Kinh doanh khách sạn bao giờ qua 'cơn bĩ cực'?

Dịch bệnh dai dẳng không dứt khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh khách sạn rơi vào tình cảnh bi đát. Dù đã làm mọi thứ có thể nhưng tình hình không được cải thiện dẫn tới nhiều ông chủ phải 'cắn răng' rao bán khách sạn với mức giá giảm sâu.

Thị trường kinh doanh khách sạn thực tế đã vô cùng ảm đạm vào đầu năm 2021 vì Việt Nam ngay từ tháng 1 đã bước vào làn sóng thứ 2 của đại dịch Covid-19. Tình thế càng trở nên cùng cực, thậm chí rơi vào tình cảnh “zero” (số 0) kể từ tháng 6/2021, khi làn sóng dịch lần thứ 4 ập đến.

Thời của đại hạ giá

Theo Savills Việt Nam, trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, tỷ lệ phòng lấp đầy trung bình ở các khách sạn 3 - 5 sao tại Hà Nội thường xuyên đạt mức 74%, giá phòng trung bình đạt 113 USD/phòng/đêm.

Đến năm 2020, dưới ảnh hưởng của Covid-19, tỷ lệ lấp đầy chỉ còn trung bình 30%, giảm 44 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Trong 2 quý đầu năm 2021, thị trường tiếp đà đi xuống với tỷ lệ lấp đầy chỉ 25%, giá phòng trung bình khoảng 72 USD/phòng/đêm.

Kinh doanh khách sạn gặp khó đang dẫn đến một làn sóng rao bán chưa từng có. Ảnh: LTM.

Kinh doanh khách sạn gặp khó đang dẫn đến một làn sóng rao bán chưa từng có. Ảnh: LTM.

Tại Đà Nẵng, nửa đầu năm 2021, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn 3 - 5 sao giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm vừa qua, chỉ còn 11% và giá phòng trung bình chỉ đạt 49 USD/phòng/đêm.

Tại TP. HCM, với những tác động của đợt dịch thứ 4, những quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, tỷ lệ lấp đầy trong quý II/2021 chỉ đạt 18%, với giá phòng trung bình là 69 USD/phòng/đêm.

Những con số đáng buồn nêu trên đã cho thấy bức tranh u ám của ngành khách sạn tại 3 thành phố lớn nhất đất nước. Còn thực tế, chưa bao giờ làn sóng rao bán khách sạn lại bất thường và "nở rộ" như hiện tại.

Mới đây, việc trung tâm dịch vụ tiệc cưới nổi tiếng tại Khách sạn Đệ Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM), được rao bán với giá giảm sâu, từ 33 tỷ đồng xuống còn 28 tỷ đồng, đã gây xôn xao giới đầu tư và những người quan tâm tới thị trường.

Trên các nền tảng quảng cáo mua bán nhà đất, thông tin niêm yết của các sàn giao dịch bất động sản (BĐS), hàng loạt các khách sạn được chào bán với mức giá sale từ 20 - 30% so với trước khi có dịch.

Tại sàn giao dịch BĐS Nhà đất trung tâm…, chủ sàn cho biết đang có hơn 1.000 BĐS là nhà phố mặt tiền, mặt bằng kinh doanh, khách sạn 2 - 5 sao đang cần bán. Tại sàn giao dịch của Thiên Minh Capital cũng có tình cảnh tương tự với hơn 2.000 BĐS giá trị cao đang cần khách mua.

Trên thị trường Hà Nội, tình trạng rao bán khách sạn ngày càng nhiều. Một khách sạn 4 sao trên phố Lò Sũ, quận Hoàn Kiếm rao bán khách sạn 10 tầng, diện tích 130m2, giá 115 tỷ đồng. Một khách sạn trên phố Bảo Khánh, gần hồ Hoàn Kiếm được rao bán 230 tỷ đồng có 50 phòng. Cũng ngay trên phố Bảo Khánh có chủ rao bán khách sạn 4 sao, 225 tỷ đồng có diện tích 158m2, 12 tầng, 45 phòng.

Bao giờ hết khó?

Anh Phạm Trung Tuyến, một nhà đầu tư cá nhân dày dạn kinh nghiệm, cho biết 100% bạn bè của anh làm trong lĩnh vực khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng đều đang than khó. Đi lại khó khăn, xét nghiệm lên xuống, cách ly dài ngày, ai đâu yên đấy nên gần như không có khách.

Có một thực tế là các chủ khách sạn đang ở tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, đóng hay mở đều khốn khổ. Nếu mở, chi phí nhân công, điện nước, bảo dưỡng, lãi vay... đè nặng, thu không đủ chi. Nếu đóng, thất thoát cũng không nhỏ, nhẹ thì ẩm mốc, hoen ố, vật dụng xuống cấp, nặng thì hư hỏng, cháy nổ. Khi mở lại, chi phí bảo trì cũng tốn bộn tiền.

Chưa kể đến những khó khăn về việc “chảy máu” nhân sự. Ngành khách sạn bị tổn thất nhân sự nặng nề, vì giới chủ không có khả năng trả lương cho người lao động.

“Có không ít bạn bè của tôi trong ngành khách sạn phải đi vay nóng ngoài xã hội, chịu lãi hàng ngày để cầm cự. Vì không có khách thì không có nguồn thu, trong khi lãi vay ngân hàng thì không ngừng lại”, anh Tuyến tiết lộ.

Trong thời gian qua, nhiều người trong ngành nói về việc mở dịch vụ cho thuê để làm khu cách ly Covid-19 như một giải pháp, coi như "ánh sáng nơi cuối đường hầm". Song, theo nhiều chuyên gia, nếu coi đây là “ánh sáng” thì đây chỉ là ánh sáng của con đom đóm, không thể trở thành lối ra cho thị trường khách sạn.

Theo giới chuyên gia, với tình cảnh hiện tại, dự báo phải tới năm 2025, ngành khách sạn mới phục hồi và đi lên. Câu hỏi đặt ra là giới chủ làm cách nào để tìm ra lối thoát, chờ cơ hội bứt lên sau thời gian hoạt động cầm chừng?

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng nguồn cầu của thị trường khách sạn hiện tại vẫn chủ yếu là lượng khách nội địa. Theo đó, thời gian tới, các gói giảm giá của khách sạn, hãng hàng không sẽ tiếp tục là bệ đỡ để gia tăng nguồn khách nội địa, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Bên cạnh đó, các khách sạn cũng cần lên các phương án đón khách quốc tế trong tương lai dài hơn để vừa đáp ứng được nhu cầu khách, vừa đảm bảo được an toàn.

Ở một diễn biến khác, nhiều chuyên gia đánh giá đây là thời điểm thích hợp để hoạt động M&A diễn ra. Thực tế, việc mua lại các khách sạn trong thời điểm này là một kênh đầu tư hấp dẫn và có thể sinh lời khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam, cho biết: “Trước khi đại dịch xảy ra, thị trường khách sạn nghỉ dưỡng tại Việt Nam phát triển tương đối vững chắc. Vì vậy, các hoạt động M&A từ những đơn vị đầu tư quốc tế sẽ sớm được tiến hành tại Việt Nam trong thời gian tới”.

Nhật Minh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/kinh-doanh-khach-san-bao-gio-qua-con-bi-cuc-1082795.html