Kinh Bắc đặt mục tiêu tham vọng cho năm 2023
Theo SSI Research, kế hoạch kinh doanh đầy lạc quan của Kinh Bắc dựa trên kỳ vọng bàn giao 250 ha đất khu công nghiệp, phần lớn ở KCN Quang Châu và Nam Sơn Hạp Lĩnh.
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HoSE: KBC) mới đây công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Theo đó, Kinh Bắc duy trì kế hoạch đã được thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường tổ chức cuối năm 2022 với 9.000 tỷ đồng doanh thu và 4.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt cao gấp 9,5 lần và 2,5 lần so với thực hiện của năm 2022.
Kế hoạch lợi nhuận và doanh thu cao khiến cổ đông quan ngại công ty khó có thể đạt được chỉ tiêu đề ra. Trả lời về vấn đề này, tại ĐHĐCĐ bất thường 2022, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Thu Hương cho biết chính bản thân bà cũng cảm nhận được áp lực, tuy nhiên đây là cột mốc để KBC phấn đấu.
“Kinh Bắc tại thời điểm hiện tại ở một vị thế khác so với 15 - 20 năm trước. Kinh Bắc của ngày hôm nay đã vươn tầm thế giới”, CEO Kinh Bắc nhận định. Bà cũng hy vọng trong năm 2023 sẽ thu hút thêm được các doanh nghiệp quốc tế hàng đầu về với công ty, đặc biệt là địa bàn Bắc Ninh, Bắc Giang.
Kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng của Kinh Bắc là hoàn toàn có cơ sở, khi trong 3 tháng đầu năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.223 tỷ đồng, tăng 221% so với cùng kỳ 2022, biên lãi gộp cũng được cải thiện từ 40% lên mức 70%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 123% lên 155 tỷ đồng, song chi phí tài chính lại giảm 9% xuống còn 132 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí khác, KBC báo lãi sau thuế hơn 1.056 tỷ đồng, cao gấp đôi so với quý 1/2022.
Theo báo cáo phân tích doanh nghiệp mới nhất của Trung tâm nghiên cứu SSI (SSI Research), tăng trưởng doanh thu trong quý 1 của Kinh Bắc chủ yếu đến từ doanh thu cho thuê đất công nghiệp tăng vọt 555%, đóng góp vào hầu hết cơ cấu doanh thu.
Cụ thể, KBC đã bàn giao tổng diện tích đất khu công nghiệp là 63,9ha (tăng 618% so với quý 1/2022), 84% trong số đó thuộc KCN Quang Châu (53,9ha, bàn giao cho Foxconn) và 10ha còn lại tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh.
Ngoài ra nhờ tỷ lệ lấp đầy tại các KCN tăng lên rõ nét, doanh thu từ mảng cho thuê nhà xưởng dịch vụ tuy chiếm tỷ trọng thấp trong tổng doanh thu (5,6%) nhưng cũng có mức tăng trưởng ấn tượng, tăng lần lượt 120,4% và 30,2% so với cùng kỳ.
Tính tới thời điểm đầu tháng 6/2023, KBC đã cam kết cho một số khách hàng thuê 170 ha, trong đó khách hàng lớn nhất là Goertek vừa khởi công xây dựng nhà máy mới trên diện tích đất thuê 62,7ha tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh vào đầu tháng 5.
Về quỹ đất công nghiệp, tính đến cuối năm 2022, KBC nắm 6.387 ha tổng diện tích đất trên toàn quốc (chiếm 5,2% tổng diện tích đất của các khu công nghiệp đã thành lập trên toàn quốc). Trong năm 2022, KBC đã tạo lập được quỹ đất công nghiệp mới lên đến 1.120 ha ở hai dự án tại Long An (KCN Lộc Giang và Tân Tập) và được phê duyệt mở rộng KCN Quang Châu.
Về quỹ đất đô thị, KBC có tổng diện tích đất khoảng 1.200 ha, trong đó khoảng 72% diện tích đã được giải phóng mặt bằng. Đối với dự án KĐT Phúc Ninh, công ty đã bán 12 ha với tổng giá trị hợp đồng tương đương 1.600 tỷ đồng nhưng phần lớn (78%) vẫn chưa được ghi nhận do quá trình thủ tục kéo dài. Do đó, KBC đặt mục tiêu đạt được các phê duyệt cần thiết để giao gần 10 ha trong năm 2023.
Mặc dù công ty khá tự tin trong việc ký kết hợp đồng cho thuê đất, SSI Research cho rằng vẫn có thể có rủi ro chậm giao đất do quá trình giải phóng mặt bằng và hoàn thiện thủ tục pháp lý có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến, và như vậy có thể ảnh hưởng đến khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh.
SSI Research dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2023 lần lượt đạt 7.700 tỷ và 2.700 tỷ đồng, thấp hơn so với kế hoạch của Kinh Bắc, chủ yếu do đơn vị này thận trọng hơn trong quá trình giả định về việc bàn giao đất 186 ha trong năm nay (so với kế hoạch của công ty là 250ha). Các chuyên gia cũng kỳ vọng KCN Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tân Phú Trung sẽ là động lực tăng trưởng trưởng lợi nhuận chính cho KBC trong năm nay.
Một tín hiệu tích cực khác trong bức tranh tài chính của Kinh Bắc là áp lực trả nợ đang giảm dần. Tính đến cuối tháng 3/2023, tổng số dư nợ của KBC là 6.400 tỷ đồng, giảm 16% so với thời điểm đầu năm.
Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều thách thức, KBC đã thực hiện mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn (đáo hạn 11/2024) vào tháng 3. Tới tháng 4, công ty tiếp tục mua lại trước hạn lô trái phiếu trị giá 1.000 tỷ đồng (đáo hạn 6/2023) và vừa mua lại trước hạn 342,7 tỷ đồng trong số 1,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành đại chúng. Như vậy, KBC đã thanh toán 70% số lượng trái phiếu đang lưu hành tính đến cuối 2022.