Kinh doanh bết bát, cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình và HAGL Agrico bị hủy niêm yết từ 6/9

Hai cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình và HAGL Agrico bị hủy niêm yết từ 6/9. Lý do bởi cả hai doanh nghiệp này đều kinh doanh thua lỗ trong thời gian qua.

 Quyết định hủy niêm yết cổ phiếu HNG. Nguồn: HoSE.

Quyết định hủy niêm yết cổ phiếu HNG. Nguồn: HoSE.

Theo quyết định của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), hơn 347,2 triệu cổ phiếu HBC của Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sẽ bị hủy niêm yết từ ngày 6/9. Tương tự, hơn 1,1 tỷ cổ phiếu HNG của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai cũng bị hủy niêm yết trên HoSE cùng mốc thời gian trên.

Nguyên nhân của hai trường hợp đều đến từ kết quả kinh doanh bết bát những năm qua. Với HBC, lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 là 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp của công ty là 2.741 tỷ đồng. Còn HNG đã kinh doanh thua lỗ trong ba năm liên tục với lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021, 2022 và 2023 về mức âm lần lượt là hơn 1.119 tỷ, 3.576 tỷ và 1.098 tỷ đồng.

 HoSE chốt hủy niêm yết đối với cổ phiếu HBC.

HoSE chốt hủy niêm yết đối với cổ phiếu HBC.

Sau khi nhận được thông báo sẽ bị hủy niêm yết hồi cuối tháng 7, HBC đã có văn bản phúc đáp cơ quan quản lý và cho biết không đồng ý với các căn cứ để HoSE hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HBC của doanh nghiệp này. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình dẫn các lý do phản đối là tại Nghị định 155 không quy định chi tiết về việc xem xét điều kiện lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất, hay trên báo cáo tài chính kiểm toán riêng. Hiện chưa có bất kỳ văn bản pháp luật của cơ quan có thẩm quyền nào hướng dẫn áp dụng hay giải thích pháp luật đối với trường hợp này.

Vốn điều lệ của công ty là 2.741 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính kiểm toán riêng năm 2023 âm 2.401 tỷ đồng và tại báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2023 là âm 3.240 tỷ đồng. Như vậy, tổng số lỗ lũy kế của HBC trên báo cáo tài chính kiểm toán riêng chưa vượt quá số vốn điều lệ. Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng việc HoSE căn cứ vào tiền lệ trước đây để xem xét hủy niêm yết cổ phiếu HBC là không phù hợp với pháp luật hiện hành.

Trong khi đó, HAGL Agrico và Sông Đà 6 thuộc diện hủy niêm yết do kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục. HAGL Agrico báo lỗ 3 năm liên tiếp 2021 - 2023 với lần lượt 1.119 tỷ đồng, 3.576 tỷ đồng và 1.098 tỷ đồng. Khoản lỗ sau thuế 3 năm gần đây của Sông Đà 6 lần lượt là 2,3 tỷ đồng, 11 tỷ đồng và 160 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2023, khoản lỗ lũy kế của HAGL Agrico đã lên tới hơn 8.100 tỷ đồng, trong khi quy mô vốn điều lệ là 11.085 tỷ đồng. Giá trị vốn chủ sở hữu đạt gần 2.257 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu tổng nguồn vốn gần 14.100 tỷ đồng của doanh nghiệp nông nghiệp này.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu HBC chốt phiên 9/8 ở mức 4.970 đồng/cổ phiếu, giảm đến 39% so với thời điểm gần một tháng trước. Vào ngày 31/7, Huyndai Elevator Co.,Ltd - cổ đông lớn thứ hai của HBC đã bán 5 triệu cổ phiếu HBC. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Huyndai Elevator tại HBC giảm từ 8,08% xuống còn 6,64%.

Trong khi đó, giá cổ phiếu HNG đang giao dịch ở mức 4.080 đồng/ cổ phiếu, giảm khoảng 23% so với một tháng trước đó. Các cổ đông lớn của HAGL Agrico gồm Tập đoàn Trường Hải (27,63%) hay Hoàng Anh Gia Lai (8,24%) không có động thái gì sau thông báo hủy niêm yết cổ phiếu HNG của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Minh Thành

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/kinh-doanh-bet-bat-co-phieu-xay-dung-hoa-binh-va-hagl-agrico-bi-huy-niem-yet-tu-69-91540.html