Kinh doanh nông sản loay hoay

Với 2 'cú sốc' ấy, bây giờ các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản trong tỉnh gần như kiệt quệ. Hiện các đơn vị trên mong muốn ngân hàng xem xét cho giãn nợ, giảm lãi suất…

Kinh doanh nông sản loay hoay

Doanh nghiệp kinh doanh hạt điều thua lỗ, khó khăn tích trữ điều thô.

Doanh nghiệp kinh doanh hạt điều thua lỗ, khó khăn tích trữ điều thô.

“Cạn” vốn

Bắt tay trở lại sản xuất, anh Lê Văn Năm – chủ Công ty TNHH MTV Năm Trang gia công chế biến hạt điều ở thôn 2B, xã Đông Hà (Đức Linh) mất ăn, mất ngủ. Khác với trước đây, mỗi ngày bỏ mối từ vài tấn điều nhân, nhưng nay có khi chỉ 10 - 20 kg anh cũng nhận lời giao hàng. Đã hơn 1 tháng qua không có đơn hàng nào từ các đơn vị xuất khẩu điều đi Trung Quốc, doanh nghiệp anh cũng như nhiều cơ sở kinh doanh điều ở Đức Linh thua lỗ nặng. “Dịch Covid-19 kéo dài, hàng làm ra không bán được, doanh nghiệp khó lòng duy trì sản xuất và trả lương cho 50 lao động tại xưởng. Công ty nỗ lực tìm kiếm thêm đối tác ở các tỉnh lân cận như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai…”, anh Năm than thở. Mặt khác, do khâu xuất hàng trở ngại, lượng hạt điều của nông dân bán ra chậm mà giá cũng giảm từ 3.000 - 5.000 đồng/kg kéo theo nhân hạt điều giảm còn 180.000 đồng/kg nên càng khó khăn hơn. Cũng theo anh Năm, giải pháp trước mắt là vẫn mua điều trong dân, tích trữ hạt điều nhưng do thua lỗ cộng với vốn đầu tư rất lớn không phải ai cũng làm được. Nếu tình hình trên còn tiếp diễn, cơ sở của anh cũng sẽ đóng cửa như bao cơ sở khác tại Đức Linh, nơi tập trung gần 10.000 ha điều, hàng năm có từ 60 - 80% sản lượng hạt điều xuất khẩu sang Trung Quốc.

Không chỉ điều, thanh long là mặt hàng chịu ảnh hưởng nặng vì dịch bệnh từ những ngày sau tết, khi có khoảng 80% sản lượng bán sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phía Bắc. Hiện tại, do ở Phan Thiết, Hàm Thuận Bắc có ca mắc bệnh Covid-19 nên bên cạnh một số cơ sở xuất khẩu thanh long đã đóng cửa, vẫn có doanh nghiệp hoạt động, vì 3 ngày tới, sản lượng thanh long chín nhiều. Tuy nhiên, trạng thái chung vẫn là hoạt động cầm chừng, vì hầu hết đều vướng khó khăn đủ thứ từ dịch Covid-19.

Cần tháo gỡ khó khăn

Khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh hạt điều hay thanh long cũng là khó khăn chung của nhiều lĩnh vực kinh doanh khác hiện nay tại tỉnh. Trước đó là khó khăn, vì phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc và thị trường đó bị dịch Covid-19 “tấn công”. Tiếp đó, lại bị bồi thêm khó khăn nội tại, vì tại tỉnh có ca nhiễm bệnh Covid-19. Với thanh long, sau tết đã có hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn. Cụ thể như đẩy mạnh tiêu thụ nội địa tại các siêu thị, chợ đến chế biến các sản phẩm từ thanh long như rượu, bánh mì, bánh cuốn, bánh tráng… Cùng với đó, người trồng quan tâm chăm sóc nâng chất lượng trái, điều chỉnh kế hoạch sản xuất hợp lý để bán trong thị trường nội địa và xuất sang các thị trường khác. Còn với hạt điều, vốn là mặt hàng có thể tích trữ được nên chỉ cần nhiều vốn là được. Tuy nhiên, các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản tại tỉnh với đa số có quy mô nhỏ lẻ nên hạn chế nguồn lực đầu tư, khó khăn trong tiếp cận vốn. Vì vậy, với 2 “cú sốc” ấy, bây giờ gần như kiệt quệ. Hiện các cơ sở, doanh nghiệp trên mong muốn ngân hàng xem xét cho giãn nợ, giảm lãi suất…

Một doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thanh long cho biết: “Vì cơ sở nhỏ nên không dám đề nghị được vay vốn với lãi suất thấp, được giảm lãi suất… chỉ mong Ngân hàng Nông nghiệp cho giãn nợ, vì thời gian đáo hạn 6 tháng quá gần và trong bối cảnh này không thể nào xoay sở kịp”.

T.Duyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/kinh-doanh-nong-san-loay-hoay-125654.html