Kinh doanh cây có múi dịp tết: Mô hình 2 trong 1

Những ngày này, nhiều nhà vườn tại xã Hiếu Liêm và Tân Định (Huyện Bắc Tân Uyên) đang gấp rút chuẩn bị các loại trái cây có múi cho dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Quýt đường 35.000 - 40.000 đồng/ký tại vườn

Nhiều nhà vườn cho biết, năm nay quýt đường bán giá tại vườn khoảng 35.000 - 40.000 đồng/ký. Anh Lâm Lương Thành Thịnh (24 tuổi), Hợp tác xã Lâm Thành Thương (xã Hiếu Liêm) cho biết đang đẩy mạnh năng suất vào quýt đường, còn lại là cam sành, bưởi với thị trường phân phối từ Nam ra Bắc, như: TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Nội…

Nhiều nông dân chuyển đổi năng suất trồng quýt hồng sang quýt đường. Ảnh: Thượng Hải

Quýt hồng có giá bán cao dịp tết, tuy nhiên năm nay rất khan hiếm. Ảnh: Thượng Hải

“Quýt đường tại vườn năm nay giá khá cao, đặc biệt là nhu cầu ở TP.HCM. Riêng quýt hồng mọi năm cung ứng cho thị trường tết trên 100 tấn, có giá bán từ 60.000 - 70.000 đồng/ký, quýt đẹp lên đến 100.000/ký. Tuy nhiên, năm nay khí hậu bất lợi và quýt hồng khó chăm sóc, ít được ưa chuộng nên tôi đẩy mạnh trái quýt đường”, anh Thịnh cho hay.

Còn đối với vườn bưởi VietGAP của Trang trại Tám Thanh (xã Tân Định, H.Bắc Tân Uyên) có giá bán tại vườn 35.000 đồng/ký. Tuy nhiên, bưởi tết năm nay lại có xu hướng giảm khi nhiều nhà vườn trồng bưởi không tìm được thương lái, hàng có nguy cơ ứ đọng. “Nhiều nhà vườn có sản phẩm bưởi được đăng ký thương hiệu, nguồn khách ổn định nhưng cũng chưa nắm bắt rõ giá bưởi tết từ thương lái. Đối với nhà vườn thông thường lại gặp bất lợi hơn khi không tìm được nguồn để bán”, đại diện trang trại Tám Thanh cho biết.

Riêng chị Lâm Thị Mỹ Tiên (27 tuổi), Trang trại Cam, Quýt C-Farm (xã Hiếu Liêm, H.Bắc Tân Uyên), tết 2025 là dịp chị ra mắt sản phẩm mới vỏ bưởi sấy dẻo, nhằm hạn chế tình trạng nông sản bị ứ đọng, với giá tầm 60.000 - 170.000 đồng/hộp. Ngoài ra, chị còn kinh doanh các mẫu quà nông sản tết gồm quýt đường, vỏ bưởi sấy dẻo khoảng 330.000 đồng/phần.

Chị Mỹ Tiên và sản phẩm vỏ bưởi sấy dẻo cho dịp tết năm nay. Ảnh: Mỹ Tiên

“Các năm vừa rồi nhờ làm thương hiệu và kết hợp chuyển đổi số nên quýt, cam được đưa vào bán ở siêu thị, đại lý nông sản sạch và cả trên mạng xã hội. Năm nay, tôi muốn quảng bá sản phẩm mới của người nông dân, nếu có phản hồi tích cực sẽ nghiên cứu thêm vỏ quýt sấy dẻo và các sản phẩm khác để đa dạng mẫu mã đến thị trường”, chị Tiên cho biết.

Vừa bán nông sản, vừa làm du lịch tết

Để quảng bá hình ảnh nông sản Hiếu Liêm, anh Thịnh đã bắt đầu mở mô hình du lịch trải nghiệm trang trại quýt hồng từ 2 năm trước. Điều này giúp cho nông sản dịp tết có hướng kinh doanh mới lạ, ước lượng năm ngoái trang trại nhà anh Thịnh đón khoảng 200 - 250 lượt khách/tháng.

Khách du lịch ưa thích trải nghiệm hái trái cây tại trang trại ngày tết. Ảnh: Bảo Trân

“Khách thường đặt lịch đến tham quan vườn trước tết khoảng 1,5 - 2 tháng để trải nghiệm trước, sau đó quay lại vào trong những ngày tết. Mô hình tham quan trải nghiệm vườn quýt hồng được khách yêu thích vì mỗi thời điểm quýt sẽ có độ lớn và màu sắc khác nhau, đặc biệt là dịp từ 25 - 27 âm lịch trái to nhất, màu cam đỏ rất đẹp”, anh Thịnh cho hay.

Nhiều nhà vườn ở Hiếu Liêm mở rộng các loại hình kinh doanh nông sản mới để quảng bá hình ảnh địa phương. Ảnh: Thượng Hải

Nói về loại hình du lịch này, chị Tô Bảo Trân, chủ mô hình cà phê kết hợp trang trại Sol Retreat Farm (xã Hiếu Liêm), cho biết những năm gần đây nhiều khách hàng từ 18 đến 60 tuổi có xu hướng du lịch khám phá tự túc, chụp hình và trải nghiệm hái nông sản tại vườn.

“Khách hàng chủ yếu đến trang trại đa phần từ thành thị, như TP.HCM, Đồng Nai… Trung bình vào cuối tuần trang trại đón khoảng 300 khách/ngày, lúc cao điểm có thể tăng 600 khách/ngày. Riêng dịp tết sẽ tăng gấp 3 lần”, chị Trân cho biết.

Quýt đường, cam sành thương hiệu C-Farm tại siêu thị. Ảnh: Mỹ Tiên

Để mô hình kinh doanh thêm hiệu quả, chị Trân còn kết hợp với nhiều trang trại, hợp tác xã ở Hiếu Liêm để xây dựng các tour du lịch đưa khách tham quan vườn, giới thiệu cách chăm sóc và hái trái cây tại vườn. “Tôi sẽ liên hệ các nhà vườn thực hiện các công tác làm sạch đẹp cảnh quan và chụp giới thiệu cho khách trên mạng xã hội. Ngoài ra, dịp tết sẽ tổ chức cho khách nấu bánh chưng, cắm lửa trại kết hợp với tham quan vườn”, chị Trân nói.

“Nông dân nên phát triển theo hướng nông sản sạch, VietGAP để xây dựng thương hiệu và sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn. Không làm theo cách chỉ tập trung vào sản lượng vì thị trường ngày nay đang càng khắt khe hơn, ưu tiên các sản phẩm có tem, nhãn mác. Do đó, Hội Nông dân xã Tân Định đã có nhiều chương trình khuyến khích nông dân nên làm theo tiêu chuẩn để quảng bá nông sản địa phương có hiệu quả hơn”.
Bà Nguyễn Huỳnh Tường Vi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Định, Huyện Bắc Tân Uyên

THƯỢNG HẢI

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/kinh-doanh-cay-co-mui-dip-tet-mo-hinh-2-trong-1-a340183.html