Kinh Môn - thị xã trẻ: Bài 1: Vùng đất công nghiệp
Thị xã Kinh Môn trở thành trung tâm công nghiệp phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
Phát huy lợi thế
Thị xã Kinh Môn nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, cạnh hai trung tâm kinh tế lớn là Quảng Ninh và Hải Phòng. Thị xã còn có hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ liên hoàn với nhiều con sông lớn, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện.
Với nguồn khoáng sản phong phú, nhất là cao lanh, đá vôi xi măng, đá xây dựng, sét xi măng, sét gạch ngói… thị xã Kinh Môn có ưu thế lớn để phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng.
Bằng tiềm năng và thế mạnh vốn có, địa phương đã xây dựng nhiều cụm công nghiệp (CCN) như Phú Thứ, Duy Tân, Hiệp Sơn, Long Xuyên, An Phụ… với tỷ lệ lấp đầy đều đạt trên 60%.
Thị xã Kinh Môn còn là trung tâm của ngành công nghiệp xi măng, thép, than coke, đá xây dựng, nhiệt điện với những cái tên nổi bật là Hoàng Thạch, Phúc Sơn, Thành Công, Trung Hải, Hòa Phát hay Nhiệt điện BOT Hải Dương.
Phát huy lợi thế cộng với những chính sách thu hút phù hợp, thị xã Kinh Môn trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư. Hiện nay, diện tích đất CCN và ngoài CCN dành cho hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ lên đến 1.377 ha.
Chỉ tính riêng năm 2019, thị xã đã thành lập được 142 doanh nghiệp, tăng 7,1% so với năm 2018 và có thêm 558 hộ được cấp giấy phép kinh doanh, tăng 4,3%. Thị xã cũng đã thu hút doanh nghiệp đầu tư vào 10 dự án với tổng số vốn hơn 1.100 tỷ đồng.
Hiện thị xã có khoảng 1.500 doanh nghiệp với trên 900 doanh nghiệp hoạt động thường xuyên, có đóng góp cho ngân sách nhà nước. Khoảng 20% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng tạo ra giá trị sản xuất lên tới trên 40.000 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động trong và ngoài tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Gắn với bảo vệ môi trường
Năm 2018, Huyện ủy Kinh Môn (nay là Thị ủy Kinh Môn) ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Kế hoạch nêu rõ trong giai đoạn 2018-2020, tất cả dự án mới đầu tư trước khi đi vào hoạt động phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch BVMT được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nguồn xả nước thải, khí thải lớn phải có hệ thống quan trắc môi trường tự động, truyền dữ liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
Các dự án đã đi vào hoạt động phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch hoặc đề án BVMT được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thị xã cũng thực hiện nghiêm các quy định về BVMT trong chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án cấp mới; lựa chọn, ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.
Địa phương không tiếp nhận dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên liệu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh rà soát, đánh giá công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đưa công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất, nhất là công nghệ thân thiện với môi trường.
Ông Lê Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết thời gian qua, lãnh đạo thị xã đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời rà soát, lập danh sách các cơ sở có dấu hiệu ô nhiễm môi trường, gây bức xúc và thường xuyên có phản ánh trong nhân dân.
Thị xã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra đột xuất một số cơ sở. Đến nay, đã có 5 Công ty: TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch, Xi măng Phúc Sơn, CP Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công III, CP Thép Hòa Phát Hải Dương, CP Năng lượng Hòa Phát lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động để kiểm soát chất lượng khí thải trước khi xả ra môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Chỉ sau 22 năm kể từ khi tái lập, Kinh Môn đã phấn đấu để đạt tiêu chí huyện nông thôn mới và trở thành thị xã. Việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, tạo đà cho Kinh Môn ngày càng phát triển, hướng tới thị xã công nghiệp, thương mại và dịch vụ, có đóng góp tích cực và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.