Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ về 6 căn bản phiền não (P.3)
Kinh Diệu pháp Liên Hoa sử dụng pháp môn phương tiện quyền xảo, khéo léo lấy nhiều ví dụ từ trần thế để mong giáo hóa được chúng sinh, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi mê lầm.
1. Bài kệ thí dụ 6 căn bản phiền não
Sáu căn bản phiền não gồm có: Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến.
Kinh thuật rằng Phật sợ chúng sinh chẳng minh bạch đạo lý được dạy, nên từ bi thương xót đọc bài kệ để làm thí dụ
Ví như ông trưởng giả
Có một ngôi nhà lớn
Nhà đó đã lâu đời
Mà lại cũ hư nát
Phòng nhà cao nguy hiểm
Trụ cột lại gãy mục
Nóc nhà đều nghiêng ngả
Nền móng đã hư nát
Tường vách đều sụp đổ
Bùn đất rơi rớt xuống
Tranh lợp rơi tả tơi
Kèo đòn tay trật khớp
Bốn phía đều cong vạy
Đầy dẫy những dơ uế
Có đến năm trăm người
Thảy đều ở trong đó.
Chim si, hưu, điêu, thứu
Quạ, chim thước, cưu, cáp
Ngô công và du diên
Loài thủ cung, bá túc
Dứu ly cùng hề thử
Các loài độc trùng dữ
Đuổi nhau chạy ngang dọc
Đại tiểu tiện hôi thối
Chảy đầy đồ bất tịnh
Các độc trùng bọ hung
Bu đậu ở trên đó.
Cáo sói và dã can
Liếm nhai dày đạp lên
Cắn xé những thây chết
Xương thịt bừa bãi ra
Do đó các bầy chó
Tranh nhau đến giành ăn
Ốm đói rất sợ sệt
Khắp nơi tìm món ăn.
Giành giựt cấu xé nhau
Gầm gừ gào sủa rên
Nhà đó rất đáng sợ
Những cảnh trạng như thế
Khắp nơi thảy đều có.
Quỷ lị, mị, vọng lượng
Dạ Xoa các ác quỷ
Ăn nuốt cả thịt người
Các loài trùng dữ độc.
Những cầm thú hung ác
Ấp cho bú sản sinh
Đều tự giấu gìn giữ.
“Ví như ông trưởng giả, có một ngôi nhà lớn”, điều này bao hàm tới tam giới chúng sinh vẫn quẩn quanh như ngôi nhà của mình gồm có dục giới, sắc giới, vô sắc giới.
Các câu kệ kế tiếp đều dụ cho việc diễn tả sự vô thường của tam giới, vạn vật trong đây đều hoại diệt, không bền chắc. Nhiều tính từ thể hiện hình tượng cũ kỹ, hỏng hóc như “lâu đời, hư nát, gãy mục, nghiêng ngả, sụp đổ, rơi rớt xuống, tả tơi, trật khớp, cong vạy”
Đặc biệt tam giới là nơi chứa “đầy dẫy những dơ uế”.
“Có đến năm trăm người” là dụ cho các hạng chúng sinh trong tam giới, có thể là trời, là người, là ngạ quỷ,… nhiều vô kể.
“Chim si, hưu, điêu, thứu, quạ, thước, cưu, cáp”; hết thảy 8 loài chim này đều dụ cho tính “mạn” của con người, 8 thứ cống cao ngã mạn gồm có:
(1). “Si” dụ cho ỷ mạnh mà lấn lướt người khác.
(2). “Hưu” dụ cho bản tính kiêu ngạo.
(3). “Điêu” dụ cho kiêu ngạo về tài của.
(4). “Thướu” dụ cho tự tại kiêu ngạo, chim thướu hay ăn xác hư nát của động vật đã chết, ám chỉ tới người thực hành cực đoan nhưng lại sinh tâm ngã mạn, cho rằng ai không làm được vậy là kém cỏi hơn mình.
(5). “Quạ” được chứng minh rằng có bộ óc thông minh, trí nhớ tốt so với loài chim, có thể ghi nhớ hình ảnh đối tượng tấn công mình hoặc sự việc nào đó lên tới 2 năm hoặc thâm chí là lâu hơn nữa, dụ cho người có sự lanh lợi nhưng vì thế mà khinh khi người khác.
(6). “Thước” dụ cho kiêu sa, lộng lẫy mà kiêu ngạo.
(7). “Cưu” là loài chim ăn thực vật, dụ cho người ăn chay sinh tâm chê bai người khác.
(8). “Cáp” dụ cho sắc đẹp mà kiêu ngạo.
Tám thứ trên dụ cho tâm cống cao ngã mạn trong 5 kiết sử (tham, sân, si, mạn, nghi), tự cho mình hơn người, cho mình quyền khinh người.
Các loài động vật được nhắc đến bên dưới như “ngô công, du diên”, cho tới “dứu ly, hề thử”, các loài “độc trùng dữ” đều được dụ cho tính sân, tính si của con người. Con người sống trên đời nhưng hành xử vô minh, cùng là người với nhau nhưng “đuổi nhau chạy ngang dọc”.
Thân xác con người không thanh tịnh, “đại tiểu tiện hôi thối”, “chảy đầy đồ bất tịnh” lại bị “bu đậu ở trên đó” đầy những thứ ô uế, phiền não, ở đây được ví như là “bọ hung”, loài vật này sử dụng phân làm thức ăn, sinh sản, và nhiều hoạt động khác, được dụ cho bất tịnh.
Con người trên đời do bị tham, bị sân thôi thúc mà “tranh nhau đến giành ăn”, “giành giật, gầm gừ, gào sủa rên”. Nhiều ngôn từ trong bài kệ đều được thí dụ để nói tới 5 kiết sử của con người, do con người vô minh mà khiến cho “nhà đó rất đáng sợ, những cảnh trạng như thế, khắp nơi thảy đều có”.
“Lị, mị, vọng lượng, dạ xoa, ác quỷ” đều được coi là các sinh vật hung tợn, ác nhân trong truyền thống cổ xưa, 5 loại tên dụ cho 5 phần trong ác kiến khiến con người chấp trước mà làm việc hồ đồ:
(1). Thân kiến: Nhận nhầm thân này là chân ngã
Cái thấy si mê thân này là ta, là của ta, là thứ cao quý hơn thân người khác, tốt đẹp hơn, xứng đáng được coi trọng hơn, mà không biết rằng thân này do cha sinh, mẹ đẻ, do tứ đại hòa hợp (lửa, nước, gió, đất), do được nuôi dưỡng bởi thức ăn muôn loài, nước uống,… mới thành hình được.
Thân chỉ nên quý trọng, không nên chấp thủ.
(2). Biên kiến: Chấp đoạn hoặc chấp thường
Là cái thấy chấp cực đoan vào 1 bên. Bên vĩnh hằng, thường hằng, có ngã (thường kiến), sinh ra làm người thì đời đời kiếp kiếp làm người, sinh là bậc trượng phu sẽ mãi là bậc trượng phu, sinh là tôi tớ cả đời phải làm, tôi tớ, sinh là thú thì đời đời kiếp kiếp làm thú, …; còn một bên thì đoạn diệt, chết là hết, không có quả báo, không có đời sau (đoạn kiến), nên không cần làm thiện do vô ích.
(3). Kiến thủ
Là cái thấy bảo thủ. Không chịu lắng nghe, không chịu tiếp thu, cho cái thấy, cái biết của mình là đúng, ngay cả khi đó là tà thuyết.
(4). Giới cấm thủ
Là học theo giới luật một cách “thiếu hiểu biết”. Học giới, nhưng chỉ học ở mặt chữ, không hiểu lý do có giới, không hiểu bối cảnh, không hiểu cốt lõi, dẫn tới chấp thủ vào giới ở hình thức một cách mù quáng.
(5). Tà kiến (Hay định kiến)
Là cái thấy cá nhân chủ quan, cái thấy không thanh tịnh.
2. Thế nào là căn lành
Căn lành là siêng tu, giữ giới, quán sát trí tuệ, chính định; căn lành là diệt tham, sân, si, tu quán chiếu Tứ diệu đế, mười hai nhân duyên (vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên diệt).
Căn lành thế gian là thực hành mười điều lành: Không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời hai chiều, không nói đâm chọc, không nói độc ác, không tham, không sân, không si.
Căn lành là tu Bốn niệm xứ: Quán thân bất tịnh, phá trừ chấp cái thân; quán thọ là khổ với tam độc và 8 khổ thế gian; quán tâm vô thường; quán pháp vô ngã
Căn lành là tu lục độ (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định quán chiếu trí tuệ), bốn Vô lượng tâm, bốn Vô ngại biện, bốn Chính cần, lấy pháp thiện làm thức ăn nuôi dưỡng tinh thần.
Lời kết
Kinh Diệu pháp Liên Hoa sử dụng pháp môn phương tiện quyền xảo, khéo léo lấy nhiều ví dụ từ trần thế để mong giáo hóa được chúng sinh, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi mê lầm.
Kinh dạy rằng Phật có vô lượng vô biên trí tuệ, có nhất thiết trí, mười lực, bốn vô sở úy, tất cả pháp môn, tuy vậy, không phải hạng chúng sinh nào cũng có căn cơ tiếp nhận, thấy mà như chẳng thấy, nghe mà như chẳng nghe, nên Phật phải sử dụng thí dụ mà làm sáng tỏ
Còn nữa...
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
Tài liệu tham khảo: Kinh Diệu pháp Liên Hoa giảng giải (Tập 2), Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập, Hòa thượng Tuyên Hóa giảng giải, Việt dịch: Tỳ kheo Thích Minh Định, NXB Pagode Kim Quang.