Kinh doanh bán lẻ đã vượt mức trước đại dịch
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam đạt 4.170 nghìn tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh.
Trái ngược với tình trạng ảm đạm khi hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa nhằm thực hiện giãn cách xã hội cách đây một năm gây ra bởi đại dịch Covid-19, thị trường bán lẻ Việt Nam đã ghi nhận những chỉ báo cho thấy sự hồi phục, theo báo cáo từ Vietnam Report.
Cụ thể, tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.170 nghìn tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh. Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đã đạt mức tăng trưởng khá tốt.
Còn theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/9/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18,7 tỷ USD, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2021. Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Trong đó, bán buôn, bán lẻ là lĩnh vực thu hút vốn lớn thứ tư, sau ngành công nghiệp chế biến, kinh doanh bất động sản và khoa học công nghệ với số vốn đạt trên 617,9 triệu USD. Nếu xét về số lượng dự án thì bán buôn, bán lẻ cũng là một trong 3 ngành thu hút được nhiều dự án nhất với tỷ lệ là 30 % trong tổng số dự án.
Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8/2022, cho thấy 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ hiện đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch dù vẫn còn sự phân hóa giữa các ngành hàng.
Tuy nhiên, tỉ lệ doanh nghiệp phục hồi kinh doanh vận hành các chuỗi bán lẻ hàng lâu bền cao như điện máy, vàng bạc nữ trang, hàng công nghệ lại cao hơn hẳn so với chuỗi hàng tiêu dùng nhanh.
Dựa trên đà phục hồi này, cùng với những lợi thế của Việt Nam so với các nước trong khu vực, 91,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng triển vọng kinh doanh của toàn ngành bán lẻ những tháng cuối năm 2022 sẽ khả quan hơn so với cùng kỳ trước đó.
Chỉ có 15,8% doanh nghiệp tỏ ra thận trọng với triển vọng kinh doanh, do e ngại lạm phát và suy thoái kinh tế. Lạm phát tăng và duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2022 gây sức ép lên sức mua của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến tăng trưởng bán lẻ.
Trong bối cảnh thu nhập trung bình chưa tăng kịp so với lạm phát như hiện nay, khảo sát của Vietnam Report cho thấy người tiêu dùng đang phải cắt giảm chi tiêu đối với hầu hết mặt hàng không thiết yếu.
Nếu tình trạng lạm phát tiếp tục gia tăng, họ cũng sẽ cắt giảm chi tiêu đối với nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh…
Một yếu tố khác là giai đoạn 2020 - 2021, thu nhập bất thường của dân cư tăng lên nhờ vào sự tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán, bất động sản nên nhu cầu đột biến với các hàng hóa xa xỉ, không thiết yếu cũng tăng mạnh.
Do đó, trong giai đoạn 2022 - 2023, những nhu cầu về các mặt hàng có giá trị lớn, mặt hàng xa xỉ có thể trở về trạng thái bình thường và tăng trưởng ổn định hơn.
Theo đánh giá của ông Nick Bradstreet, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Savills, Thái Lan và Việt Nam đang là hai thị trường nổi bật tại Đông Nam Á. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ toàn cầu, đặc biệt là các công ty có văn phòng tại Singpapore, đang nghiên cứu cơ hội đầu tư tại hai nước.
Tuy nhiên, ngành bán lẻ của Thái Lan đã chịu ảnh hưởng đáng kể do yếu tố dịch bệnh. Nguyên nhân đến từ sự sụt giảm trong doanh thu bán lẻ đối với khách quốc tế trong hai năm Covid-19.
Trong khi đó, Việt Nam sở hữu nguồn cầu nội địa mạnh mẽ. Ngành bán lẻ Việt Nam ít bị phụ thuộc vào các yếu tố nước ngoài. Hơn nữa, khó khăn trong việc di chuyển quốc tế đã thay đổi thói quen tiêu dùng người Việt. Do không thể bay ra nước ngoài, họ đã làm quen với việc mua sắm trong nước.
Điều này phản ánh ở các chỉ số tiêu dùng hàng hóa bản lẻ của Việt Nam khi có sự phục hồi bắt đầu từ giai đoạn cuối năm 2021.