Kinh doanh cầm đồ: Địa phương dẫn đầu cao gấp đôi TP.HCM, gấp 7 Hải Phòng
Là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhưng dịch vụ cầm đồ vẫn thu hút hàng vạn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh (chưa kể hộ kinh doanh cá thể).
Theo số liệu được VietNamNet tổng hợp từ dữ liệu thông tin đăng ký doanh nghiệp, tổng số doanh nghiệp có kinh doanh cầm đồ trên cả nước là 12.691 doanh nghiệp. Số liệu này chưa bao gồm các hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động cầm đồ.
62/63 địa phương có doanh nghiệp có kinh doanh cầm đồ. Địa phương duy nhất không có doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh cầm đồ là Trà Vinh.
Số lượng doanh nghiệp có kinh doanh cầm đồ ở Hà Nội cao gấp đôi địa phương xếp thứ hai là TP. Hồ Chí Minh, gấp hơn 7 lần địa phương xếp thứ ba là Hải Phòng, gấp 10 lần địa phương xếp thứ 4 là Vĩnh Phúc.
Trong số 10 địa phương có nhiều doanh nghiệp đăng ký ngành nghề cầm đồ nhất, có 5 địa phương ở miền Bắc (TP. Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương), 3 địa phương ở phía Nam là TP.HCM, Đồng Nai, Cần Thơ; còn lại là ở Bắc Trung Bộ gồm Nghệ An và Thanh Hóa.
Ngoài Trà Vinh không có doanh nghiệp nào đăng ký kinh doanh dịch vụ cầm đồ, thì nhiều tỉnh thành khác cũng chỉ có từ 1-5 doanh nghiệp đăng ký ngành nghề này.
Điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ
Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Cơ sở kinh doanh cần đăng ký thành lập công ty hoặc hộ kinh doanh cá thể.
Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định, kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản sở hữu hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố.
Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam, cầm đồ được xếp vào nhóm các hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Hoạt động kinh doanh cầm đồ thường được đăng ký theo mã ngành nghề cấp 4 với mã là: 6492 (Hoạt động cung cấp tín dụng khác).
Cũng theo quyết định 27/2018/QĐ-TTg, hoạt động cung cấp tín dụng khác (6492) bao gồm:
- Các hoạt động dịch vụ tài chính chủ yếu liên quan đến việc hình thành các khoản cho vay của các thể chế không liên quan đến các trung gian tiền tệ (như là các công ty đầu tư vốn mạo hiểm, các ngân hàng chuyên doanh, các câu lạc bộ đầu tư). Các tổ chức này cung cấp các dịch vụ sau đây:
- Cấp tín dụng tiêu dùng;
- Tài trợ thương mại quốc tế;
- Cấp tài chính dài hạn bởi các ngân hàng chuyên doanh;
- Cho vay tiền ngoài hệ thống ngân hàng;
- Cấp tín dụng cho mua nhà do các tổ chức không nhận tiền gửi thực hiện;
- Dịch vụ cầm đồ.