Kinh doanh kém hiệu quả, nợ vay của chuỗi cầm đồ F88 tăng 'ầm ầm' qua kênh trái phiếu
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, F88 đã huy động được 400 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, gần bằng một nửa con số cả năm 2020.
Công ty cổ phần Kinh doanh F88 vừa thông báo đã phát hành thành công 2 lô trái phiếu (mỗi lô 1.500 trái phiếu) vào ngày 8/3/2021 trong đó lô đáo hạn vào ngày 8/3/2022 có lãi suất 12%/năm và lô đáo hạn ngày 8/9/2022 có lãi suất 12,5%/năm.
Tổng giá trị huy động theo mệnh giá là 300 tỷ đồng, dự kiến sẽ được F88 sử dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh mà cụ thể là cho vay cầm cố, mở rộng hệ thống cũng như chi lương thưởng cho cán bộ công nhân viên.
Các lô trái phiếu này đều không có tài sản bảo đảm, được bảo lãnh thanh toán bởi Công ty cổ phần Đầu tư F88 - công ty mẹ của F88.
Trước đó vào cuối tháng 1/2021, chuỗi cầm đồ này cũng đã huy động thành công 100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm với lãi suất 12%/năm. Như vậy, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2021, F88 đã huy động được 400 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, gần bằng một nửa con số cả năm 2020.
“Vỡ kế hoạch” năm 2020
F88 được thành lập từ năm 2013, hoạt động trong lĩnh vực cho vay cầm cố tài sản với các sản phẩm cho vay bằng cầm cố ô tô, xe máy, điện thoại, máy tính, máy tính bảng... Liên tục mở rộng mạng lưới giao dịch, quy mô tổng tài sản của chuỗi cầm đồ này đến cuối năm 2020 đã vượt hơn 1.400 tỷ đồng, gấp 2,4 cuối năm 2019.
Sự gia tăng tài sản của F88 trong năm qua phần lớn được tài trợ từ nguồn vốn vay khi nợ phải trả của doanh nghiệp này tăng vọt từ 355 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Thực tế, với tốc độ phát hành trái phiếu liên tục của F88 thì điều này cũng không quá bất ngờ.
Trong năm 2020, F88 đã huy động thành công gần 957 tỷ đồng trái phiếu các kỳ hạn 1 năm đẩy dư nợ trái phiếu cuối năm đạt khoảng 842 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng tăng từ mức 0,5 lên 1,94 lần. Ngoài kênh trái phiếu, chuỗi cầm đồ này còn nhận được dòng vốn đầu tư từ 2 quỹ Mekong Capital và Granite Oak.
Dù được rót vốn liên tục tuy nhiên kết quả kinh doanh của F88 lại không mấy khả quan.
Kết thúc năm 2020, F88 báo lãi sau thuế đạt 44,8 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với năm 2019 nhưng vẫn còn kém xa so với mục tiêu lợi nhuận 377 tỷ đồng. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2020 được cải thiện từ mức 8,98% lên 13,08% tuy nhiên, con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với kế hoạch tham vọng đề ra trước đó (40%).
Giai đoạn 2016-2019 trước đó, kết quả kinh doanh của F88 cũng không mấy hiệu quả. Dù doanh thu liên tục tăng trưởng nhưng do chi phí tăng cao, chuỗi cầm đồ này thậm chí báo lỗ trong 2 năm liên tiếp 2016, 2017. Đến năm 2018, F88 có lãi mỏng 2,69 tỷ đồng và năm 2019 lãi 19,2 tỷ đồng nhưng chủ yếu đến từ thu nhập khác.
Kinh doanh “bết bát” khiến F88 lỗ lũy kế 18 tỷ đồng đến cuối năm 2019. Tuy nhiên, khoản lãi gần 45 tỷ đồng năm 2020 dù không đủ hoàn thành kế hoạch nhưng đã giúp chuỗi cầm đồ này không còn lỗ lũy kế.
Tính đến cuối năm 2020, F88 đã chính thức cán mốc 300 phòng giao dịch. Trong thời gian tới, chuỗi cầm đồ này đặt mục tiêu sẽ gia tăng số lượng cửa hàng trên toàn quốc lên mốc 100 cửa hàng và tốc độ sẽ gia tăng 100 cửa hàng/năm trong vòng 2 năm tiếp theo.
Ông Phùng Anh Tuấn, nhà sáng lập F88 mới đây đã tuyên bố về tham vọng mở tới 1.000 phòng giao dịch (cho đến năm 2023). Ông Tuấn thậm chí còn tự tin F88 đủ năng lực để mỗi ngày có thể mở 1 phòng giao dịch.
Cùng với chiến lược mở rộng quy mô “thần tốc”, F88 cũng đề ra mục tiêu đầy tham vọng năm 2021 với doanh thu thuần dự kiến đạt 1.619 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 816 tỷ đồng. Dù vậy, với thói quen “vỡ kế hoạch” duy trì suốt những năm qua, các chỉ tiêu kinh doanh của F88 dường như chỉ mang tính chất tham khảo.