Kinh Môn bứt phá trong sản xuất nông nghiệp
Nhờ xác định nhiệm vụ cụ thể và triển khai các biện pháp đồng bộ, thị xã Kinh Môn đã có bước bứt phá trong sản xuất nông nghiệp.
Xác định nhiệm vụ cụ thể
Kinh Môn đã cụ thể hóa việc thực hiện các chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020-2025 bằng Đề án “Thúc đẩy sản xuất, chế biến nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025”. Đề án đã được triển khai sâu rộng đến các phòng ban, địa phương. UBND thị xã chỉ đạo ngành nông nghiệp, cơ quan liên quan tập trung kiểm tra, đánh giá, rà soát cụ thể các lĩnh vực đã và đang thực hiện để phối hợp chặt chẽ với các ngành, UBND các xã, phường tập trung triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phấn đấu sớm hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.
Trên cơ sở đề án đã ban hành, ngành nông nghiệp và các địa phương chủ động chọn lựa các sản phẩm chủ lực để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngoài việc tiếp tục mở rộng diện tích cây vụ đông, đặc biệt là hành tỏi, thị xã đang dần hình thành và quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất như sắn dây tại các xã, phường Thượng Quận, An Phụ; nếp cái hoa vàng ở Duy Tân, Tân Dân, Phú Thứ; dưa lưới, dưa chuột tại Long Xuyên, Lê Ninh…
Trong những năm qua, UBND phường Thất Hùng đã hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp. Ngoài cây trồng chủ lực là hành tỏi vào vụ đông, phường Thất Hùng cũng đã hình thành những vùng chuyên canh cam, ổi cho giá trị kinh tế lớn. Hiện nay, phường có gần 100 ha ổi trồng theo hướng VietGAP. Năm 2022, phường đã lựa chọn quả ổi đăng ký tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), kết quả đã được công nhận đạt OCOP 3 sao. Từ đó góp phần tạo nên thương hiệu, giúp quả ổi Thất Hùng tiêu thụ thuận lợi hơn. Anh Cao Văn Tuân ở khu dân cư Vũ Xá cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 1 ha trồng ổi, đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, không lo đầu ra. Trung bình mỗi năm, giá trị kinh tế thu về khoảng 30 triệu đồng/sào”.
Nhiều kết quả nổi bật
Thị xã Kinh Môn xác định trong bối cảnh đất nông nghiệp trên địa bàn đang ngày càng bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa và phát triển đô thị nhanh thì việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu và cần thực hiện ngay. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được điều chỉnh lại cùng với quy hoạch phân khu các phường, quy hoạch chung thị xã để từ đó xác định quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp sạch, tạo sự đột phá trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.
Xác định đó là xu thế tất yếu nên thời gian qua, phường Long Xuyên đã tích cực vận động nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao. Năm 2022, 9 hộ dân ở phường Long Xuyên đã thành lập HTX Sản xuất rau củ quả sạch Long Xuyên. HTX này đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để xây dựng sản phẩm uy tín, chất lượng, có chỗ đứng trên thị trường. Các thành viên HTX nắm chắc kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa lưới, dưa vàng. Lượng phân bón hóa học sử dụng trong quá trình chăm bón cây trồng đã được hạn chế triệt để. HTX hiện có 10 thành viên, tất cả đều đã xây dựng nhà màng, nhà lưới với tổng diện tích hơn 13.000m2. Mỗi năm, các thành viên trong HTX trồng 3 vụ dưa lưới trên giá thể trong nhà màng, nhà lưới, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hệ thống tưới nhỏ giọt. Từ hiệu quả mô hình này, phường Long Xuyên khuyến khích người dân tiếp tục mở rộng diện tích nhà màng, nhà lưới để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn cho biết: “Việc áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất đã đem lại giá trị kinh tế, làm thay đổi nhận thức của người dân. Cơ cấu cây trồng đã chuyển biến theo hướng tích cực, rõ nét theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung gắn với nhu cầu thị trường, tăng tỷ lệ diện tích các giống lúa chất lượng, rau màu và các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Tư duy của nông dân đã thay đổi sang sản xuất thứ thị trường cần. Đây là một trong những yếu tố mấu chốt của việc sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa”.
Năm 2022, tổng diện tích gieo trồng của Kinh Môn là 16.811ha, tăng 311 ha so với mục tiêu năm 2025. Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án “Thúc đẩy sản xuất, chế biến nông nghiệp sạch theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025”, nhiều chỉ tiêu về nông nghiệp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra đã vượt kế hoạch. Trong đó, các kết quả nổi bật nhất là mức tăng trưởng ngành nông nghiệp. Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2022 đạt bình quân 2,3%/năm (tăng 0,8% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội); năm 2022 giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 286,6 triệu đồng (mục tiêu đặt ra năm 2025 là 270 triệu đồng/ha).
Thời gian tới, thị xã Kinh Môn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi tập quán, phương thức sản xuất của nông dân. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp nhằm áp dụng nhanh các ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích.