Kinh doanh có lãi, Hanoimilk vẫn nợ bảo hiểm xã hội hàng tỷ đồng

Kết thúc nửa đầu năm 2024, Hanoimilk dù báo lãi 15,5 tỷ đồng song vẫn đang nợ bảo hiểm xã hội đến hơn 15 tỷ đồng, tương đương 17 tháng chậm đóng.

Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk, UPCoM: HNM) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024. Theo đó, doanh thu bán hàng trong quý II/2024 của Hanoimilk đạt 180,8 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.

Sau khi trừ giá vốn hàng bán, công ty ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 32 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với số đầu năm.

Trong kỳ, do các khoản chi phí đều phát sinh so với đầu năm dẫn đến lợi nhuận của công ty bị bào mòn xuống 9,4 tỷ đồng, giảm 36% so với năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Hanoimilk đạt 310 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Đáng chú ý, công ty ghi nhận thêm khoản thu nhập khác trị giá 7 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu năm. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về khoản thu nhập này chưa được thuyết minh.

Bên cạnh đó, công ty còn trích lập thêm khoản chi phí khác là tiền phạt vi phạm hành chính và chậm nộp thuế, BHXH trị giá 1,8 tỷ đồng, tăng 96% so với nửa đầu năm trước.

Liên quan đến vấn đề này, theo danh sách các các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trong tháng 6/2024 của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, Hanoimilk nợ bảo hiểm lên đến hơn 15 tỷ đồng, tương đương 17 tháng chậm đóng.

Tình trạng trên diễn ra trong bối cảnh Hanoimilk kinh doanh vẫn có lãi với khoản lợi nhuận 15,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024, giảm 38%.

Năm 2024, Hanoimilk lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 48 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành lần lượt 38% kế hoạch doanh thu và 41% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Về tình hình tài chính của công ty, tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Hanoimilk ở mức 691 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, công ty ghi nhận khoản đầu tư trị giá 132 triệu đồng vào cổ phiếu SJG của Tổng Công ty Sông Đà. Tuy nhiên, khoản đầu tư trên được dự phòng tới tận 123 triệu đồng.

Chỉ số hàng tồn kho tính đến cuối tháng 6/2024 đạt 276 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, chủ yếu do phát sinh chi phí thành phẩm.

Diễn biến thị giá cổ phiếu HNM.

Diễn biến thị giá cổ phiếu HNM.

Về nguồn vốn, công ty ghi nhận 229 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó, chiếm phần lớn là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn. Đây là các khoản vay tại các ngân hàng và các đối tượng khác với trị giá 68 tỷ đồng, giảm 14%.

Công ty Cổ phần sữa Hà Nội thành lập ngày 2/11/2001 có trụ sở công ty tại Km9, Bắc Thăng Long - Nội Bài, Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Tp.Hà Nội. Lĩnh vực kinh doanh của Hanoimilk là chế biến và kinh doanh bò sữa, sữa đậu nành, các sản phẩm được làm từ sữa, chế biến nông sản, thực phẩm, nước uống, các loại trái cây và các hoạt động kinh doanh khác.

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/kinh-doanh-co-lai-hanoimilk-van-no-bao-hiem-xa-hoi-hang-ty-dong-204240801164922131.htm