Kinh doanh nền tảng - động lực cho tăng trưởng kinh tế số
Kinh tế nền tảng có năng suất và hiệu quả cao hơn kinh tế truyền thống, tạo hiệu ứng lan tỏa cao hơn các ngành kinh tế khác.
“Phát triển kinh doanh nền tảng - động lực cho tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam” là chủ đề hội thảo được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay (19/2) tại Hà Nội.
Kinh doanh nền tảng (Platform) là mô hình kinh doanh mới, phát triển dựa trên công nghệ số, dữ liệu và hỗ trợ nền tảng, qua đó nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, với 1 tỷ USD tăng thêm về sản phẩm cuối cùng của ngành nền tảng sẽ giúp nền kinh tế tăng sản lượng lên hơn 2,7 tỷ USD, kích thích giá trị tăng thêm gần 1,2 tỷ USD và tạo thêm gần 94.000 cơ hội việc làm, tăng thu nhập của người lao động thêm 0,7 tỷ USD…

Toàn cảnh hội thảo
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất của ngành nền tảng cao hơn tỷ lệ chung của nền kinh tế, ở mức 54,8% so với mức chung của nền kinh tế là 28,5%. “Hiệu quả sản xuất của ngành nền tảng tốt hơn hiệu quả chung của nền kinh tế. Điều này thể hiện với chi phí đầu vào như nhau, nhưng ngành nền tảng có thể tạo ra giá trị gia tăng cao hơn và đạt được hiệu quả hơn về mặt chi phí”, bà Thảo nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đánh giá, tư duy quản lý và hệ thống pháp luật cũng dần được đổi mới để thích ứng với xu hướng chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế nền tảng. Tuy nhiên, ông Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, cơ chế, chính sách khuyến khích và thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế nền tảng vẫn chưa theo kịp sự phát triển của các loại hình kinh doanh mới này, đơn cử như chưa ban hành được Khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát (sandboxes) ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Minh Thảo trình bày báo cáo nghiên cứu của CIEM
“Chúng ta nên bắt đầu thí điểm sandbox với tư duy kiến tạo, đừng đi theo tư duy quản lý làm sao cho không sai sót. Nếu chúng ta còn giữ tư duy quản lý không để sai sót sẽ không phát triển được kinh tế nền tảng. Đồng thời, phải tăng cường rà soát và tham vấn chặt chẽ với các doanh nghiệp nền tảng. Hiện nay, việc ban hành các quy định pháp lý chưa được tốt, cho nên có những quy định vừa ban hành ra đã rất khó thực hiện và thực sự có những quy định quá cứng nhắc”, ông Khánh nói.
Báo cáo “Phát triển kinh doanh nền tảng – động lực cho tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng nhận định, với những cơ sở vững chắc đã tạo ra trong hơn 10 năm qua, và với ưu thế về công nghệ, kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng sẽ tiếp tục là ngành chủ chốt đóng góp vào việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo.

Diễn giả tham luận tại hội thảo
Theo đó, để tạo động lực phát triển mạnh mẽ các dịch vụ kinh doanh nền tảng và kinh tế số, hệ thống chính sách và pháp luật về kinh tế số, trong đó có thương mại điện tử cần hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới,... Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) là một khuyến nghị luôn được đề xuất khi bàn đến khung khổ chính sách cho công nghệ và đột phá.