Thảm họa và thời tiết khắc nghiệt khiến giá nhà ở Mỹ ngày càng đắt đỏ
Cháy cỏ không phải là chuyện bất thường ở chân đồi sa mạc cao, vì vậy bà Allison Bequette đã chọn đi đường vòng khác khi phát hiện đám cháy.
Vào ngày thứ hai cuối cùng của năm 2021, một ngày nữa trong chuỗi ngày khô hạn trái mùa ở khu vực, gió mạnh như bão đã thổi xuống núi và thổi bùng ngọn lửa thành "bão lửa ngoại ô", thiêu rụi hơn 1.000 ngôi nhà, một khách sạn và một số doanh nghiệp khác trong cộng đồng ở phía đông nam Boulder.
Ngôi nhà của bà Bequette nằm trong số đó.
Đám cháy Marshall năm 2021 đã gây thiệt hại hơn 2 tỷ đô la, khiến đây trở thành vụ cháy rừng tốn kém nhất ở Colorado, một tiểu bang liên tục phải chống chọi với những đám cháy dữ dội và tàn khốc.
Và đây cũng là đám cháy có sức tàn phá lớn nhất trong lịch sử bang Colorado. Đáng chú ý, hậu quả của đám cháy Marshall lại quá giống với những gì xảy ra sau các thảm họa và hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác.
Ba năm sau, hàng trăm ngôi nhà đã được xây dựng lại, hầu hết đều phình to về kích thước và giá trị.
Theo hồ sơ bất động sản của quận Boulder, trên nền tòa nhà cũ của bà Bequette ở Louisville hiện là một ngôi nhà lớn gấp đôi: một ngôi nhà sáu phòng ngủ, năm phòng tắm, rộng 4.123 foot vuông được bán với giá 1,45 triệu đô la vào đầu năm nay.
Ông Jon Hatch, nhà môi giới bất động sản tại Compass Boulder cho biết con số này cao hơn 53% so với giá bán nhà trung bình là 947.500 đô la trong 365 ngày qua tại Louisville.
Vào năm 2023, giá bán nhà trung bình ở Louisville là 778.000 đô la.
"Đây là mô hình rất phổ biến mà chúng ta thấy, đó là nhà cửa hiện nay to hơn hoặc sang trọng hơn. Điều đó không chỉ thay đổi bản chất của một cộng đồng mà còn thay đổi bản chất chi phí sinh hoạt. Việc có nhiều ngôi nhà sang trọng trong cộng đồng có xu hướng làm tăng giá trị của những ngôi nhà xung quanh, ngay cả khi chúng không sang trọng", Deserai Anderson Crow, Giáo sư tại Đại học Colorado Denver, người đã nghiên cứu các cuộc khủng hoảng và thảm họa như Đám cháy Marshall, đại dịch Covid-19 và trận lũ lụt năm 2013 ở Quận Boulder, nhận định.
Phục hồi sau thảm họa
Nhà ở ngày càng trở nên đắt đỏ trên khắp nước Mỹ. Đại dịch và lạm phát bùng nổ đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Vấn đề cung-cầu cũng trở nên trầm trọng hơn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Phục hồi sau thảm họa đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành công ty Homebound, được thành lập sau vụ cháy Tubbs năm 2017 ở California với tiền đề là sử dụng công nghệ để làm việc với những chủ nhà bị ảnh hưởng nhằm đẩy nhanh quá trình cấp phép, xây dựng và cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà sau thảm họa để nhanh chóng đưa nhiều ngôi nhà hơn trở lại thị trường.
Homebound kể từ đó đã mở rộng sang mua và bán bất động sản tại các tiểu bang như California, Colorado, Florida và Texas.
"Nếu bạn xây dựng lại ngôi nhà nhưng không có cộng đồng xung quanh thì tình hình sẽ tệ hơn. Nếu chúng tôi có thể đẩy nhanh quá trình xây dựng lại toàn bộ cộng đồng, thúc đẩy phục hồi nhanh hơn thì sẽ giúp định giá tốt hơn cho những chủ nhà mà chúng tôi đang xây dựng cùng. Vì vậy, điều đó thực sự có lợi cho tất cả mọi người", Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Homebound Nicole Pechet nói.
Người thuê nhà đặc biệt thiệt thòi
"Ngoài việc tăng giá quá mức, thảm họa sau thiên tai còn tác động lâu dài hơn cho người thuê nhà", Kelsea Best, phó giáo sư tại Đại học Bang Ohio cho biết.
Nghiên cứu của bà Best tập trung vào mối liên quan giữa biến đổi khí hậu tương tác và bất bình đẳng hiện có. Hiện nhưng người thuê nhà đặc biệt chịu thiệt thòi.
Bà Kelsea Best là tác giả chính của một nghiên cứu năm 2023 , trong đó phát hiện ra rằng giá thuê nhà tăng cao hơn sau những cơn bão ở các vùng ven biển phía đông của Mỹ.
"Cơn bão dữ dội hơn, tốc độ gió cao hơn, tương ứng với mức tăng đáng kể về giá thuê nhà trong những năm sau cơn bão", bà Best nói về nghiên cứu dữ liệu thảm họa bão cấp quận tại 19 tiểu bang ven biển từ năm 2008 đến năm 2019.
"Một số phát hiện của chúng tôi cho thấy cần có nhiều hỗ trợ có mục tiêu hơn - từ cấp liên bang và địa phương - sau cơn bão dành cho người thuê nhà, cho việc sửa chữa và xây dựng lại", bà nói.
Shannon Van Zandt, Giáo sư của Texas A&M, người đã nghiên cứu cách thảm họa ảnh hưởng đến khả năng chi trả nhà ở cho rằng chính quyền địa phương nên giải quyết khả năng chi trả rộng rãi hơn sau thảm họa. Một số cộng đồng đã khám phá các ý tưởng như quỹ tín thác đất cộng đồng, nới lỏng các quy tắc cho thuê, đảm bảo tiền tài trợ cho thảm họa đến được với những người cần nhất và chuẩn bị phục hồi sau thảm họa.
Sau trận lũ năm 2013 ở Quận Boulder, chính quyền tiểu bang Colorada đã thành lập Văn phòng phục hồi chức năng Colorado, nơi làm việc chặt chẽ với các cộng đồng để hiểu các rủi ro kinh tế, khí hậu và chuẩn bị cho các thảm họa tiềm ẩn.
Kể từ vụ cháy Marshall, Colorado cũng đã ban hành một số luật liên quan đến thảm họa để giải quyết các vấn đề như bảo hiểm (vì 92% cư dân bị ảnh hưởng không được bảo hiểm đầy đủ); chi phí xây dựng lại; và đảm bảo điều kiện sống an toàn cho người dân./.