Kinh doanh lưu trú qua ứng dụng tìm cách thích nghi khi du lịch biến động
Giá vé máy bay cao, du lịch nội địa giảm
Theo thống kê của Outbox Consulting, giữa năm 2020 số lượng cơ sở Airbnb tại Việt Nam đã vượt mức 40.800, tập trung tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng…
Theo ghi nhận của KTSG Online, trên ứng dụng Airbnb, hiện toàn quốc có khoảng 30.000 chỗ ở cho thuê tập trung chủ yếu ở thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng hay các điểm du lịch như Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh… Được biết, ứng dụng Airbnb xếp trong nhóm 10 ứng dụng được du khách Việt Nam chọn lựa đặt phòng nhiều nhất trong năm 2023 trên Outbox.
Trung bình một Airbnb kiếm được khoảng 14 triệu đồng mỗi tháng. Báo cáo từ nền tảng Airbnb cũng chỉ ra mô hình kinh doanh này đã đạt doanh thu 8,4 tỉ đô la Mỹ trong năm 2022, tăng nhiều so với 2021.
Tuy nhiên, thời gian qua tại Việt Nam có nhiều thông tin về giá vé máy bay tăng cao là yếu tố khách quan tác động nhiều đến mùa du lịch hè. Thực tế này đã tạo nên làn sóng chuyển dịch lượng khách tham quan, đặc biệt là khách nội địa, ảnh hưởng ít nhiều đến doanh nghiệp lưu trú, nhà hàng khách sạn ở Việt Nam.
Mới đây, theo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong 6 ngày cao điểm lễ 30-4 và 1-5 (từ 26-4 đến 1-5) năm nay, sân bay thực hiện 3.961 chuyến bay. Số chuyến bay trong đợt cao điểm phục vụ lễ vừa qua tại sân bay Tân Sơn Nhất giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước và giảm 10% so với trước dịch Covid-19. Về lượng khách, giảm 7,62% so với năm 2023 và giảm 9,67% so với năm 2019. Bên cạnh đó, số chuyến bay quốc tế có xu hướng tăng so với dịp lễ năm trước.
Anh Quang Hiếu, chủ kinh doanh căn hộ trên Airbnb có tên Royal Center Suite tại TPHCM, chia sẻ, so với năm trước, quí 1 năm nay tỉ lệ lấp đầy phòng khoảng 85% và bước qua tháng đầu quí 2 con số chững lại khoảng 70%. Lượng khách chủ yếu từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore… riêng khách Việt kiều, châu Âu khoảng 30%.
Đơn vị lưu trú của anh tập trung đón khách quốc tế, ghi nhận dịp lễ vừa qua đón khách thấp hơn năm ngoái khoảng 5-10%. “Việc kinh doanh dạng cho thuê căn hộ hiện thị trường có rất nhiều, sức cạnh tranh lớn. Ảnh hưởng từ nền kinh tế thì dễ thấy vì người dân có tiền họ mới đi du lịch, mới thuê nhà nhiều hơn, chịu chi phóng khoáng hơn. Với yếu tố gia tăng ảnh hưởng như giá vé máy bay tăng cũng khiến du khách chuyển hướng đi điểm nào gần, tiết kiệm tiền di chuyển”, anh Hiếu nói.
Chia sẻ với KTSG Online, chị Phương Lê, chủ kinh doanh căn hộ Airbnb Nhà Đậu ở Măng Đen (Kon Tum), đồng tình suy thoái kinh tế ít nhiều ảnh hưởng đến ngành du lịch nói chung và kinh doanh Airbnb nói riêng. Du khách có xu hướng thắt chặt chi tiêu, lựa chọn những hình thức lưu trú giá rẻ hơn tạo ra áp lực cạnh tranh cao.
Ngoài ra, đó còn là biến động giá cả nguyên vật liệu, khiến chất lượng dịch vụ không đồng đều tại các cơ sở lưu trú du lịch ở Măng Đen, gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu của Nhà Đậu chưa có nhiều tăng trưởng, vì khách hàng tập trung chủ yếu vào các ngày lễ, kèm ảnh hưởng giá vé máy bay tăng cao.
Ở một hộ kinh doanh Airbnb khác ở thành phố Huế, chị Quỳnh Nga đã kinh doanh 4 phòng nghỉ ở trên lầu 2 được 5 năm nay cho biết, lượng khách quí 1-2024 giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và khoảng 10-15% so với cuối năm 2023.
Khách đa số là người nước ngoài đến trực tiếp cố đô du lịch hoặc khách ở gần đi từ các địa phương lân cận như Hội An, Đà Nẵng, Quảng Bình… Lễ tân ghi nhận lượng khách ở các thành phố tiềm năng như TPHCM, Hà Nội, khu vực miền Tây giảm đi. Nếu trước đây cứ 10 khách sẽ có khoảng 6 khách nội địa, bây giờ giảm còn 3 khách trong nước di chuyển bằng xe, tàu đến lưu trú.
“Tôi có tìm hiểu trên các hội nhóm thì thấy nhiều chủ nhà cũng phản ánh tình trạng khách giảm. Thậm chí mùa lễ cao điểm vừa qua, công suất phòng của tôi chỉ khoảng 70-80% dù giá không hề tăng. Được biết thì giá vé đi từ các tỉnh thành như Hà Nội hay TPHCM vào Đà Nẵng, các tỉnh miền Trung không rẻ, có giai đoạn cao hơn vé đi các nước trong khu vực ASEAN cũng làm lượng khách lưu trú giảm”, chị Nga nói.
Chủ nhà thay đổi để thích nghi
Theo nghiên cứu của Công ty Kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), ước tính doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp ứng dụng nền tảng kinh doanh chia sẻ sẽ đạt tới 335 tỉ đô la Mĩ vào năm 2025 so với doanh thu năm 2014 mới khoảng 15 tỉ đô la Mĩ.
Nghiên cứu chỉ ra không chỉ là các ứng dụng gọi xe, đặt đồ ăn thức uống, mô hình kinh tế chia sẻ cũng dần phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác. Có thể kể đến như dịch vụ lưu trú như khách sạn, khu resort và tiêu biểu là sự bùng nổ của các nền tảng chia sẻ nhà ở (home-sharing) trên các ứng dụng phổ biến như Airbnb, booking…
Chia sẻ từ chủ kinh doanh Airbnb ở các nơi, tại Việt Nam, Airbnb cần tuân thủ các quy định về đăng ký kinh doanh, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự… Bên cạnh đó, chủ kinh doanh cần minh bạch thông tin, đảm bảo chất lượng dịch vụ và giữ gìn vệ sinh môi trường.
Chị Phương Lê cho biết tại đơn vị lưu trú của mình có tổng cộng 5 phòng với công suất lấp đầy trung bình khoảng 40-70%/tháng tùy vào từng thời điểm. Kênh quảng bá chính là các nền tảng Airbnb, Booking.com…
Bên cạnh đó, đội ngũ cũng tận dụng mạng xã hội Facebook, Instagram để tiếp cận khách hàng tiềm năng. Đối tượng khách chủ yếu là khách du lịch nội địa TPHCM, Bình Dương, Đà Nẵng, các tỉnh miền trung Tây Nguyên và quốc tế đến từ Mỹ, châu Âu.
Trong bối cảnh cao điểm giá vé máy bay, làm ăn khó khăn, chị Lê nhìn thấy kinh doanh Homestay vẫn là một lĩnh vực tiềm năng, khi du lịch Việt Nam đang còn nhiều cơ hội phát triển.
Tuy nhiên, thành công trong lĩnh vực này đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc, chuyên nghiệp và khả năng thích ứng linh hoạt với thị trường. Việc mang đến những giá trị độc đáo, trải nghiệm đáng nhớ cho du khách chính là chìa khóa để thu hút và giữ chân khách hàng, từ đó tạo dựng thương hiệu và phát triển bền vững.
Được biết, doanh thu trung bình mỗi tháng của điểm lưu trú Nhà Đậu dao động trong khoảng 30 – 50 triệu. Chi phí vận hành (bao gồm điện nước, vệ sinh, nhân viên, bảo trì…) chiếm khoảng 60% doanh thu. Ngoài ra, chị cũng cung cấp thêm các dịch vụ như cho thuê xe, đưa đón sân bay, bán đặc sản vùng miền, tổ chức tour du lịch địa phương, dịch vụ ăn uống để tăng thêm nguồn thu…
Còn anh Quang Hiếu với hệ thống 15 căn hộ, có chi phí thuê nhà từ 2.000 đến 6.000 đô la Mĩ/căn kèm tiền vận hành, anh ước tính tổng doanh thu phải đạt 1,5 tỉ đồng/tháng mới hòa vốn và con số này tùy thời điểm. Ý tưởng đa dạng hóa nguồn thu lúc này cũng rất quan trọng.
“Tôi phát triển loại hình này không chỉ cho thuê căn hộ mà còn hướng đến đa dịch vụ khác như vui chơi giải trí, lưu trú, ăn uống, thư giãn tích hợp, mỗi tòa nhà tự quản lý riêng biệt”, anh Hiếu nói thêm.
Tại địa điểm khác ở TPHCM, chị Nguyễn Phước Huyền Anh đã cho thuê không gian một phần nhà ở trên Airbnb vào năm 2016. Chị đánh giá nhu cầu thuê luôn luôn có dù trong giai đoạn nào.
Ở TPHCM tập khách rất đa dạng, không chỉ có khách du lịch mà khách còn thuê nhà để đi học, công tác, thăm thân… Tuy nhiên, nhu cầu du lịch thường giảm khi kinh tế suy thoái.
Do đó, việc kinh doanh ở các thành phố chuyên về du lịch sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Hiện chị có 10 phòng, công suất lấp đầy thường ở mức 80-100%, có nhiều khách ở hẳn vài tháng cho đến vài năm.
Nhìn chung, nhu cầu của khách du lịch rất đa dạng. Theo đó họ sẽ có lựa chọn chỗ nghỉ phù hợp như nhà nghỉ, khách sạn, resort, homestay hay phòng trên Airbnb, không muốn bị bó buộc trong các mô hình lưu trú truyền thống.
Từ phía chị Quỳnh Nga, chủ nhà cũng tích cực tìm kiếm khách hàng qua những hợp tác với đơn vị bán tour du lịch địa phương. Chị tận dụng các mạng xã hội miễn phí tạo nội dung giới thiệu điểm lưu trú thu hút khách, thêm nhiều gói dịch vụ giảm giá khi dùng chung, như phòng ở kết hợp với bữa ăn sáng, ăn tối, dịch vụ giặt là, giảm giá thuê xe, tặng vé tham quan điểm du lịch… để chia sẻ thêm chi phí di chuyển, kích cầu khách chi tiêu tại đây.