Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược: Phẩm phổ môn Bồ tát Quán Thế Âm (Phần cuối)
Nếu có người thọ trì giới luật, biên chép kinh Pháp Diệu pháp Liên Hoa, đọc tụng cho tới giải nói, phổ biến nghĩa lý của kinh này thì tâm chẳng còn dao động, không sinh sợ hãi, tâm chẳng còn vẩn đục thì không còn đọa vào bốn đường ác.
1. Bồ tát Quán Âm cứu nạn khổ trong thế giới Ta Bà
“Ta Bà” là tiếng Phạn, âm dịch là Sa Ha hay Sách Ha, dịch ra là kham nhẫn. Cõi Ta Bà (sahā-lokadhātu) nghĩa là thế giới chịu đựng, nhẫn giới. Đây là thế giới mà chúng sinh phải chịu đựng các phiền não, khổ sở.
“Phổ” là phổ biến, giáo hóa, “môn” là pháp môn, phẩm này nói về pháp môn niệm Bồ tát Quán Âm.
Vị Bồ tát Quán Âm thị hiện cứu khổ tám nạn (nạn khổ não, nạn lửa, nạn nước, nạn thú dữ, nạn đao binh, nạn quỷ ma, nạn gông cùm, nạn trộm cướp), có cầu tất ứng, giải ba thứ độc, vì lẽ đó mà Ngài được gọi là Quán Thế Âm, tức là quán chiếu âm thanh của thế gian. Ngài quán chiếu mọi âm thanh nhờ sự từ bi. “Từ” là ban vui, “bi” là cứu khổ.
Ba thứ độc của chúng sinh tức là tham, sân, si. Người nhiều tham, tụng niệm Bồ tát Quán Âm thì tự biết đường từ bỏ tham lam; người nhiều sân, tụng niệm Bồ tát Quán Âm thì tự giác biết sợ mà lìa khỏi tâm sân; người có nhiều si mê, niệm Bồ tát Quán Âm để dứt trừ si mê.
Tất cả pháp hữu vi trong cõi Ta Bà chỉ như mộng, như huyễn bọt. Pháp hữu vi là tất cả pháp có hình tướng, có điều kiện nhân duyên hình thành, tất cả pháp đó, tựa đều như giấc mộng, như bọt nước trong biển khơi.
Bọt nước, là có, nhưng chẳng phải thật có. Nó được sinh ra nhờ nương vào nước biển đánh mạnh bởi gió thổi, thủy triều, bề mặt trái đất dao động,… nó được hiện hữu nhờ nương tựa những nhân duyên kia, rồi nhanh chóng nó lại tan vỡ. Như vậy, là nó có, nhưng nó có hiện hữu, chứ nó không thật có một bản thể hay tự tính nào cả.
Nếu quán vạn vật như thế, thì lấy cái gì để chấp trước? Vốn nó đã không thật có, chỉ nương cái này, nương cái kia mà hiện hữu, thì lấy cái gì mà chấp vào?
Chẳng có gì chấp trước thì mới thật minh bạch, buông xả được hết trần lao vọng tưởng thì mới thoát được tam độc của tham, sân, si. Do chấp trước không buông xả mà dẫn tới tham (muốn có nhiều hơn nữa), dẫn tới sân (nổi lửa khi mình không thỏa mãn) và si mê không không bao giờ biết đủ là gì.
2. Pháp Bốn đế
2.1. Đây là khổ: Tính bức bách
Nói sự khổ có tính bức bách mãnh liệt. Khổ có khổ khổ, hoại khổ, hành khổ, 8 thứ khổ (sinh, già, bệnh, chết, ái biệt ly, oán tăng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm không hài hòa). Tất cả sự khổ đó đều khiến con người ngày đêm phiền não.
Ái biệt ly là gì? Là yêu thương mà phải ly biệt. Oán tăng hội là gì? Là oán hận mà phải gặp gỡ. Ngũ ấm không hài hòa là gì? Là thân thể hay đau ốm, suy nhược.
2.2. Đây là tập: Tính chiêu cảm
Tập là tích tụ, tích lũy, tập hợp lại; chiêu cảm là tính dẫn dụ với nhau. Các duyên phiền não, tội lỗi tương ưng với nhau, hay gọi là các tập khí xấu. Cho nên nói, phiền não là tính chiêu cảm, do tụ tập mà thành, tức cũng từ “khổ” mà có “tập”.
2.3. Đây là diệt: Tính khả chứng
Phật giáo là con đường diệt khổ, ai cũng có thể thực chứng được điều đó. Ví như Phật nói ăn trộm là nhân xấu, thọ quả khổ. Muốn không chịu quả của khổ đó thì nên sống ngay thẳng, không ăn trộm, điều này ai cũng có thể tự chứng nghiệm.
2.4. Đây là đạo: Tính khả tu
Con đường của đạo Phật chỉ, ai cũng có khả năng để tu, không ai là ngoại lệ, không ai bị phân biệt.
“Đây là khổ, ông nên biết,
Đây là tập, ông nên đoạn,
Đây là diệt, ông nên chứng,
Đây là đạo, ông nên tu.”
Phật chỉ dạy nên biết đây là khổ, nên biết khổ đó bắt nguồn từ đâu, từ tập hợp của hành vi thân – khẩu – ý của mình, biết rồi thì phải thực chứng sự diệt khổ và tu theo con đường diệt khổ đó một cách miên mật.
Tỳ kheo là gì?
Tỳ kheo được dịch ra theo ba nghĩa:
(1). Bố ma: Ẩn ý người xuất gia tu đạo không còn bị ma vương dụ dẫn nữa.
(2). Khất sĩ: Khất là xin, sĩ là vị, khất sĩ là vị đi xin, cụ thể ở đây là khất thực (thức ăn), đi xin ăn để nuôi thân. Dưới xin thức ăn nuôi thân, trên cầu đạo nuôi tuệ.
(3). Phá phiền não: Phụng trì pháp môn, phá trừ mọi khổ não.
3. Bốn quán và ân đức Bồ tát Quán Thế Âm
“Quán chân quán thanh tịnh,
Quán trí huệ rộng lớn,
Quán bi và quán từ,
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng.”
Quán chân tức quán chiếu chân không, chân không vô biên, chẳng có hình tướng, chẳng có tướng người, chẳng có tướng ta, chẳng có tướng chúng sinh. Tuy chẳng có tướng ta, tướng người nhưng lại chẳng lìa khỏi tướng hình.
Quán thanh tịnh là đối với nhiễm ô mà nói, nhiễm ô là sự chấp trước, có ái trước, tham đắm. Thanh tịnh là lìa khỏi sự tham, sân, si.
Quán trí tuệ rộng lớn: Quán chiếu mọi người, học cách lắng nghe, thấu hiểu và thông cảm với họ, có vậy ta mới rộng mở được tâm từ bi.
Quán bi và quán từ: Thương xót cho nỗi khổ người đời là quán bi, vui mừng cho hạnh phúc, thành công người khác như của mình là quán từ.
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng: Luôn nguyện chiêm ngưỡng lòng quán chiếu như vậy, không thoái chí, đó là cách mà Bồ tát Quán Thế Âm quán sát thế gian.
Ân đức Bồ tát Quán Thế Âm
“Quang thanh tịnh không dơ,
Huệ nhật phá các tối,
Hay phục nạn gió lửa,
Chiếu sáng khắp thế gian.”
Không nhơ quang thanh tịnh: Ánh sáng của Bồ tát Quán Âm không bụi bặm, thay vào đó là sáng ngời thanh tịnh.
Huệ nhật phá các tối: Ánh sáng của Ngài như ánh nắng mặt trời, khi nắng chiếu, soi rọi mọi ngóc ngách, mọi chỗ tối tăm được soi rõ.
Hay phục nạn gió lửa: Ngài hàng phục các nạn, tai ương có thể gây hại cho chúng sinh.
Chiếu sáng khắp thế gian: Chính là sự bi mẫn, lòng thương cảm bao la của ngài.
“Bi thế giới lôi chấn,
Ý từ diệu mây lớn,
Rưới mưa pháp cam lồ,
Dập tắt lửa phiền não.”
Bồ tát Quán Âm chấn giữ thế giới bằng lòng bi, cứu khổ chúng sinh. Tâm ý hoan hỷ của Ngài như mây lớn, tưới cơn mưa pháp được ví như nước cam lồ cho chúng sinh. Nước cam lồ là thứ nước rất trong, mát và thơm ngọt, do hứng ngoài sương mà được. Chữ cam là ngọt còn chữ lồ là đọc ngược từ chữ lộ, tức là sương. Khi bị nóng bức khô khan, nếu được giọt nước cam lồ thấm vào cổ thì chúng ta sẽ nghe ngọt ngào mát rượi. Nước cam lồ tượng trưng cho lòng từ bi của Bồ tát. Khi chúng sinh bị lửa phiền não thiêu đốt và thiết tha cầu cứu nơi Bồ tát thì Ngài sẽ mang nước từ bi đến dập tắt và đem lại cho người sự mát mẻ an lành.
“Tiếng diệu Quán Thế Âm
Tiếng phạm tiếng hải triều,
Hơn hẳn tiếng thế gian,
Cho nên thường phải niệm.”
Âm thanh cứu khổ của Ngài là âm thanh diệu kì, được ví như là tiếng phạm, tiếng hải triều. Tiếng phạm hay còn gọi là phạm âm (âm thanh bao trùm thế gian), chính là tiếng OM trong tín ngưỡng tâm linh Ấn Độ cổ. Đối với người dân Ấn Độ cổ đại, tiếng OM hay AUM được quan niệm là loại âm thanh thiêng liêng, khởi nguồn của mọi thứ, của sự sống vũ trụ. Để dễ hình dung, thì chúng ta có thể coi chữ OM tương đương thuyết vụ nổ Big Bang của 1 trường phái khoa học hiện đại.
Tiếng hải triều hay âm thanh hải triều được ví von là âm thanh khi nghe thấy thì lập tức mọi phiền não tan biến mất, người tham không còn tham, người sân không sân, người si không si.
Vì lẽ đó, chúng sinh thường phải niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm.
Lời kết
Kinh giới thiệu Mười đại nguyện thực hành của Bồ tát Phổ Hiền:
(1). Lễ kính chư Phật.
(2). Xưng tán Như Lai.
(3). Quảng tu cúng dường.
(4). Sám hối nghiệp chướng.
(5). Tùy hỉ công đức.
(6). Thỉnh chuyển pháp luân.
(7). Thỉnh Phật trụ thế.
(8). Thường tùy Phật học.
(9). Hằng thuận chúng sinh.
(10). Phổ giai hồi hướng.
Nếu có người thọ trì giới luật, biên chép kinh Pháp Diệu pháp Liên Hoa, đọc tụng cho tới giải nói, phổ biến nghĩa lý của kinh này thì tâm chẳng còn dao động, không sinh sợ hãi, tâm chẳng còn vẩn đục thì không còn đọa vào bốn đường ác.
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
Tài liệu tham khảo
1. Kinh Diệu pháp Liên Hoa, Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập, Việt dịch: HT. Thích Trí Tịnh, NXB Tôn giáo, 2021.
2. Kinh Diệu pháp Liên Hoa giảng giải (Tập 4), Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập, Hòa thượng Tuyên Hóa giảng giải, Việt dịch: Tỳ kheo Thích Minh Định, NXB Pagode Kim Quang.