Châu Âu sẽ đối mặt thách thức lớn nếu không sửa đổi đạo luật AI?
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cảnh báo châu Âu sẽ ngày càng tụt hậu so với các cường quốc trên thế giới về trí tuệ nhân tạo nếu không nới lỏng quy định khắt khe đối với AI và thúc đẩy đổi mới.
Phát biểu tại sự kiện Techarena ở Stockholm, ông nhấn mạnh: "Chúng ta thực sự cần tăng tốc ở châu Âu. Trong 20 năm qua, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã phát triển nhanh hơn nhiều so với châu lục này. Nếu không thay đổi, châu Âu sẽ trở thành một bảo tàng so với các khu vực khác."
Quan điểm của ông Kristersson phù hợp với các nhà lãnh đạo châu Âu khác tại Hội nghị thượng đỉnh AI Paris, nơi nhấn mạnh sự cần thiết của việc châu Âu trở thành một đối thủ cạnh tranh mạnh hơn trong cuộc đua AI toàn cầu.

Châu Âu sẽ đối mặt thách thức lớn nếu không sửa đổi đạo luật AI?. Ảnh: Observer Research Foundation
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố khoản đầu tư 109 tỷ euro (113,7 tỷ USD) vào AI, bao gồm sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư nước ngoài như UAE và các quỹ đầu tư từ Mỹ, Canada. Các công ty trong nước như Iliad, Orange và Thales cũng tham gia đầu tư. Ông Macron so sánh nỗ lực này với dự án AI tư nhân trị giá 500 tỷ USD mang tên Stargate do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố trước đó.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ huy động tổng cộng 200 tỷ euro (208,6 tỷ USD) để phát triển AI, nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực này đối với nền kinh tế khu vực.
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance chỉ trích châu Âu vì tập trung quá mức vào việc quản lý AI thay vì tận dụng tiềm năng tăng trưởng. Ông khẳng định Mỹ đang dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ và khuyến khích châu Âu có cách tiếp cận tích cực hơn.
Tại hội nghị thượng đỉnh Paris, ông Vance tuyên bố: "Chúng ta cần các quy định quốc tế thúc đẩy việc phát triển AI thay vì kìm hãm nó. Chúng tôi mong muốn các đối tác châu Âu nhìn nhận AI với sự lạc quan thay vì lo lắng."
Các lãnh đạo công nghệ đã nhiều lần chỉ trích EU vì các quy định quá nghiêm ngặt. Đạo luật AI mới của EU, có hiệu lực trong năm nay, đặt ra nhiều giới hạn với mục tiêu bảo vệ chống lại các rủi ro từ AI. Tuy nhiên, điều này cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của khu vực.
Kristersson nhấn mạnh: "Châu Âu cần trở thành một môi trường mà doanh nghiệp và đổi mới có thể phát triển mạnh. Điều đó có nghĩa là cần ít quy định hơn, tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn và nhân tài."
Ông cảnh báo hiện nay, nhiều công ty châu Âu đang gặp khó khăn trong việc áp dụng công nghệ mới nhất vì các quy định không chắc chắn. Hơn nữa, một số doanh nghiệp khởi nghiệp đang rời châu Âu sang Mỹ do thiếu vốn đầu tư.