Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) quý 4 lỗ nặng, chịu phạt do chậm trả lãi trái phiếu
CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) ghi nhận thua lỗ nặng trong quý 4, phải chịu phạt do chậm trả lãi lô trái phiếu 700 tỷ đồng.
Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) chậm thanh toán lãi lô trái phiếu 700 tỷ đồng
CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC) vừa chứng kiến một quý 4 kinh doanh tệ hại, thua lỗ tới hơn 104,4 tỷ đồng khiến cho gần như toàn bộ thành tựu đạt được trong cả năm 2022 bị "thổi bay". Do đó cũng không quá khó hiểu khi đơn vị này từng phải công bố việc không thể thanh toán toàn bộ lãi đến hạn lô trái phiếu mệnh giá 700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay sau đó, ban lãnh đạo công ty đã thay đổi, thông báo dù chậm nhưng vẫn sẽ thanh toán toàn bộ lãi lô trái phiếu và đồng thời chịu phạt thanh toán chậm.
Cụ thể thì số lãi cần phải thanh toán cho lô trái phiếu TDC.Bond.2020.700 với mệnh giá 700 tỷ đồng là 23,82 tỷ đồng với thời hạn thanh toán ngày 15/2. Tuy nhiên, công ty chỉ thanh toán 7 tỷ đồng, phần còn lại 16,82 tỷ đồng được thanh toán chậm và công ty phải chịu phạt 18,7 triệu đồng cho việc chậm thanh toán của mình.
Kinh doanh quý 4 thua lỗ 104,4 tỷ đồng, thổi bay gần như toàn bộ công sức cả năm 2022
Theo báo cáo kết quả kinh doanh của CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương thì trong quý 4 năm 2022, đơn vị này đạt doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 183,2 tỷ đồng, giảm tới 78% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó giá vốn chiếm tới 153,8 tỷ đồng khiến cho lợi nhuận gộp chỉ còn ghi nhận ở mức 29,4 tỷ đồng, giảm tới 11 lần so với quý 4 năm trước đó.
Doanh thu quý 4 sụt giảm mạnh, đi kèm với đó là các chi phí ghi nhận trong kỳ không những không giảm mà thậm chí còn gia tăng đã gây áp lực lớn lên lợi nhuận gộp, khiến đơn vị ghi nhận khoản lỗ lớn trong quý 4.
Cụ thể thì chi phí tài chính đi ngang, nhưng vẫn ở mức cao chiếm tới 55,3 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng mạnh từ 26,4 tỷ đồng lên mức 37,9 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 43,6%. Chi phí quản lý doanh nghiệp ngược lại giảm từ 28,9 tỷ đồng xuống chỉ còn 10,9 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của TDC ghi nhận lỗ tới 104,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 87 tỷ đồng.
Tính tới hết năm 2022, lũy kế doanh thu của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận ở mức 2.487,8 tỷ đồng, tăng tới 50%. Tuy nhiên, khoản lỗ trong quý 4 đã gần như thổi bay toàn bộ công sức của 3 quý trước khiến lợi nhuận sau thuế của TDC chỉ còn 39,6 tỷ đồng, giảm 68,2% so với thực hiện năm 2021.
Quy mô tổng tài sản giảm 26,8%, rủi ro hiện hữu khi nợ vay ngắn hạn tăng lên gần bằng vốn chủ sở hữu
Tại thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương chứng kiến sự sụt giảm rất mạnh về quy mô, từ 5.239,8 tỷ đồng xuống chỉ còn 3.837,8 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ giảm khoảng 26,8%. Phần sụt giảm chủ yếu đến từ nợ phải trả cho thấy công ty đang phải dần co hẹp quy mô hoạt động kinh doanh.
Trong cơ cấu tài sản của TDC, tiền và các khoản tương đương tiền tăng từ 65,3 tỷ đồng lên 196 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng từ 632,8 tỷ đồng lên mức 834,4 tỷ đồng. Đáng chú ý nhất phải kể đến chính là chỉ tiêu về hàng tồn kho giảm sâu, từ 1.826,3 tỷ đồng xuống chỉ còn 404,4 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ giảm tới 77,9%.
Đối với tài sản dài hạn, các khoản phải thu dài hạn tăng gấp 2,3 lần so với con số đầu năm. Tài sản dở dang dài hạn giảm từ 2.211,3 tỷ đồng xuống chỉ còn 1.610,5 tỷ đồng. Trong đó phần giảm chủ yếu đến từ chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn.
Về cơ cấu nguồn vốn của TDC, nợ phải trả của doanh nghiệp có xu hướng giảm mạnh trong năm, từ 3.959,7 tỷ đồng xuống chỉ còn 2.611,2 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ giảm 34,1%. Trong đó, nợ ngắn hạn sụt giảm mạnh với chỉ tiêu về phải trả người bán ngắn hạn, giảm từ 1.474,3 tỷ đồng xuống chỉ còn 589,8 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý đó là dù giảm quy mô về nợ phải trả nhưng chỉ tiêu tài chính về vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn không giảm mà lại tăng hơn 100 tỷ đồng, từ 904,8 tỷ đồng lên tới 1.016,2 tỷ đồng. Thêm vào đó, ghi nhận về nợ vay dài hạn giảm từ 810,2 tỷ đồng xuống chỉ còn 687,6 tỷ đồng. Việc chuyển dịch cơ cấu nợ với phần tăng cường nằm ở ngắn hạn sẽ làm gia tăng rủi ro trong ngắn hạn đối với doanh nghiệp.
Một điều cần lưu ý khác nữa đó là vốn chủ sở hữu của TDC tại thời điểm kết thúc quý 4 năm 2022 chỉ ở mức 1.226,5 tỷ đồng, chiếm 32% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu chỉ nhỉnh hơn so với chỉ tiêu về nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn cũng một phần nào phản ánh rủi ro hiện hữu trong công tác quản trị nguồn vốn của TDC.