèo, cứ ba ngày mới có một bữa cơm hấp toàn sắn.Thời kháng chiến chống Pháp, cuộc sống của người dân vùng quê Kim Thạch vốn đã khó khăn lam lũ, lại càng nghèo đói hơn khi thực dân Pháp kéo quân về đóng đồn ở Thủy Cần. Chúng áp dụng chính sách “tam quang” đốt sạch, giết sạch, phá sạch làm cho Kim Thạch tiêu điều, xơ xác, chìm trong cảnh nghèo đói đến cùng cực…

Sau năm 1954, cùng với miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cán bộ Nhân dân Kim Thạch đã tích cực tham gia vào hợp tác xã làm ăn tập thể cùng nhau xây dựng lại quê hương. Sự đói khổ của vùng quê “ăn cơm bữa diếp” ngày ấy được Đảng và Bác Hồ quan tâm, động viên, chia sẻ. Biết Kim Thạch là địa phương nghèo khó, Nhân dân phải ăn cơm bữa diếp, nhưng đã đoàn kết phấn đấu xây dựng phát triển sớm trở thành một xã có phong trào hợp tác hóa điển hình của nông thôn miền Bắc, Bác Hồ đã tặng một chiếc máy cày hiệu ZTO-25. Chiếc máy cày Bác Hồ tặng đã theo người dân xã Kim Thạch trong lao động sản xuất, tạo nên một luồng sinh khí mới trong nếp nghĩ, cách làm của cán bộ và Nhân dân địa phương. Chiếc máy cày Bác tặng cũng đã đồng cam cộng khổ với người dân trong suốt cuộc hành trình vượt mọi khó khăn, gian khổ để xây dựng quê hương.

Sau năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Vĩnh Linh nói chung, xã Kim Thạch nói riêng chìm trong biển lửa. Suốt 8 năm chiến tranh phá hoại, bom đạn Mỹ cày xới xã Kim Thạch từng ngày. Toàn xã có gần 1.000 nóc nhà, sau chiến tranh chỉ còn lại dưới 10 nhà không nguyên vẹn. Từ 1965 đến 1972 giặc Mỹ đã trút xuống Kim Thạch rất nhiều bom đạn. Bình quân mỗi người dân phải gánh chịu khoảng 9,6 tấn bom đạn, 1 ha đất phải chịu tới 280 quả bom đạn. Người dân Kim Thạch lại đào địa đạo, hầm hào trú ẩn, cất giấu vũ khí, lương thực, thực phẩm chuẩn bị cho công tác chiến đấu, phục vụ chiến đấu với hệ thống hầm hào, địa đạo dài hàng chục ki lô mét... Trong giai đoạn chiến tranh leo thang phá hoại của giặc Mỹ, Kim Thạch trở thành điển hình của phong trào xây dựng nông thôn ở miền Bắc, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Truyền thống quê hương 2 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng là động lực thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ của cán bộ, Nhân dân trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đi lên cùng cả nước.

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, đã thúc đẩy sự quyết tâm của cán bộ, Nhân dân xã Kim Thạch xây dựng nông thôn mới trên toàn xã và đã sớm đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2014, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 1997 - 2020. Đảng ủy, UBND xã đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tiến hành phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách bám sát từng lĩnh vực, từng tiêu chí cụ thể để triển khai thực hiện tại 22 thôn, với 1.741 hộ, 6.794 nhân khẩu trên tổng diện tích đất tự nhiên 22,82 km2 . Xã chỉ đạo tập trung khai thác thế mạnh của vùng đất đỏ ba dan và vùng biển bãi ngang, phát triển cây công nghiệp dài ngày và các loại cây ngắn ngày cũng như khai thác thủy, hải sản; đầu tư sản xuất theo hướng hữu cơ và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi trên các loại cây, con chủ lực như cây hồ tiêu, ném, bò, lợn, gà; nuôi trồng và khai thác thủy sản; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ như mộc, nề, cơ khí, kinh doanh, dịch vụ... Vận động con em tham gia xuất khẩu lao động, học nghề và vào làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh để tăng thêm thu nhập. Đến nay thu nhập trên địa bàn xã đạt 45 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 2,94% xuống còn 2,39%.

Hơn 10 năm qua, bằng sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước, sự đóng góp của cán bộ, Nhân dân địa phương và con em xa quê, địa phương đã huy động được nguồn kinh phí trên 119 tỉ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới như bê tông hóa 48,8 km đường liên thôn và gần 82 km đường nội đồng; hệ thống điện thắp sáng đường quê tại 22/22 thôn với chiều dài 38,5 km, cùng với 6 cổng chào gắn đèn LED, là một trong các đơn vị đi đầu trong phong trào “Thắp sáng đường quê” của huyện Vĩnh Linh. Hệ thống trường học, trạm xá và chất lượng giáo dục, khám, chữa bệnh được nâng cao. Trường Tiểu học Kim Thạch và Trường Mầm non số 2 Kim Thạch đạt tiêu chuẩn giáo dục cấp độ 3 và đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Tỉ lệ học sinh ở các cấp học đến trường đạt 100%; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,47%. Số người dân tham gia BHYT đạt 95,05%. Tỉ lệ gia đình văn hóa trong toàn xã đạt 97%. Để làm tốt công tác tuyên truyền, xã đã đầu tư xây dựng 10 cụm pa nô tại các khu trung tâm, 22 bảng tin, 150 áp phích tại 22 thôn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. 22/22 thôn đã xây dựng mô hình khu dân cư an toàn về an ninh trật tự và liên gia bảo vệ tài sản ngoài trời. Toàn xã không có khiếu nại, tố cáo đông người, không có đơn thư vượt cấp, không để xảy ra tội phạm nghiêm trọng, không phát sinh người mắc tệ nạn xã hội.

Bí thư Đảng ủy xã Kim Thạch Nguyễn Đức Điền cho biết: Đến nay Kim Thạch đã hoàn thành 12/12 tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và đang lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện Đảng ủy xã tiếp tục chỉ đạo chính quyền và UBMTTQ xã rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chí, phát huy tiềm năng lợi thế của xã, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xây dựng các mô hình kinh tế gắn với sản xuất sản phẩm chủ lực và sản phẩm sạch; làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, an ninh chính trị ổn định, xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể đạt trong sạch vững mạnh toàn diện.

Về vùng quê “cơm bữa diếp” năm xưa, chúng tôi thấy niềm vui của cán bộ và Nhân dân địa phương cũng như niềm vui của chính mình. Đạt được những thành tựu to lớn trên con đường xây dựng quê hương, các thế hệ cán bộ, Nhân dân xã Kim Thạch đã dồn cả tâm huyết, trí tuệ, mạnh dạn và quyết liệt để đổi mới tư duy, cách làm với khát vọng làm rạng rỡ truyền thống một vùng quê anh hùng, nơi mà đói nghèo xưa, nay chỉ còn trong ký ức.

Nguyễn Xuân Oanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=159250&title=kim-thach-vung-que-khoi-sac-tu-xay-dung-nong-thon-moi